Khôi phục nghề truyền thống - đa dạng sản phẩm du lịch

Cùng với đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá về tiềm năng lợi thế du lịch; huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng du lịch; liên kết xây dựng các tour, tuyến, điểm du lịch, những năm qua, huyện Quỳnh Nhai đã và đang thực hiện nhiều giải pháp để phục dựng, duy trì nghề truyền thống.

Nghề dệt thổ cẩm của người Thái trắng bản Bon, xã Mường Chiên (Quỳnh Nhai).

Nghề dệt thổ cẩm của người Thái trắng bản Bon, xã Mường Chiên (Quỳnh Nhai).

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Quỳnh Nhai lần thứ XXI, nhiệm kỳ 2020-2025 xác định: Huy động các nguồn lực đầu tư cho phát triển kết cấu hạ tầng du lịch, từng bước đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, góp phần thúc đẩy các ngành nghề khác phát triển, đưa huyện trở thành điểm du lịch hấp dẫn của du lịch tỉnh.

Để hiện thực hóa, cùng với việc rà soát xây dựng, ban hành các cơ chế, chính sách, UBND huyện đã ban hành kế hoạch xây dựng và hoàn thiện sản phẩm du lịch đạt chuẩn được công nhận giai đoạn 2021-2023, trong đó có nội dung phục dựng duy trì nghề thủ công truyền thống, như: Dệt thổ cẩm, rèn, sản xuất nhạc cụ, đan lát. Mục tiêu đến năm 2023, Quỳnh Nhai đón trên 230.000 lượt khách du lịch, trong đó khách quốc tế khoảng 1.600 lượt người, doanh thu từ các dịch vụ du lịch trên 90 tỷ đồng.

Bà Điêu Thị Nhất, Trưởng Phòng Văn hóa, Thông tin huyện Quỳnh Nhai, cho biết: Trên địa bàn huyện có 7 dân tộc: Thái, Kinh, Mông, La Ha, Kháng, Dao, Khơ Mú. Mỗi dân tộc có những nét văn hóa độc đáo, đặc trưng riêng, tạo nên bức tranh văn hóa đa sắc màu. Trong khôi phục nghề truyền thống, huyện hướng tới “mục tiêu kép”, đó là vừa giữ gìn, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc, vừa góp phần đa dạng hóa các sản phẩm du lịch phục vụ du khách tham quan, trải nghiệm, từ đó tạo việc làm và tăng thu nhập cho người dân. Huyện đã thành lập 8 câu lạc bộ giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc Kháng, Thái, Dao, La Ha. Thành viên các câu lạc bộ ở nhiều lứa tuổi và có cả nghệ nhân tham gia, cùng hướng đến mục đích duy trì, bảo tồn và phát triển văn hóa truyền thống của dân tộc mình.

Nét nổi bật, UBND huyện Quỳnh Nhai đã ban hành kế hoạch khôi phục nghề truyền thống đan lát của dân tộc La Ha để phục vụ phát triển du lịch. Đồng bào dân tộc La Ha sống chủ yếu ở các xã: Mường Giàng, Mường Sại và Nặm Ét. Nghề đan lát được người La Ha gìn giữ khá tốt. Nhiều dụng cụ lao động, sản xuất và sinh hoạt hằng ngày đều do bà con tự làm.

Các sản phẩm thủ công truyền thống được trưng bày tại Trung tâm giới thiệu sản phẩm OCOP của huyện Quỳnh Nhai.

Các sản phẩm thủ công truyền thống được trưng bày tại Trung tâm giới thiệu sản phẩm OCOP của huyện Quỳnh Nhai.

Để bảo tồn và phát huy nghề truyền thống này, năm 2020, Phòng Văn hóa Thông tin huyện đã phối hợp với các xã tổ chức 4 lớp truyền dạy nghề đan lát cho học viên bản Bung Lanh (Mường Giàng); bản Ten, Che (Mường Sại); bản Huổi Hẹ, bản Tốm (Nặm Ét), mỗi lớp có 22 học viên và 3 nghệ nhân… Học viên được các nghệ nhân truyền dạy các thao tác, kỹ thuật cơ bản về đan lát các sản phẩm dùng trong lao động, sản xuất và sinh hoạt hàng ngày. Toàn bộ sản phẩm được đem trưng bày, giới thiệu tại các điểm du lịch như: Quầy giới thiệu sản phẩm OCOP tại Trung tâm Truyền thông - Văn hóa; khách sạn Trung Kiên; HTX du lịch sinh thái Quỳnh Nhai; bến du thuyền Tâm Anh; Quỳnh Nhai Travel.

Bà Lò Thị Tỉnh, Chủ nhiệm Câu lạc bộ giữ gìn bản sắc văn hóa La Ha, cho biết: Câu lạc bộ hiện có 50 hội viên, trong đó có 40 hội viên có sở thích đan lát. Để gìn giữ nghề truyền thống, hàng tuần các hội viên dành thời gian đan lát. Sản phẩm được lựa chọn trưng bày tại các điểm du lịch của huyện, phục vụ sinh hoạt trong gia đình và bán tại các chợ trên địa bàn, nhiều sản phẩm đã được khách du lịch mua. Mong rằng, thông qua các sản phẩm truyền thống ngày càng nhiều du khách biết tới dân tộc La Ha.

Bên cạnh nghề đan lát của đồng bào dân tộc La Ha, thì huyện cũng đang tập trung khôi phục nghề đan lát, dệt thổ cẩm, làm nhạc cụ truyền thống của dân tộc Mông và dân tộc Thái. Nguyên liệu sử dụng được chính người dân trồng và có sẵn tại địa phương, như: Mây, tre và đã được người dân tạo ra các sản phẩm phục vụ lao động, sản xuất và sinh hoạt hằng ngày.

Đàn tính - nhạc cụ truyền thống của người Thái trắng (Quỳnh Nhai).

Đàn tính - nhạc cụ truyền thống của người Thái trắng (Quỳnh Nhai).

Tuy nhiên, nghệ nhân trong các bản hiện nay không còn nhiều, chủ yếu là người cao tuổi, vì vậy, nếu không được quan tâm đúng mức, kịp thời, nghề truyền thống có nguy cơ mai một khi xu hướng sử dụng nguyên liệu và trang phục truyền thống được giới trẻ thay bằng trang phục may sẵn.

Thời gian tới, cùng với việc tiếp tục huy động các nguồn lực đầu tư kết cấu hạ tầng du lịch, huyện Quỳnh Nhai tăng cường tuyên truyền ý nghĩa và tầm quan trọng của việc bảo tồn, duy trì các nghề truyền thống trong đồng bào dân tộc thiểu số, từng bước nâng cao ý thức tự giác, tích cực tham gia bảo tồn, lưu giữ những nét văn hóa và những sản phẩm truyền thống độc đáo trong cộng đồng các dân tộc. Cùng với đó, quan tâm đến những nghệ nhân và những người có tay nghề cao để tham gia truyền nghề, dạy nghề, lan tỏa niềm tự hào về bản sắc văn hóa đồng bào các dân tộc trong giới trẻ.

Minh Thu

Nguồn Sơn La: http://www.baosonla.org.vn/vi/bai-viet/khoi-phuc-nghe-truyen-thong--da-dang-san-pham-du-lich-36716