Khởi sắc trên vùng đất mới

Những năm 80 của thế kỷ XX, nhằm phân bố lại lực lượng lao động để phát triển sản xuất, Đảng và Chính phủ thực hiện chủ trương đưa dân vào các vùng Đông Nam Bộ, Tây Nam Bộ và Tây Nguyên để phát triển kinh tế (thường gọi là đi kinh tế mới). Tại Bình Phước, hơn 40 năm đã trôi qua, những người đi xây dựng kinh tế mới hiện không chỉ vượt qua khó khăn vươn lên làm giàu mà còn góp phần cùng địa phương xây dựng nông thôn mới (NTM).

Là một trong những người tiên phong vào vùng đất Long Hà, huyện Phú Riềng theo chủ trương đi xây dựng kinh tế mới của Đảng, ông Nguyễn Văn Trung quê ở tỉnh Hà Tây (nay là Hà Nội) không quên được nỗi khó khăn, vất vả của những ngày mới vào lập nghiệp. Thiếu đói, bệnh tật luôn rình rập, nhiều lúc khiến ông muốn buông xuôi để trở về quê cũ, nhưng với quyết tâm chiến thắng hoàn cảnh, đến nay ông không chỉ là hộ giàu từ trồng điều, cao su mà còn mở cơ sở gia công chế biến hạt điều giúp tăng thu nhập và tạo việc làm cho gần 50 lao động địa phương. Ông Trung cho biết: Lúc mới vào khó khăn vô kể, chúng tôi động viên nhau cố gắng vượt khó, bám trụ lại để xây dựng đời sống mới theo chủ trương của Đảng và Nhà nước. Nhờ vậy, đến nay đời sống các gia đình đã thay đổi rất nhiều. Khi kinh tế có rồi, mình cùng địa phương chung tay xây dựng NTM. Mình phải làm gương cho con cháu noi theo.

Cơ sở chế biến hạt điều của ông Nguyễn Văn Trung, xã Long Hà, huyện Phú Riềng tạo việc làm thường xuyên cho hơn 50 lao động

Cơ sở chế biến hạt điều của ông Nguyễn Văn Trung, xã Long Hà, huyện Phú Riềng tạo việc làm thường xuyên cho hơn 50 lao động

Vườn cao su, sầu riêng với tổng diện tích hơn 20 ha đã cho thu hoạch là một trong những thành quả tích lũy suốt hơn 40 năm quyết tâm làm giàu của gia đình ông Lê Thì Nhiên ở thôn 7, xã Đức Liễu, huyện Bù Đăng. Nhiều năm tích góp, đến nay ông Nhiên đã giải quyết được hầu hết các vấn đề kinh tế của gia đình, các con ông có công việc ổn định và đều có nhà, đất sản xuất. Điều mà theo nhiều người nếu không quyết tâm bám trụ làm kinh tế thì không thể có được. Ông Nhiên chia sẻ: Lúc mới vào vùng đất này, cuộc sống khó khăn lắm, muỗi, vắt rồi sốt rét, nhất là lương thực, thuốc men thiếu thốn, vì vậy nhiều người không trụ được đã bỏ về. Tuy nhiên, được sự động viên, hỗ trợ của chính quyền địa phương và người cùng chí hướng nên tôi ở lại, quyết tâm làm kinh tế, chiến thắng đói nghèo. Nhờ vậy, đến nay cuộc sống gia đình đã thay đổi, kinh tế ổn định.

Ông Lê Thì Nhiên giới thiệu vườn sầu riêng - thành quả sau nhiều năm gia đình đi xây dựng kinh tế mới ở Bình Phước

Ông Lê Thì Nhiên giới thiệu vườn sầu riêng - thành quả sau nhiều năm gia đình đi xây dựng kinh tế mới ở Bình Phước

Từ những người tiên phong khai phá làm kinh tế, nhiều vùng đất hoang sơ nay trở nên trù phú, kinh tế ngày càng phát triển, đồng thời, họ cũng là lực lượng nòng cốt có những đóng góp thiết thực trong các phong trào xây dựng NTM ở địa phương. Ông Hoàng Trọng Bình, Phó Chủ tịch UBND xã Đức Liễu cho biết: Xã Đức Liễu có 3 đợt người dân về đây làm kinh tế mới, chủ yếu từ các tỉnh Thanh Hóa, Hà Tây (cũ), Quảng Ngãi. Các hộ dân đi xây dựng kinh tế mới đã cùng nhau khắc phục khó khăn, vươn lên trong cuộc sống. Đến nay, hầu hết đời sống kinh tế đều khá giả, có hộ thu nhập hơn tỷ đồng/năm. Khi cuộc sống ổn định, họ đã cùng địa phương xây dựng NTM như: làm đường, xây nhà văn hóa và nhiều chương trình khác góp phần thay đổi diện mạo nông thôn.

Tuyến đường nông thôn được người đi xây dựng kinh tế mới đóng góp xây dựng

Tuyến đường nông thôn được người đi xây dựng kinh tế mới đóng góp xây dựng

Sau hơn 40 năm, những người đi kinh tế mới, hầu hết không chỉ thành công với cuộc sống no đủ của gia đình mà còn chung tay góp sức cùng chính quyền địa phương làm thay đổi diện mạo vùng đất này.

Trung Quang

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/9/159817/khoi-sac-tren-vung-dat-moi