Khôi phục đàn lợn sau dịch bệnh vẫn còn nhiều khó khăn

Có thể thấy, giai đoạn cuối những năm 2018-2020, tình hình dịch bệnh trên đàn lợn ở tỉnh Quảng Trị diễn biến phức tạp, đặc biệt là dịch tả lợn Châu Phi (DTLCP) xảy ra trên diện rộng. Trước tình hình này, UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ban, ngành cấp tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố triển khai quyết liệt các biện pháp chống dịch theo chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và PTNT nên dịch bệnh cơ bản được khống chế. Sau khi dịch bệnh tạm lắng, ngày 31/12/2020, UBND tỉnh có đề án số: 6060/ĐA-UBND khôi phục đàn lợn sau bệnh DTLCP trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025 nhằm thúc đẩy chăn nuôi lợn phát triển. Mặc dù vậy, do nhiều nguyên nhân, việc khôi phục đàn lợn sau dịch bệnh đến nay vẫn còn nhiều khó khăn.

 Người chăn nuôi gặp khó khăn do thiếu nguồn giống lợn đảm bảo chất lượng - Ảnh: Đ.T

Người chăn nuôi gặp khó khăn do thiếu nguồn giống lợn đảm bảo chất lượng - Ảnh: Đ.T

Theo số liệu thống kê, từ ngày 25/3/2019 đến ngày 31/12/2019, bệnh DTLCP đã xảy ra tại 119 xã, phường, thị trấn của 9 huyện, thị xã, thành phố và huyện đảo Cồn Cỏ, buộc phải tiêu hủy 54.930 con, trong đó có 16.161 lợn nái, 22.539 lợn thịt và 16.230 lợn con theo mẹ. Đã có nhiều xã, phường, thị trấn tái phát dịch từ 2-3 lần. Đến năm 2020, bệnh DTLCP có xu hướng giảm dần, các ổ dịch xảy ra rải rác, tự phát tại chỗ, số lợn mắc bệnh chết ít, không có hiện tượng lây lan sang các hộ liền kề. Chỉ tính đến đầu tháng 8/2020, bệnh DTLCP đã xảy ra tại 161 hộ chăn nuôi tại 78 thôn, 43 xã của các huyện: Vĩnh Linh, Gio Linh, Triệu Phong, Hải Lăng, Cam Lộ và thị xã Quảng Trị với tổng số phải tiêu hủy 851 con, trong đó có 162 con nái, 467 lợn thịt và 213 lợn con theo mẹ.

Do ảnh hưởng của bệnh DTLCP nên tổng đàn lợn trên địa bàn tỉnh giảm mạnh, đặc biệt là đàn lợn nái hiện chỉ còn 25.204 con, đàn lợn đực giống khai thác tinh phục vụ công tác TTNT chỉ còn hơn 10 con dẫn đến thiếu hụt con giống nghiêm trọng, đẩy giá con giống lên cao nên người chăn nuôi gặp nhiều khó khăn khi tái đàn. Về con giống, trước thời điểm xảy ra dịch bệnh, công tác giống lợn được tỉnh triển khai bài bản, quyết liệt. Các giống lợn năng suất, chất lượng cao được nhập nuôi và phổ biến rộng rãi như các giống: Yorshire, Landrace, Duroc, Pietran, Pi-Du và tổ hợp lai 2 máu, 3 máu của các giống. Tỉ lệ lợn ngoại, lợn lai ngoại chiếm trên 80% tổng đàn lợn của tỉnh. Cơ cấu dàn lợn nái chiếm 25% tổng đàn; lợn thịt chiếm 75% tổng đàn. Tuy nhiên, sau khi xảy ra dịch bệnh, công tác quản lý gặp nhiều khó khăn. Các cơ sở sản xuất, kinh doanh giống lợn giảm đàn, nhiều cơ sở không còn duy trì sản xuất, kinh doanh nữa. Đặc biệt trên địa bàn tỉnh có 6 cơ sở chăn nuôi lợn đực giống thì có đến 4 cơ sở phải dừng hoạt động do đàn lợn bị bệnh DTLCP, tổng số lợn đực giống của 4 cơ sở bị chết và tiêu hủy là 70 con.

Không dừng lại ở đó, khó khăn, thách thức trong công tác khôi phục, phát triển đàn lợn hiện nay còn nằm ở phương thức chăn nuôi lợn. Trên thực tế trong những năm qua, các hình thức chăn nuôi lợn theo hướng trang trại, gia trại công nghiệp, bán công nghiệp ngày càng phát triển. Các mô hình liên kết giữa người chăn nuôi với doanh nghiệp, giữa các hộ chăn nuôi với nhau ngày càng được nhân rộng và phát huy hiệu quả. Tuy nhiên, sau thời điểm xảy ra DTLCP, các trang trại chăn nuôi có xu hướng giảm đàn. Chăn nuôi lợn nông hộ gặp nhiều khó khăn. Trong đợt dịch năm 2019 có 10.798 hộ có lợn bị dịch bệnh phải tiêu hủy. Đến đầu tháng 5/2020 có 161 hộ chăn nuôi lợn có dịch phải tiêu hủy. Theo khảo sát cho thấy, việc tái đàn lợn tại các nông hộ gặp nhiều bất lợi do điều kiện chăn nuôi chưa bảo đảm, thiếu vốn đầu tư và thiếu nguồn con giống. Điều này xuất phát từ thực tế chăn nuôi lợn của người dân trong tỉnh hiện chủ yếu vẫn là chăn nuôi quy mô nông hộ, nhỏ lẻ, kỹ thuật lạc hậu, phương thức chăn nuôi theo lối tận dụng và tự phát nên khi xảy ra dịch bệnh và thị trường biến động thì khả năng bị tổn thương cao. Chăn nuôi trang trại số lượng chưa nhiều, chỉ chiếm gần 20% tổng đàn lợn. Toàn tỉnh hiện có 233 trang trại chăn nuôi lợn, trong đó có 22 trang trại chăn nuôi liên kết với các công ty thức ăn chăn nuôi. Với một tỉnh xác định nông nghiệp còn đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế mà chỉ có 1 trang trại chăn nuôi lợn được cấp giấy chứng nhận VietGAP là rất ít ỏi. Đặc biệt như trên đã nói, khi chăn nuôi trên địa bàn tỉnh còn chủ yếu là chăn nuôi nông hộ, nhỏ lẻ, nên việc áp dụng an toàn sinh học trong chăn nuôi để phòng dịch bệnh còn nhiều khó khăn, người chăn nuôi phải trải qua dịch bệnh, bão lụt liên tiếp bị thiệt hại về kinh tế khá lớn nên thiếu nguồn vốn đầu tư. Cho đến nay, tình hình dịch bệnh trên đàn gia súc vẫn diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nhiều nguy cơ bùng phát trở lại, đặc biệt là bệnh DTLCP vẫn chưa có vắc xin phòng bệnh và thuốc điều trị hiệu quả, do đó người chăn nuôi vẫn còn có tâm lý ngại ngần, e dè khi tái đàn.

Đề án số 6060/ĐA-UBND khôi phục đàn lợn sau bệnh DTLCP trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025 của UBND tỉnh ra đời đã tạo điều kiện quan trọng giúp vực dậy và phục hồi ngành chăn nuôi lợn trên địa bàn. Thực hiện đề án hiệu quả sẽ nâng cao năng suất, chất lượng đàn lợn nái, góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế cho người chăn nuôi, nâng cao tỉ trọng giá trị chăn nuôi trong cơ cấu giá trị ngành nông nghiệp, thúc đẩy kinh tế- xã hội của tỉnh phát triển. Sau khi đề án kết thúc, dự kiến hằng năm sẽ có 23.600 con lợn nái đã hỗ trợ sẽ sản xuất được trên 472.000 con lợn giống cung cấp cho người chăn nuôi; 48 lợn đực giống dự kiến sản xuất trên 210.000 liều tinh. Về hiệu quả xã hội, đề án thực hiện thành công góp phần khôi phục, phát triển chăn nuôi lợn; ổn định cung cầu giống lợn; bình ổn giá lợn và giải quyết việc làm cho người chăn nuôi. Đặc biệt góp phần thay đổi phương thức chăn nuôi từ lạc hậu sang chăn nuôi tiên tiến, áp dụng khoa học công nghệ; hỗ trợ tích cực cho việc thực hiện mục tiêu xây dựng nông thôn mới. Về môi trường, đề án sẽ thúc đẩy phát triển chăn nuôi lợn theo hướng chăn nuôi tập trung an toàn sinh học, chăn nuôi thâm canh, góp phần thực hiện tốt việc phòng, chống dịch bệnh và ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi.

Trước những khó khăn bộn bề trong việc chuẩn bị để từng bước tái đàn, người chăn nuôi lợn đặt nhiều hy vọng vào việc triển khai đề án khôi phục đàn lợn sau bệnh DTLCP trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025 của UBND tỉnh sẽ phát huy những chính sách và cơ chế hỗ trợ trong thực tiễn sản xuất, đem lại hiệu quả thiết thực cho người chăn nuôi lợn.

Đan Tâm

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=72&modid=419&itemid=158802&title=khoi-phuc-dan-lon-sau-dich-benh-van-con-nhieu-kho-khan