Khởi sắc nông thôn bản làng Phú Thọ
Tỉnh Phú Thọ xác định bản làng là nơi đầu tiên thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM), từ đó góp phần tạo thành quả chung cho cả cộng đồng. Nhờ những hỗ trợ từ các chính sách dân tộc của Đảng, Nhà nước, nhiều thôn, bản, xã vùng cao của tỉnh Phú Thọ đã từng bước thay da đổi thịt, hạ tầng nông thôn miền núi và trung du có nhiều khởi sắc, đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào các xã vùng cao trong tỉnh được cải thiện.
Ông Nguyễn Minh Tuấn, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chánh Văn phòng Điều phối Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) xây dựng NTM tỉnh Phú Thọ cho biết, sau 3 năm thực hiện Chương trình MTQG xây dựng NTM giai đoạn 2021-2025. Phú Thọ cũng đã có 4 đơn vị cấp huyện (huyện Lâm Thao, Thanh Thủy; thị xã Phú Thọ, thành phố Việt Trì) đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM, bình quân tiêu chí toàn tỉnh đạt 15,7 tiêu chí/xã, không còn xã đạt dưới 8 tiêu chí.
Vùng cao từng ngày 'thay áo mới'
Khu Sinh Tàn, xã Thượng Cửu là một trong những khu cao và xa nhất của huyện miền núi Thanh Sơn. Ông Đinh Văn Dũng, Chủ tịch UBND xã Thượng Cửu cho biết, Sinh Tàn có 100% số hộ là đồng bào dân tộc Dao sinh sống. Nơi đây trước kia được gọi là “ốc đảo”, cuộc sống của nhân dân gặp nhiều khó khăn.
Nhưng giờ Sinh Tàn đã thực sự thay da đổi thịt, khoác trên mình một chiếc "áo mới' đẹp hơn đầy sức sống. Trên địa bàn khu đã xuất hiện nhiều điển hình làm kinh tế giỏi với mức thu nhập ổn định hơn 100 triệu đồng/năm… Số hộ nghèo giảm đáng kể, số hộ có nhà xây kiên cố tăng cao. Sinh Tàn hiện có 73 hộ, chỉ còn 13 hộ nghèo; 20% số hộ có nhà xây kiên cố.
Theo ông Trần Khắc Thăng, Phó Chủ tịch UBND huyện Tân Sơn, việc triển khai Chương trình phát triển kinh tế, xã hội ở những xã vùng sâu, vùng xa đã mang lại nhiều kết quả tích cực. Diện mạo nông thôn miền núi của huyện đã từng bước thay đổi, nhiều xã đã đạt tiêu chí xây dựng NTM.
Đời sống vật chất, tinh thần của người dân đã được nâng lên rõ rệt. Hạ tầng giao thông đã phát triển rộng khắp, đường vào khu sản xuất phần lớn đã được đầu tư, mở ra cơ hội phát triển cho người dân trong huyện. Nhiều mô hình hỗ trợ, đầu tư phát triển sản xuất hiệu quả được triển khai và nhân rộng, góp phần nâng cao thu nhập cho các hộ dân.
Trên thực tế, những năm gần đây, cơ cấu kinh tế khu vục miền núi, vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở Phú Thọ đã có những chuyển biến rõ nét nhờ chương trình phát triển kinh tế-xã hội các xã vùng đặc biệt khó khăn, chương trình sản xuất hàng hóa, xây dựng các mô hình, các chuỗi liên kết nâng cao giá trị sản phẩm.
Hạ tầng kinh tế, xã hội khu vực miền núi, vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số tiếp tục được đầu tư nâng cấp, trong đó cơ bản là điện, đường, trường, trạm và hạ tầng phục vụ đời sống, sản xuất.
Từ chỗ thiếu thốn trăm bề, sau 1/4 thế kỷ tái lập tỉnh Phú Thọ, đến nay 100% số xã đã có đường ôtô đến trung tâm, có hạ tầng viễn thông, công nghệ thông tin, 100% thôn bản có điện lưới với trên 99% số hộ được sử dụng điện lưới quốc gia, tỷ lệ dân cư nông thôn được sử dụng nước sạch, nước hợp vệ sinh đạt 98%... Đời sống của đồng bào vùng cao đang từng ngày khởi sắc.
HTX chuyển mình từ xây dựng nông thôn mới
Thời gian qua, huyện Tân Sơn đã tạo điều kiện cho các HTX được tham gia vào các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, ưu tiên giao quỹ đất công ích cho HTX quản lý, tổ chức sản xuất trên cơ sở tự chủ, tự chịu trách nhiệm.
Nhờ sự quan tâm chỉ đạo thường xuyên, sâu sát của huyện, không ít HTX đã phát huy được tính tự chủ và nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh như: HTX dịch vụ nông lâm nghiệp Cường Thịnh, HTX sản xuất chè an toàn Long Cốc, HTX dịch vụ Minh Đài…
Bà Phạm Thị Hạnh- Giám đốc HTX sản xuất chè an toàn Long Cốc, xã Long Cốc cho biết, sau thời gian hoạt động, HTX đã phát triển mở rộng quy mô trồng chè chất lượng cao với các giống: Bát Tiên, Kim Tuyên, Shan tuyết, TR 05… theo tiêu chuẩn VietGAP, đồng thời bắt tay vào xây dựng nhãn hiệu sản phẩm. Bằng sự nhạy bén, năng động nắm bắt nhu cầu, thị hiếu khách hàng, HTX đã đưa ra thị trường các sản phẩm chè xanh chất lượng tốt, đa dạng về chủng loại, mẫu mã đẹp, trên bao bì đều có mã vạch truy xuất nguồn gốc nên được khách hàng tin tưởng và có tính cạnh tranh cao.
Ông Nguyễn Xuân Toản, Chủ tịch UBND huyện Tân Sơn khẳng định: Là huyện vùng cao của tỉnh Phú Thọ, nơi có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, hoạt động của các HTX đã mang lại những kết quả bước đầu. Thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục củng cố giữ vững, nâng cao chất lượng các HTX, tổ hợp tác hiện có. Đồng thời, tích cực tuyên truyền vận động, tạo điều kiện thành lập và phát triển các HTX, tổ hợp tác mới trong các lĩnh vực, ngành nghề có lợi thế trên địa bàn như: Chế biến nông lâm sản, chăn nuôi với nhiều hình thức đa dạng. Phấn đấu đến năm 2025 có từ 70- 80% HTX hoạt động có hiệu quả, giải quyết và tạo việc làm ổn định cho người lao động, góp phần tích cực vào phong trào xây dựng NTM ở địa phương.
Chậm nhưng chắc trong xây dựng NTM
Những năm gần đây, cơ cấu kinh tế khu vục miền núi, vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số tại các bản làng ở Phú Thọ đã có những chuyển biến rõ nét nhờ chương trình phát triển kinh tế - xã hội các xã vùng đặc biệt khó khăn, chương trình sản xuất hàng hóa, xây dựng các mô hình, các chuỗi liên kết nâng cao giá trị sản phẩm.
Hạ tầng kinh tế, xã hội khu vực miền núi, vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số tiếp tục được đầu tư nâng cấp, trong đó cơ bản là điện, đường, trường, trạm và hạ tầng phục vụ đời sống, sản xuất.
Tỉnh Phú Thọ phấn đấu đến hết năm 2025 sẽ có trên 30 bản làng đạt chuẩn NTM, trong đó có 50% bản đạt NTM kiểu mẫu. Đến năm 2030, tăng lên lần lượt là 50 bản NTM, và 30 bản đạt NTM kiểu mẫu.
Để hiện thực hóa mục tiêu này, tỉnh Phú Thọ đã ban hành bộ tiêu chí hướng dẫn và chỉ đạo các ngành chuyên môn triển khai nhiều giải pháp, nhiệm vụ trong thời gian tới.
Ông Nguyễn Minh Tuấn, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chánh Văn phòng Điều phối Chương trình MTQG xây dựng NTM tỉnh Phú Thọ cho hay, Sở phối hợp với các huyện thường xuyên xuống địa bàn các xã có kế hoạch đưa các bản vào xây dựng bản NTM. Từ đó sẽ tập trung giúp bà con tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc để quá trình triển khai thực hiện đưa các bản về đích sớm nhất.
Hiện, tỉnh Phú Thọ hiện có 139/196 xã đạt chuẩn NTM, không còn xã đạt dưới 15 tiêu chí, bình quân tiêu chí đạt 17,8 tiêu chí/xã. Triển khai thực hiện Chương trình giai đoạn 2021-2025, tỉnh Phú Thọ đã xác định mục tiêu đến năm 2025, toàn tỉnh có 7/13 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn hoặc hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM (tăng 3 đơn vị cấp huyện so với năm 2020, chiếm 53,8% số huyện); có 139/196 xã đạt chuẩn NTM (tăng 44 xã so với năm 2020, chiếm 70,9% tổng số xã, trong đó có 26 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu); không còn xã đạt dưới 15 tiêu chí; bình quân tiêu chí đạt 17,8 tiêu chí/xã.
Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//mo-hinh/khoi-sac-nong-thon-ban-lang-phu-tho-1095500.html