Khởi sắc diện mạo nông thôn qua phong trào xây dựng đời sống văn hóa

ĐTO - Năm 2024, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” (viết tắt là Phong trào) trên địa bàn tỉnh tiếp tục có sức lan tỏa mạnh mẽ, để lại nhiều dấu ấn đẹp. Nổi bật là phát huy các giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc, khơi dậy tinh thần đoàn kết, chung sức đồng lòng của người dân trong tham gia thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Bà Huỳnh Thị Hoài Thu - Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Phó trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa tỉnh phát biểu tại Hội nghị tập huấn triển khai Quyết định số 24 của UBND tỉnh

Bà Huỳnh Thị Hoài Thu - Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Phó trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa tỉnh phát biểu tại Hội nghị tập huấn triển khai Quyết định số 24 của UBND tỉnh

Nỗ lực xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh

Ban Chỉ đạo (BCĐ) Phong trào tỉnh hướng dẫn BCĐ Phong trào huyện, thành phố triển khai các nội dung của Phong trào phù hợp với tình hình thực tế địa phương. Các cấp ủy, chính quyền quan tâm chỉ đạo sâu sát, đề ra các chỉ tiêu, giải pháp phát triển đời sống văn hóa, tinh thần của Nhân dân; hướng dẫn phát động thi đua thực hiện Phong trào, công tác gia đình; đăng ký, đánh giá và công nhận các danh hiệu: “Gia đình văn hóa” (GĐVH); “Khóm, ấp văn hóa”; “Xã, phường, thị trấn tiêu biểu”.

UBND xã, phường, thị trấn trong tỉnh kết hợp thực hiện Phong trào với các phong trào thi đua yêu nước, Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới (NTM), đô thị văn minh”. Trong đó, xác định nhiệm vụ trọng tâm là triển khai các giải pháp nâng cao đời sống, vật chất, tinh thần cho người dân.

Qua đó, các địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến đến người dân các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, những tiêu chí xây dựng danh hiệu văn hóa và vận động người dân tham gia xây dựng GĐVH, thực hiện quy ước khóm, ấp, nếp sống văn minh trong việc cưới, tang, lễ hội. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp tích cực phát huy vai trò trong công tác tuyên truyền, vận động người dân tham gia xây dựng đời sống văn hóa, xây dựng NTM ở địa phương. Từ đó, khơi dậy mạnh mẽ trong Nhân dân tinh thần đoàn kết, tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau, đặc biệt là người dân tích cực tham gia nhiều công trình, phần việc vì cộng đồng, giúp địa phương thực hiện tốt các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội.

Ngoài ra, các sở, ngành tỉnh, địa phương quan tâm nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần cho người dân thông qua đẩy mạnh đầu tư, nâng cấp các thiết chế văn hóa phục vụ nhu cầu học tập, sinh hoạt văn hóa của người dân. Thường xuyên tổ chức biểu diễn nghệ thuật phục vụ người dân, phát huy các Di sản văn hóa gắn với công tác phát triển du lịch và tạo dựng hình ảnh địa phương. Hàng năm, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH,TT&DL) duy trì tổ chức các hoạt động văn hóa, nghệ thuật nhân các ngày lễ, kỷ niệm, phục vụ nhu cầu thưởng thức nghệ thuật, nâng cao đời sống tinh thần cho người dân.

Các địa phương tích cực triển khai tốt phong trào: “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại”; “Học tập, lao động sáng tạo”; “Người tốt, việc tốt, các điển hình tiên tiến” đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận. Song song đó, để nâng chất lượng các danh hiệu văn hóa, Ban Chỉ đạo phong trào tỉnh tổ chức Hội nghị tập huấn nội dung Quyết định số 24 ngày 10/10/2024 của UBND tỉnh Ban hành Quy định tiêu chuẩn, hướng dẫn đánh giá, bình xét các danh hiệu “GĐVH”, “Khóm, ấp văn hóa”, “Xã, phường, thị trấn tiêu biểu” trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp. Hướng dẫn các huyện, thành phố tổ chức đánh giá, bình xét các danh hiệu văn hóa đúng theo quy định nhằm nâng chất lượng các danh hiệu văn hóa.

Theo BCĐ Phong trào tỉnh, năm qua, Phong trào tiếp tục nhận được sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát của các cấp ủy, chính quyền, sự phối hợp của các ngành thành viên, đặc biệt là sự đồng tình, hưởng ứng mạnh mẽ của các tầng lớp nhân dân. Qua đó, xuất hiện và nhân rộng nhiều gương điển hình, mô hình mới, cách làm hiệu quả như: “Hướng thiện vì cuộc sống cộng đồng”, “Hũ gạo nhân ái gắn với tủ đồ vì người nghèo”; các hoạt động văn hóa, thể thao được duy trì. Đặc biệt, tạo được nhiều chuyển biến tích cực trên các lĩnh vực đời sống xã hội, phát huy tinh thần đoàn kết, sức mạnh của người dân tham gia những công trình, phần việc vì cộng đồng góp phần làm đổi mới diện mạo các xã vùng nông thôn, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Người dân xã Đốc Binh Kiều, huyện Tháp Mười tham gia xây dựng cầu nông thôn trên địa bàn xã

Người dân xã Đốc Binh Kiều, huyện Tháp Mười tham gia xây dựng cầu nông thôn trên địa bàn xã

Khởi sắc diện mạo các xã vùng nông thôn

Về xã Đốc Binh Kiều, huyện Tháp Mười hôm nay, nhiều ngôi nhà khang trang, tuyến đường bê tông, trải nhựa thẳng tắp; ven đường là những hàng cây xanh, bụi hoa hoàng yến đua nhau khoe sắc. Đây là kết quả của sự chung sức, đồng lòng của chính quyền và người dân trong thực hiện Phong trào.

UBND xã kết hợp thực hiện Phong trào gắn với công tác xây dựng NTM kiểu mẫu. Trong đó, địa phương chú trọng tuyên truyền, vận động người dân tham gia chỉnh trang đường nông thôn, làm hàng rào, cổng ngõ, góp ngày công lao động với chính quyền xây dựng, sửa chữa cầu, đường giao thông để xây dựng ấp văn hóa, xã tiêu biểu và đạt mục tiêu xây dựng xã NTM kiểu mẫu. Trong năm 2024, từ nguồn vận động xã hội hóa, địa phương triển khai xây dựng 4 cây cầu nông thôn, rải đá chống lầy 6,4km, thực hiện 4,5km “Thắp sáng đường quê” với tổng kinh phí trên 1,7 tỷ đồng. UBND xã, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội xã phối hợp tổ chức các hoạt động chăm lo đời sống, hỗ trợ người dân phát triển sản xuất, ổn định cuộc sống. Đến cuối năm 2024, thu nhập bình quân đầu người ở xã đạt 79,235 triệu đồng/người/năm.

Ông Nguyễn Văn Quang (SN 1947) ngụ Ấp 5, xã Đốc Binh Kiều, cho biết: “Từ khi chính quyền địa phương triển khai Phong trào xây dựng đời sống văn hóa, NTM kiểu mẫu, đời sống vật chất tinh thần của người dân ở ấp được cải thiện. Tôi rất phấn khởi và tự hào trước sự phát triển của địa phương. Ý thức được trách nhiệm của mình là người dân ở địa phương, tôi tích cực tham gia các công trình, phần việc do địa phương triển khai như: xây dựng cầu, đường giao thông nông thôn... nhằm chung tay xây dựng ấp khang trang hơn”.

Theo ông Châu Văn Phương - Phó Chủ tịch UBND xã Đốc Binh Kiều, huyện Tháp Mười, đến nay, 5/5 ấp của xã đạt Ấp văn hóa nhiều năm liền, xã đạt danh hiệu Xã văn hóa tiêu biểu. Hiện nay, xã đang thực hiện mô hình Làng thông minh, phấn đấu đạt xã NTM kiểu mẫu. Qua thực hiện Phong trào và công tác xây dựng NTM kiểu mẫu, thu hút đông đảo người dân tham gia và phát huy được vai trò của người dân trong việc giữ gìn an ninh trật tự, bảo vệ môi trường, xây dựng nếp sống văn minh tại khu dân cư... góp phần làm cho diện mạo địa phương đổi thay từng ngày.

Còn tại xã Tân Nghĩa, huyện Cao Lãnh, ông Lê Văn Dư - Phó Chủ tịch UBND xã Tân Nghĩa, cho biết, trong những năm qua, Phong trào trên địa bàn xã từng bước được lan tỏa, nhận được sự đồng tình, hưởng ứng tích cực của người dân. Thực hiện Phong trào, xã tập trung phát triển thiết chế văn hóa. Đến nay, các thiết chế văn hóa trên địa bàn đáp ứng tốt nhu cầu học tập, sinh hoạt văn hóa của người dân. Cùng với đó, tuyên truyền, vận động người dân tuân thủ các quy ước ấp, giáo dục người thân trong gia đình không vi phạm pháp luật, thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội... Từ đó, lan tỏa ý thức xây dựng nếp sống văn hóa trong cộng đồng, góp phần xây dựng địa phương ngày càng phát triển. Đến cuối năm 2024, toàn xã có 2.288 hộ đạt danh hiệu GĐVH.

Với nhiều cố gắng, nỗ lực của cấp ủy, chính quyền và người dân địa phương trong thực hiện Phong trào đã mang lại nhiều kết quả tích cực, đóng góp chung vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Năm 2024, toàn tỉnh có 141 xã, phường, thị trấn đạt danh hiệu “Xã, phường, thị trấn tiêu biểu”, đạt 98,6%; 697 khóm, ấp đạt danh hiệu “Khóm, ấp văn hóa”, đạt 99,86%; 426.314 hộ đạt danh hiệu GĐVH, đạt 95,57%.

Bà Huỳnh Thị Hoài Thu - Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở VH,TT&DL, Phó trưởng Ban Thường trực BCĐ Phong trào tỉnh, cho biết: “Phát huy kết quả đạt được, trong năm 2025, BCĐ Phong trào tỉnh tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 33 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước; Nghị quyết số 06 Tỉnh ủy khóa XI về xây dựng văn hóa và con người Đồng Tháp nghĩa tình, năng động, sáng tạo. Đồng thời tập trung nâng cao chất lượng các danh hiệu văn hóa trong Phong trào; thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, tang, lễ hội; bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc, góp phần đẩy lùi các tệ nạn xã hội, thực hiện đạt các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát BCĐ Phong trào cấp huyện trong triển khai, thực hiện Phong trào; quản lý các hoạt động văn hóa, bài trừ các loại văn hóa phẩm độc hại và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm... nhằm xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, an toàn, văn minh”.

MỸ XUYÊN

Nguồn Đồng Tháp: https://baodongthap.vn/van-hoa/khoi-sac-dien-mao-nong-thon-qua-phong-trao-xay-dung-doi-song-van-hoa-127839.aspx