Khởi sắc điện khí hóa từ một lời căn dặn với quê hương

Một trong những tài sản lý luận về cách mạng XHCN mà Tổng Bí thư Lê Duẩn để lại là nội dung công nghiệp hóa XHCN, trong đó, trọng tâm công nghiệp hóa trên nền tảng điện khí hóa gắn kết chặt chẽ với hiện đại hóa. Bởi vì, điện khí hóa là quá trình chế tạo máy móc hoặc hệ thống hoạt động bằng điện mà trước đây những máy móc, hệ thống này chưa từng được sử dụng bằng điện.

 Các dự án năng lượng tái tạo đang phát huy hiệu quả trên địa bàn tỉnh - Ảnh: TRẦN TUYỀN

Các dự án năng lượng tái tạo đang phát huy hiệu quả trên địa bàn tỉnh - Ảnh: TRẦN TUYỀN

Đồng chí Lê Duẩn là người con ưu tú của quê hương Quảng Trị, vùng đất có bề dày lịch sử và truyền thống văn hóa, yêu nước, cách mạng. Trong sự nghiệp hoạt động cách mạng của mình, dù ở đâu, cương vị nào, đồng chí cũng luôn dành cho quê hương Quảng Trị sự quan tâm đặc biệt, tình cảm tốt đẹp và nồng hậu nhất. Mỗi lần về thăm quê hương đồng chí căn dặn: Tập trung vào khôi phục và phát triển công nghiệp rồi thông qua đó để khôi phục lại toàn bộ nền kinh tế, nhưng để khôi phục công nghiệp cần phải có lương thực, thực phẩm cho Nhân dân, cần nguyên liệu, nhiên liệu, năng lượng, máy móc, thiết bị... trong đó, điện phải đi trước một bước. Thực hiện lời căn dặn của Tổng Bí thư Lê Duẩn, đến nay quê hương Quảng Trị có những bước khởi sắc.

Xuất phát từ thực tiễn Việt Nam, Nghị quyết số 18-NQ/TW, ngày 25/10/2007 của Bộ Chính trị khóa X về định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2050; căn cứ vào lợi thế về điều kiện tự nhiên, tỉnh Quảng Trị đã xây dựng kế hoạch, các chương trình phát triển năng lượng điện tái tạo thành động lực và dư địa thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII tiếp tục khẳng định: “Đẩy mạnh phát triển công nghiệp năng lượng, phấn đấu xây dựng Quảng Trị trở thành trung tâm năng lượng của miền Trung vào năm 2030”. Từ chủ trương đó, năm 2021, tỉnh đã tập trung hỗ trợ nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ cấp phép để triển khai thực hiện dự án và hòa lưới điện trước thời điểm 31/10/2021 đối với 14 dự án điện gió với tổng công suất 569,2 MW đã được Thủ tướng Chính phủ thống nhất đưa vào quy hoạch điện VII. Xác định năng lượng tái tạo là lĩnh vực đột phá, Sở Công Thương đã tham mưu UBND tỉnh trong việc chủ động xúc tiến, hỗ trợ các nhà đầu tư, tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện thúc đẩy đầu tư, khởi công dự án.

Tích cực làm việc với các bộ, ngành trung ương đề xuất đưa vào quy hoạch nhiều dự án năng lượng quan trọng trên địa bàn như: 31 dự án điện gió được phê duyệt quy hoạch với tổng công suất 1.177,2 MW; 3 dự án điện mặt trời với tổng công suất khoảng 149,5 MWp (tương đương 127 MW); 1 dự án nhà máy nhiệt điện than với công suất 1.320 MW, 2 dự án điện khí với tổng công suất 1.840 MW và 18 dự án thủy điện (bao gồm cả Dự án Thủy lợi - Thủy điện Quảng Trị, công suất 64 MW) với tổng công suất 260,5 MW. Đến nay, đã có 19 dự án điện gió với tổng công suất 671,1 MW; 3 dự án điện mặt trời với tổng công suất 127 MW và 11 dự án thủy điện với tổng công suất 167,5 MW đã đưa vào vận hành thương mại. Như vậy, tổng công suất phát điện trên địa bàn tỉnh đến thời điểm này là 965,6 MW.

Tỉnh hỗ trợ tối đa Tập đoàn Điện lực Việt Nam hoàn thành đầu tư dự án TBA Lao Bảo và đường dây 220 kV Đông Hà - Lao Bảo; hoàn thành dự án cải tạo đường dây 110 kV Đông Hà - Lao Bảo đảm bảo giải tỏa công suất các dự án năng lượng tái tạo phía Tây của tỉnh đúng tiến độ. Đến nay, các dự án này đã hoàn thành đảm bảo giải tỏa công suất các dự án năng lượng tái tạo phía Tây của tỉnh. Quảng Trị đã làm việc với Bộ Công Thương và các bộ, ngành trung ương để bổ sung các dự án năng lượng trọng điểm của tỉnh vào Quy hoạch năng lượng quốc gia, trong đó có đề xuất đưa khí từ mỏ Kèn Bầu vào Quảng Trị.

Tỉnh cũng đã khởi công dự án Trung tâm Điện khí LNG Hải Lăng giai đoạn I được xây dựng tại địa phận hai xã Hải An và Hải Ba (huyện Hải Lăng), nằm trong khu phức hợp năng lượng của Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị. Với quy mô hơn 120 ha, dự án sẽ xây dựng Trung tâm kho cảng LNG Hải Lăng (giai đoạn 1), tiếp nhận tàu chở LNG từ 170.000 - 226.000 m3, công suất tiếp nhận 1,5 triệu tấn LNG/năm và Trung tâm Điện lực Hải Lăng (giai đoạn 1) có công suất phát điện 1.500 MW. Tổng vốn đầu tư giai đoạn 1 của dự án lên tới gần 54.000 tỉ đồng. Theo kế hoạch, dự án sẽ được đưa vào vận hành thương mại vào năm 2026 - 2027. Kết quả đạt được sẽ đảm bảo cung cấp đủ nhu cầu năng lượng trên địa bàn tỉnh và tham gia cung ứng cho nhu cầu năng lượng quốc gia và xuất khẩu, góp phần vào sự phát triển kinh tế của tỉnh.

Quan điểm của Tổng Bí thư Lê Duẩn về điện khí hóa cùng những lời căn dặn với quê hương Quảng Trị có ý nghĩa rất to lớn. Những vấn đề đó vẫn còn tính thời sự sâu sắc qua các nhiệm kỳ đại hội của Đảng. CNH, HĐH gắn với cách mạng công nghiệp 4.0, khơi dậy mọi tiềm năng và nguồn lực, tạo động lực cho sự phát triển nhanh và bền vững của tỉnh; không ngừng cải thiện toàn diện đời sống vật chất và tinh thần cho Nhân dân.

Nguyễn Toàn Thắng

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=71&modid=415&itemid=166155&title=khoi-sac-dien-khi-hoa-tu-mot-loi-can-dan-voi-que-huong