Khôi phục quan hệ xuyên Đại Tây Dương

Đúng như kỳ vọng của nhiều nước châu Âu về xung lực mới cho mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương, trong cuộc thảo luận sâu rộng đầu tiên kể từ khi Tổng thống Mỹ Joe Biden nhậm chức, các ngoại trưởng Đức, Pháp, Anh và Mỹ đã nhất trí khôi phục quan hệ đối tác truyền thống, gần gũi và cùng nhau giải quyết những thách thức toàn cầu trong tương lai.

Việc khôi phục quan hệ xuyên Đại Tây Dương được kỳ vọng sẽ cải thiện những bất đồng thương mại giữa EU và Mỹ.

Hơn 4 năm qua, kể từ khi Tổng thống Donald Trump lên nắm quyền cùng với chính sách “Nước Mỹ trên hết”, quan hệ giữa “chú Sam” và các đồng minh châu Âu phải đối mặt với không ít sóng gió. Tranh cãi về danh sách hàng loạt mặt hàng của Liên minh châu Âu (EU) bị Washington áp đặt thuế, tiến trình đàm phán thương mại song phương “giậm chân tại chỗ”, bất đồng về sự đảo ngược quan điểm của Nhà Trắng đối với thỏa thuận hạt nhân Iran, vấn đề hòa bình Trung Đông… đã khiến rạn nứt giữa hai bờ Đại Tây Dương ngày càng lớn.

Thực tế đã có lúc Tổng thống Đức Frank-Walter Steinmeier thẳng thắn đề cập tới sự lỏng lẻo trong mối quan hệ này khi cho rằng nước Mỹ hiện nay không còn đặt châu Âu vào trọng tâm như trong quá khứ. Trước đây, ông chưa từng nghĩ đồng minh thân cận nhất của châu Âu là Mỹ lại là nước bác bỏ khái niệm “cộng đồng quốc tế”, đồng thời cho rằng các nước nên tự lo liệu. Theo Tổng thống Đức, trong thời đại ngày nay, sự co cụm hay rút vào khuôn khổ quốc gia “sẽ chỉ dẫn đến ngõ cụt, đến một thời kỳ đen tối”.

Đồng quan điểm với nhà lãnh đạo Đức, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cũng cảnh báo tầm ảnh hưởng của Mỹ - EU trên vũ đài quốc tế ngày càng giảm với việc Washington rút khỏi các chính sách của thế giới. Thậm chí, ông chủ Điện Elysee còn lo ngại nếu hai cường quốc châu Âu là Pháp và Đức không cùng tìm ra câu trả lời cho những vấn đề của 20-30 năm tới thì đó sẽ là một “sai lầm lịch sử”. Một trong những giải pháp được giới chức Pháp và Đức nêu ra là thành lập một liên minh an ninh và quân sự của châu Âu chứ không chờ đợi vào sự bảo vệ từ “chiếc ô” quốc phòng của Mỹ và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương, vốn cũng đang chia rẽ sâu sắc.

Chính vì vậy, ngay sau khi Tổng thống J.Biden đắc cử, lãnh đạo nhiều quốc gia châu Âu đã bày tỏ kỳ vọng về sự hồi sinh quan hệ giữa hai bờ Đại Tây Dương. Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen khẳng định, liên minh phương Tây được xây dựng trên cơ sở sự hợp tác giữa Mỹ và châu Âu vẫn bền vững dựa trên những giá trị sẻ chia và lịch sử, đồng thời nhấn mạnh “đã đến lúc thực hiện một chương trình nghị sự xuyên Đại Tây Dương mới”.

Trên thực tế, tân Tổng thống J.Biden và Ngoại trưởng Antony Blinken đều là những chính trị gia ủng hộ việc củng cố mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương với quan điểm rằng mặc dù châu Á ngày càng trỗi dậy, song Mỹ và châu Âu vẫn là những trụ cột vững chắc cần thiết cho bất cứ hệ thống quốc tế ổn định và cởi mở nào. Ngay trong quá trình tranh cử, ông J.Biden đã làm nức lòng những người bạn châu Âu với những cam kết sẽ đưa nước Mỹ trở lại Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu năm 2015, quay lại với Tổ chức Y tế thế giới (WHO), đàm phán với Iran, hạ nhiệt các cuộc chiến thương mại và thực thi những cam kết với chủ nghĩa đa phương.

Tuy nhiên, việc khôi phục mối quan hệ đã có nhiều xáo trộn này không đơn giản như quay ngược chiếc kim đồng hồ mà đòi hỏi các bên liên quan phải thích ứng với những yêu cầu về an ninh, chính trị và kinh tế hiện nay. Đúng như Chủ tịch EC Ursula von der Leyen nhận định: “Chương trình nghị sự xuyên Đại Tây Dương mới nên bao trùm mọi vấn đề từ an ninh đến tính bền vững, từ những quy định liên quan công nghệ đến thương mại, từ việc san bằng sân chơi kinh tế trên thế giới để củng cố các thể chế toàn cầu”.

Quỳnh Dương

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/the-gioi/990830/khoi-phuc-quan-he-xuyen-dai-tay-duong