Khởi sắc trong công tác chăm sóc sức khỏe sinh sản tại Ba Nang

Cùng với sự đồng hành của y tế địa phương, phụ nữ vùng đồng bào dân tộc thiểu số tại xã Ba Nang, huyện Đakrông được quan tâm hơn và ngày càng nâng cao kiến thức chăm sóc sức khỏe bản thân và con cái của mình. Là một xã miền núi đặc biệt khó khăn thuộc huyện Đakrông, xã Ba Nang đang từng ngày có nhiều chuyển biến rõ rệt trong chăm sóc sức khỏe Nhân dân và sức khỏe sinh sản, sức khỏe bà mẹ trẻ em.

Trạm Y tế xã Ba Nang - Ảnh: L.T.Q

Trạm Y tế xã Ba Nang - Ảnh: L.T.Q

Trong chuyến giám sát hỗ trợ chương trình sức khỏe sinh sản tại Trạm y tế xã Ba Nang trực thuộc Trung tâm y tế (TTYT) huyện Đakrông, đoàn giám sát của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh rất phấn khởi trước diện mạo mới của trụ sở trạm y tế vừa mới xây dựng, cũng như những thành tựu khởi sắc trong quản lý, triển khai hoạt động chương trình tại nơi đây.

Bác sĩ Hoàng Công Nguyên - Trạm trưởng Trạm Y tế xã Ba Nang chia sẻ: “Chương trình chăm sóc sức khỏe sinh sản là một nhiệm vụ chuyên môn đặc biệt quan trọng mà trạm luôn tích cực triển khai hoạt động, nhằm mục đích cuối cùng là chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em trên địa bàn xã.

Để nâng cao hiệu quả chương trình, trạm y tế đã nỗ lực trong việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động thay đổi hành vi về chăm sóc sức khỏe sinh sản nói chung và làm mẹ an toàn nói riêng đến nhân dân địa phương, nhất là phụ nữ độ tuổi sinh đẻ, phụ nữ mang thai”.

Xã Ba Nang là xã miền núi, dân số chủ yếu là người đồng bào dân tộc thiểu số, địa hình khó khăn, gồm 5 thôn, thôn xa nhất cách trạm y tế 15 km, cách TTYT huyện gần 40 km. Đây cũng là một thách thức không nhỏ đối với việc tăng cường tiếp cận y tế đối với Nhân dân địa phương.

Nhân viên Trạm Y tế xã Ba Nang chăm sóc sức khỏe cho người dân địa phương - Ảnh: L.T.Q

Nhân viên Trạm Y tế xã Ba Nang chăm sóc sức khỏe cho người dân địa phương - Ảnh: L.T.Q

Là một hộ sinh làm việc tại Trạm y tế xã Ba Nang, 17 năm qua chị Đoàn Thị Son rất tâm huyết trong việc vận động phụ nữ đến chăm sóc thai nghén và sinh đẻ tại cơ sở y tế. Với chị, việc nắm rõ các phong tục tập quán của đồng bào dân tộc thiểu số địa phương là một yếu tố then chốt để khắc phục những khó khăn trong quản lý và chăm sóc thai nghén.

Từ những năm 2007 trở về trước, hầu hết bà mẹ mang thai tại xã Ba Nang đều sinh đẻ tại nhà, và rất hiếm khi đăng ký quản lý thai nghén tại trạm. Trạm y tế xã Ba Nang nhận được sự chỉ đạo sâu sát, giám sát hỗ trợ nhiệt tình, chỉ đạo tuyến về chuyên môn và nhân lực của ngành y tế tuyến trên, đặc biệt là TTYT huyện Đakrông.

Bên cạnh đó là sự phối kết hợp của các cấp, ban ngành địa phương, cùng với nỗ lực của đội ngũ cán bộ y tế, nhân viên y tế thôn bản trên địa bàn xã, hoạt động chương trình sức khỏe sinh sản dần được cải thiện vượt bậc. Năm 2022 chỉ còn 6 ca đẻ tại nhà.

Đến năm 2023, 2024 không có trường hợp tự đẻ tại nhà. Riêng trong 7 tháng đầu năm 2024, toàn xã có 31 phụ nữ đẻ, trong đó 20 bà mẹ đẻ tại bệnh viện tuyến tỉnh, tuyến huyện, và 11 bà mẹ đẻ tại trạm y tế, không có trường hợp đẻ tại nhà. Kết quả hoạt động chương trình cũng thể hiện ở tỉ lệ phụ nữ mang thai được quản lý thai, khám thai 4 lần trong 3 thời kỳ đều đạt trên 95%.

Để đạt được những thành tựu trên, cán bộ y tế xã và nhân viên y tế thôn bản không ngừng tích cực tuyên truyền vận động bằng nhiều hình thức, thậm chí đến từng nhà để chăm sóc sau sinh, vận động phụ nữ mang thai đi khám thai định kỳ, tiêm phòng uốn ván đầy đủ, chế độ sinh hoạt, dinh dưỡng cho phụ nữ mang thai và cho con bú, lựa chọn nơi đẻ phù hợp, không đẻ tại nhà và không duy trì các hủ tục lạc hậu liên quan đến sức khỏe sinh sản, sức khỏe bà mẹ trẻ em.

Bác sĩ CK1 Lê Thị Mai Trâm, Phụ trách khoa Sức khỏe sinh sản, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho biết: “Từ năm 2022, Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi bắt đầu triển khai. Xã Ba Nang là một trong những xã thuộc phạm vi hoạt động của chương trình. Đó cũng là một thuận lợi để trạm y tế xã triển khai thêm nhiều hoạt động về làm mẹ an toàn, chăm sóc sức khỏe sinh sản trước, trong và sau sinh, chăm sóc sức khỏe trẻ em, dinh dưỡng 1.000 ngày đầu đời cho trẻ...”

“Bên cạnh những thành tựu đạt được, công tác chương trình sức khỏe sinh sản tại Ba Nang vẫn còn nhiều khó khăn. Để duy trì và phát huy hơn nữa, cán bộ y tế tại trạm y tế luôn nhủ lòng phải trau dồi kiến thức kỹ năng chuyên môn, giữ vững lòng yêu nghề và đồng cảm với nhân dân địa phương, linh hoạt chủ động trong công tác dưới sự chỉ đạo của tuyến trên để nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe nhân dân nói chung và chăm sóc sức khỏe sinh sản nói riêng ngày một khởi sắc”, bác sĩ Hoàng Công Nguyên khẳng định.

BS. Lê Thị Quyên

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/khoi-sac-trong-cong-tac-cham-soc-suc-khoe-sinh-san-tai-ba-nang-188097.htm