Khởi sắc du lịch mùa thu Hà Nội

Hà Nội ngày càng trở thành điểm đến thu hút khách du lịch trong nước và quốc tế. Du lịch mùa thu Hà Nội đang được đẩy mạnh, hứa hẹn sự khởi sắc ấn tượng…

Khách du lịch tham quan Đền Ngọc Sơn (Hoàn Kiếm, Hà Nội). Ảnh: Quang Vinh.

Khách du lịch tham quan Đền Ngọc Sơn (Hoàn Kiếm, Hà Nội). Ảnh: Quang Vinh.

Hà Nội vừa bước sang Thu - mùa đẹp nhất trong năm. Những nét đặc trưng hấp dẫn của mùa Thu khiến không chỉ người dân Thủ đô mà cả du khách gần xa thích thú. Thành phố đang từng bước khai thác vẻ đẹp mùa Thu, xây dựng thành sản phẩm du lịch hấp dẫn.

“Đặc sản” độc đáo của du lịch

Đến với Hà Nội vào dịp này, trong tiết heo may nhẹ và nắng vàng như rót mật, du khách có thể thong dong đi dạo trên các con phố Thanh Niên, Phan Đình Phùng hay dạo quanh hồ Hoàn Kiếm, hồ Tây, cầu Long Biên; cũng có thể thưởng lãm vẻ đẹp các công trình kiến trúc cổ Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Hoàng Thành Thăng Long… Nắng len qua từng hàng cây, nhuộm một màu tươi mới lên các con phố cổ kính, rêu phong. Mùa thu Hà Nội, phố dường như cũng dịu dàng, bình yên hơn.

Mùa thu không chỉ là thời điểm lý tưởng để khám phá vẻ đẹp cuốn hút của Hà Nội mà còn là cơ hội để khám phá những di sản văn hóa và ẩm thực độc đáo của Thủ đô. Và nhắc tới mùa thu Hà Nội, là người ta nhắc tới cốm. Những hạt cốm tươi, xanh mướt theo gánh hàng rong của các bà, các mẹ về trên phố. Cốm được gói bằng lá sen, sự hòa quyện giữa hương thơm của cốm cùng hương lá sen thoang thoảng như một thức quà thiên nhiên đặc biệt dành cho mùa thu Hà Nội.

Ông Lê Công Năng - Tổng Giám đốc Công ty Du lịch Wonder tour:

Cần tạo trend dịch chuyển cho giới trẻ

Mùa thu Hà Nội thực sự có tiềm năng rất lớn trong việc phát triển du lịch. Tiềm năng này không chỉ dừng lại ở việc thu hút khách du lịch trong nước, mà còn có thể mở rộng ra thị trường du khách quốc tế. Việc kết hợp các chiến dịch quảng bá, tạo ra những tour du lịch mùa thu đặc sắc, đồng thời nâng cao chất lượng dịch vụ và trải nghiệm của du khách, chắc chắn sẽ giúp khai thác tối đa tiềm năng phát triển du lịch của mùa thu Hà Nội.

Ngoài ra, cũng cần phát triển các tour du lịch, hoạt động trải nghiệm đặc trưng mùa thu như: Tour dạo bộ phố cổ, đi thuyền du lịch trên hồ Tây ngắm hoàng hôn, tham gia lễ hội đèn lồng Trung thu… Đồng thời, có thể tổ chức các sự kiện, liên hoan ẩm thực nhằm giới thiệu các món ăn đặc trưng mùa thu Hà Nội.

Tập trung xây dựng các câu chuyện du lịch, đặc biệt là du lịch mùa thu Hà Nội để thu hút, thậm chí tạo trend dịch chuyển cho giới trẻ. Tăng cường quảng bá hình ảnh mùa thu Hà Nội qua các kênh truyền thông đa phương tiện, chiến dịch quảng cáo cả trong và ngoài nước. Sử dụng các mạng xã hội để giới thiệu về mùa thu Hà Nội; hướng dẫn và giới thiệu cho du khách hiểu rõ hơn về giá trị lịch sử, văn hóa của các điểm đến.

Cuối cùng, việc cải thiện cơ sở hạ tầng, dịch vụ du lịch như lưu trú, ẩm thực, giao thông cũng vô cùng quan trọng, đặc biệt là đào tạo nhân lực, nâng cao chất lượng phục vụ và tinh thần nhiệt tình, hiếu khách của người dân địa phương.

Người Hà Nội cũng thật tinh tế khi chế biến cốm thành nhiều món ăn khác nhau như: Chè cốm, cốm xào, cốm rang, xôi cốm, bánh cốm, chả cốm…Mà chỉ thưởng thức một lần là nhớ mãi.

Cùng với cốm xanh non, sấu chín vàng, chả rươi, chè sen... cũng là những đặc sản mùa thu khiến bao người phải mê mẩn. Người ta vẫn bảo nhau, chỉ đến Hà Nội vào mùa thu mới có cơ hội được thưởng thức của món ẩm thực mang đậm hương vị của quê hương, đất nước và con người Việt Nam.

Theo TS Hoàng Thị Điệp - nguyên Phó Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam, nhiều doanh nghiệp đã chọn mùa thu ở Hà Nội để tạo ra những trải nghiệm đặc biệt cho du khách, từ đó thúc đẩy ngành du lịch phát triển bền vững và nâng cao hình ảnh của Thủ đô trong lòng du khách.

“Mùa thu ở Hà Nội được coi như một "đặc sản" độc đáo của du lịch Thủ đô. Trong thời gian này, các đơn vị dễ dàng quảng bá các điểm đến và tổ chức các tour du lịch đặc sắc để thu hút du khách. Tuy nhiên, các đơn vị làm du lịch phải chuẩn bị kỹ lưỡng, xây dựng các tour, tuyến du lịch đặc sắc giúp du khách có được những trải nghiệm đáng nhớ và thú vị” - bà Điệp nhấn mạnh.

Đồng quan điểm, bà Nguyễn Thị Kiều Oanh - Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Du lịch Hà Nội cho rằng, mùa thu Hà Nội hội tụ đầy đủ các yếu tố tự nhiên, văn hóa và con người để trở thành một sản phẩm du lịch đặc sắc, hấp dẫn. Việc khai thác tốt tiềm năng này không chỉ góp phần thúc đẩy phát triển du lịch Thủ đô mà còn quảng bá hình ảnh Hà Nội đến với du khách quốc tế.

“Mùa thu Hà Nội có thời tiết mát mẻ, không gian đường phố cũng dịu dàng, nên thơ tạo điều kiện thuận lợi cho du khách muốn tham gia các hoạt động ngoài trời, khám phá và trải nghiệm các điểm đến du lịch trong và ngoài thành phố. Cùng với đó, mùa thu thường là thời điểm diễn ra nhiều sự kiện trọng đại về văn hóa, nghệ thuật và những ngày lễ lớn trong năm như Quốc khánh 2/9, Ngày Giải phóng Thủ đô, Festival Thu Hà Nội, lễ hội Áo dài, lễ hội Trung thu. Đây là cơ hội để du khách trải nghiệm và tìm hiểu sâu hơn về văn hóa, con người Hà Nội…” - bà Oanh nhận định.

Cầu Long Biên – điểm tham quan hấp dẫn du khách quốc tế. Ảnh. P. S.

Cầu Long Biên – điểm tham quan hấp dẫn du khách quốc tế. Ảnh. P. S.

Những sản phẩm du lịch dành riêng cho mùa thu

Diễn ra mới đây, Lễ hội Quà tặng du lịch Hà Nội năm 2024 là hoạt động kích cầu du lịch được tổ chức thường niên, quảng bá hình ảnh Thủ đô - Điểm đến du lịch “An toàn - Thân thiện - Chất lượng - Hấp dẫn” nhằm thu hút khách du lịch đến với Hà Nội.

Với chủ đề “Thức quà Hà Nội”, du khách tham gia lễ hội đã được trải nghiệm các món ăn, đồ uống đặc trưng của Hà Nội, nhất là những thức quà mùa thu, khám phá câu chuyện văn hóa của Hà Nội sau mỗi thức quà. Theo thống kê của Sở Du lịch Hà Nội, trong 3 ngày diễn ra, lễ hội đã thu hút hơn 2 vạn lượt người dân và du khách đến tham quan, trải nghiệm.

Cùng với đó, Sở Du lịch Hà Nội tiếp tục phát triển các sản phẩm du lịch mới, hấp dẫn tại các địa phương có thế mạnh, tiềm năng như: Sản phẩm du lịch thể thao (đua thuyền, dù lượn, bay khinh khí cầu) ở Long Biên, Tây Hồ, Sơn Tây, Sóc Sơn; sản phẩm du lịch cộng đồng kết hợp chăm sóc sức khỏe ở Ba Vì, Sóc Sơn; sản phẩm du lịch dọc sông Hồng, hồ Tây, hồ Đồng Mô, mà trước mắt hoàn thiện tuyến du lịch Chương Dương Độ - Bát Tràng - Ninh Sở - Đền Chử Đồng Tử.

Với chủ đề “Thu Hà Nội - Mùa thu lịch sử”, Festival Thu Hà Nội lần thứ 2 năm 2024 từ ngày 12 - 15/9, cũng sẽ góp phần quảng bá những nét đẹp, giá trị văn hóa, du lịch, khai thác sự độc đáo, hấp dẫn, tôn vinh các danh thắng, điểm đến di tích, di sản của Thủ đô, giới thiệu những giá trị độc đáo của làng nghề, di sản văn hóa của Hà Nội.

Theo Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Du lịch Hà Nội Nguyễn Thị Kiều Oanh, để phát huy lợi thế và tiềm năng du lịch của mùa thu Hà Nội, Hà Nội cần xây dựng và đa dạng hóa các sản phẩm du lịch đặc trưng dành riêng cho mùa thu. Các tour tham quan kết hợp trải nghiệm văn hóa, ẩm thực như tham quan phố cổ, thưởng thức ẩm thực Hà Nội, thăm quan những làng nghề truyền thống.

Đồng thời, các đơn vị du lịch cũng cần đẩy mạnh các chiến dịch quảng bá mùa thu Hà Nội; nâng cao chất lượng các dịch vụ du lịch, bao gồm khách sạn, nhà hàng, hướng dẫn viên, và các dịch vụ hỗ trợ khác. Chú trọng đào tạo nhân viên phục vụ với phong cách chuyên nghiệp, thân thiện, am hiểu văn hóa, lịch sử Hà Nội để mang đến trải nghiệm tốt nhất cho du khách. Cùng với đó, Hà Nội nên tập trung tổ chức thêm nhiều sự kiện văn hóa, nghệ thuật và ẩm thực mang đậm bản sắc Hà Nội mùa thu, như lễ hội hoa, lễ hội ẩm thực, các buổi biểu diễn nghệ thuật truyền thống, và các cuộc thi ảnh về mùa thu Hà Nội.

Phó Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Trần Trung Hiếu cho biết, hiện nay, Hà Nội đặc biệt quan tâm đến việc phát triển các sản phẩm mang dấu ấn đặc sắc, đặc trưng của Thủ đô. Trong đó, chú trọng phát triển các sản phẩm du lịch văn hóa dựa trên nguồn tài nguyên du lịch phong phú, đặc sắc, đặc trưng Hà Nội. Tập trung nguồn lực nâng cao chất lượng điểm đến, phát triển sản phẩm du lịch hấp dẫn, chuyên nghiệp.

Hà Nội đón gần 19 triệu lượt khách du lịch trong 8 tháng

Sở Du lịch Hà Nội vừa cho biết, trong tháng 8, du lịch Hà Nội đã đón được 2,49 triệu lượt khách; trong đó có 496,4 nghìn lượt khách quốc tế, tăng 34,5% so với cùng kỳ năm trước, khách du lịch nội địa đạt 2 triệu lượt, tăng 11,1% so với cùng kỳ năm trước.

Tính chung 8 tháng năm 2024, ngành Du lịch Thủ đô đã đón được gần 19 triệu lượt khách, tăng 12,3% so với cùng kỳ năm 2023. Dự báo, khách du lịch tiếp tục tăng cao dịp kỷ niệm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9, cũng như dịp lễ Noel và Tết 2025.

Giám đốc Sở Du lịch TP Hà Nội Đặng Hương Giang cho biết, Hà Nội không chỉ là địa bàn trung tâm để du khách trung chuyển đi du lịch các tỉnh, thành phố trong cả nước, mà nhờ công tác quảng bá, nâng cao chất lượng dịch vụ, đa dạng hóa các loại hình du lịch, lượng khách đến và lưu trú tại Thủ đô tăng cao.

Sở Du lịch Hà Nội đang đẩy mạnh phối hợp với các đơn vị tổ chức chuỗi sự kiện để thu hút du khách đến thành phố. Lễ hội Áo dài du lịch Hà Nội năm 2024 và Lễ hội Quà tặng 2024 là những sự kiện điểm nhấn trong năm. Ngoài ra, còn có chuỗi các sự kiện du lịch thể thao Hà Nội năm 2024; chuỗi hoạt động chuyên đề phát triển sản phẩm du lịch văn hóa, lịch sử Hà Nội.

Về chiến lược lâu dài, thành phố đẩy mạnh ứng dụng nền tảng số trong hoạt động du lịch, số hóa hệ thống thông tin về khu, điểm, cơ sở dịch vụ, thị trường du lịch Hà Nội, cũng như quảng bá, kết nối thu hút đầu tư du lịch.

T.H

Phạm Sỹ

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/khoi-sac-du-lich-mua-thu-ha-noi-10289120.html