Khởi sắc làng ven đô
Tranh thủ ngày nghỉ, tôi và anh bạn ghé thăm làng Jut, xã Ia Dêr, huyện Ia Grai. Làng Jut giáp ranh với phường Yên Đỗ (TP. Pleiku) vậy mà cũng đã lâu rồi tôi chưa có dịp trở lại nơi này.
Còn nhớ hồi năm 1985, lần đầu tiên tôi về làng, thăm gia đình anh Rơ Mah Biếu-khi đó là đồng nghiệp dạy cùng trường, nay đã mất. Anh lấy vợ ở làng này. Người Jrai theo chế độ mẫu hệ, anh theo vợ về làm nhà và sinh sống ở đây.
Ngày ấy, dân cư còn thưa thớt, cả làng chỉ tầm hơn 50 hộ. Đất rộng mênh mông. Nhà cửa xây dựng theo kiểu nhà sàn truyền thống, trên ở, dưới để củi và dụng cụ lao động; được bố trí theo quy hoạch chung của làng.
Mỗi hộ có khoảng 1.000 m2 đất, đủ để làm nhà ở, nhà vệ sinh, sân phơi, chỗ nuôi gia súc, gia cầm, nơi trồng rau xanh và một ít trồng cây ăn quả. Nhà nào cũng có cổng, làm hàng rào bao quanh bằng cây xanh, cắt tỉa gọn gàng. Những con đường nội làng lúc bấy giờ tuy đường đất nhưng rộng và chạy thẳng tắp từ đầu làng đến cuối làng như ô bàn cờ, ngăn nắp sạch đẹp.
Làng Jut ngày ấy vẫn giữ nguyên nét truyền thống của người Jrai, duy trì nghề đan lát, dệt thổ cẩm, tạc tượng, chế tác đàn goong, đàn trưng và duy trì các đội cồng chiêng. Người dân ở đây thật thà, chất phác, sinh sống chủ yếu bằng nghề chăn nuôi và trồng trọt. Một số ít sống bằng nghề trồng rau xanh và đánh bắt cá.
Hình ảnh các bà, các chị mang trên lưng chiếc gùi với ít mớ rau, mớ cá sông suối, vài xâu măng le rừng đi dọc phố tìm người mua hoặc sáng sớm ngồi bán những thứ của nhà làm ra như ít bơ, ít xoài, vài con gà, năm ba chục trứng... ở góc chợ Bà Định (phường Yên Đỗ) ngày nào, nay đã trở thành quen thuộc với người dân phố núi Pleiku. Trong số đó, phần lớn là những người con của làng Jut.
Làng Jut hôm nay đã thay đổi nhiều, diện mạo ngày càng khang trang, khởi sắc. Tất cả các con đường trong làng đều thảm nhựa hoặc đổ bê tông. Vườn tược được chia nhỏ hoặc phân lô.
Nhiều người Kinh về làng mua đất định cư tạo nên khu dân cư đông đúc. Nhà cửa xây mới theo lối hiện đại, san sát nhau. Hàng quán mọc ngày một nhiều ở hai bên trục đường chính vào làng với đầy đủ dịch vụ như: tạp hóa, quán ăn, cà phê, nước giải khát, tiệm thuốc Tây, tiệm hớt tóc, làm đẹp.
Ở khu dân cư mới hình thành có thêm nhà hàng, nhà nghỉ, văn phòng bất động sản, gara ô tô... không khác gì phố thị. Người dân nay đã biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất.
Theo lời kể của chị Ra Mah Banh-giáo viên tiểu học tại làng: So với trước đây, cuộc sống của dân làng đã thay đổi nhiều, phần lớn đủ đầy, nhà nào cũng có xe máy, ti vi. Có người còn sắm máy cày, máy kéo, máy bơm nước phục vụ lao động sản xuất, không phải thuê mướn; người giàu hơn mua cả xe ô tô.
Điều đáng mừng là trẻ em trong làng đều đi học chuyên cần, không bỏ học giữa chừng. Học xong trở về làm việc ở làng, ở xã, có người đi làm công nhân, làm cho doanh nghiệp.
Còn chị Rơ Châm H'Ban thì vui mừng chia sẻ: Vợ chồng chị đều làm tại Nhà máy Thủy điện Ia Ly. Nhờ tiết kiệm nên vừa dựng được ngôi nhà mới khang trang.
Tham quan ngôi nhà có nhiều phòng với đầy đủ tiện nghi, từ hệ thống an ninh, điều hòa đến các thiết bị nghe nhìn tạo ra một không gian sống không thua kém bất cứ ngôi nhà nào ở phố thị Pleiku của gia đình chị Rơ Châm H'Ban, tôi nhận thấy đời sống của người dân làng Jut đã khác xưa về nhiều mặt.
Nhiều gia đình trước đây thuần nông nay vừa làm nông nghiệp vừa làm kinh doanh hoặc chuyển hẳn sang kinh doanh. Trong một gia đình có người là giáo viên, người làm công nhân, có người làm doanh nghiệp...
Từ những vị trí và việc làm khác nhau đó, mỗi người đem về làng những tư tưởng và lối sống mới góp phần làm cho bộ mặt của làng nhanh chóng thay đổi. Và, chính sự “thay da đổi thịt” của làng Jut nói riêng, các làng ven đô TP. Pleiku nói chung là điều thật đáng mừng.
Nguồn Gia Lai: https://baogialai.com.vn/khoi-sac-lang-ven-do-post261754.html