Khởi sắc một vùng quê
Về thị trấn Nông trường Mộc Châu, huyện Mộc Châu lần này, chúng tôi được gặp cựu chiến binh Nguyễn Xuân Bình, tiểu khu 40, là một trong những người thuộc Trung đoàn 280 lên xây dựng Mộc Châu cách đây 66 năm. Dù đã ở tuổi 'xưa nay hiếm', nhưng ông Bình vẫn nhớ những ngày đầu tiên đặt chân đến Nông trường, nhất là lần được gặp Bác Hồ.
Ông Nguyễn Xuân Bình tự hào: Ngày 8/5/1959, Bác Hồ cùng Đoàn cán bộ của Trung ương lên thăm Tây Bắc đã đến thăm các đội sản xuất, nói chuyện và dặn dò cán bộ, chiến sĩ Nông trường. Ai cũng vui mừng, phấn khởi được gặp Bác. Tại đây, Bác đã ghi vào sổ truyền thống của Nông trường 16 chữ vàng “Luôn luôn cố gắng/khắc phục khó khăn/tiến lên thật hăng/làm tròn nhiệm vụ”.
Ngược dòng thời gian, năm 1955, sau khi hoàn thành nghĩa vụ quốc tế trên chiến trường Lào, được lệnh của Quân ủy Trung ương, cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 280, thuộc Sư đoàn 335 lên Mộc Châu thực hiện nhiệm vụ bảo vệ biên giới, xây dựng quân đội chính quy và hiện đại, củng cố trật tự xã hội trên khu vực cửa ngõ Khu tự trị. 2 năm sau, Trung đoàn 280 cử 2 đại đội chuyển ra sản xuất tại thảo nguyên Mộc Châu. Đến năm 1958, Trung đoàn 280 nhận lệnh chuyển quân ra sản xuất, cử các tiểu đoàn hành quân theo 4 hướng đến các địa bàn trên Nông trường cùng nhân dân khai hoang sản xuất, mở đường, dựng nhà, ổn định đời sống. Ngày 8/4/1958, được chọn là ngày thành lập Nông trường.
Những lời Bác dạy, các cán bộ, chiến sỹ và nhân dân nơi đây đã vượt qua khó khăn, xây dựng Nông trường phát triển. Từ các bãi đất hoang đã thành vùng trồng lúa, ngô, lạc, khoai lang, sắn, sả, vừng. Cuối năm 1958, các chiến sĩ đã đưa giống chè từ Hà Giang về trồng hơn 13 ha. Cũng thời điểm này, Nông trường đã mua 10 con bò sữa đầu tiên về chăn nuôi. Từ nông trường quân đội thành nông trường quốc doanh Mộc Châu; thời gian sau chuyển đổi và chia tách thành nhiều doanh nghiệp, với các ngành nghề khác nhau. Hiện nay, thị trấn Nông trường Mộc Châu có diện tích tự nhiên hơn 10.800 ha, gồm 32 tiểu khu, với trên 8.400 hộ dân, cơ sở hạ tầng được đầu tư xây dựng khang trang, hệ thống thương mại - dịch vụ phát triển.
Theo bà Nguyễn Thị Thảo, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy Thị trấn, cho biết: Khu vực trung tâm thị trấn hiện có 1.530 hộ đang phát triển mạnh các loại hình kinh doanh, thương mại, dịch vụ, đáp ứng nhu cầu trao đổi, mua bán hàng hóa của người dân. Khu vực từ trung tâm thị trấn về xã Phiêng Luông và xã Tân Lập, phát triển trang trại bò sữa, trồng chè, cây ăn quả. Thị trấn hiện có 25.000 con bò sữa (thuộc Công ty cổ phần Giống bò sữa Mộc Châu); chăm sóc 1.078 ha chè, hơn 1.200 ha cây ăn quả các loại, 281 ha rau màu. Bây giờ, thị trấn Nông trường Mộc Châu trở thành vùng đất trọng điểm của cao nguyên, với các sản phẩm nông sản có tiếng, như: Mận hậu, bơ, hồng giòn, cam, chè, sữa... thu nhập bình quân 38 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo còn 0,17%.
Cùng với phát triển sản xuất, thị trấn đã phát triển mạnh lĩnh vực du lịch, với nhiều điểm đến hấp dẫn, như: Đồi chè trái tim, làng chè, thung lũng mận Nà Ka, Ngũ động bản Ôn, trang trại bò sữa Dairy Farm... Cùng các khách sạn Mường Thanh, Resort Thảo Nguyên, 12 mô hình Homestay và hơn 100 nhà nghỉ tư nhân. Hàng năm, huyện tổ chức Lễ hội Trà Cao nguyên Mộc Châu, Ngày hội hái quả, thi Hoa hậu Bò sữa... thu hút du khách đến tham quan, trải nghiệm, góp phần giới thiệu, quảng bá văn hóa của địa phương.
Tiểu khu Pa Khen hiện có trên 500 hộ dân, trong đó hơn 70% là đồng bào dân tộc Mông. Ông Hàng A Súa, Tiểu khu trưởng, cho biết: Mận hậu là cây trồng chủ lực của tiểu khu, với 278 ha, mỗi năm sản lượng đạt hơn 5.000 tấn quả. Riêng khu vực thung lũng mận Nà Ka có 80 ha, vừa cho thu hoạch quả, vừa thu hút khách tham quan vào mùa hoa mận và trải nghiệm dịch vụ hái quả vào mùa mận chín. Nhiều gia đình thu nhập trên 500 triệu đồng/năm.
Thị trấn Nông trường Mộc Châu giờ đây đã “thay da, đổi thịt”, vươn mình khởi sắc. Phát huy những kết quả đã đạt được, nhân dân thị trấn Nông trường tiếp tục đoàn kết, chung sức, đồng lòng xây dựng quê hương ngày càng giàu, đẹp, cuộc sống ấm no, hạnh phúc.
Nguồn Sơn La: http://www.baosonla.org.vn/vi/bai-viet/khoi-sac-mot-vung-que-47752