Khởi sắc từ khu vực DDI

Dù tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp những tháng đầu năm 2022, song công tác thu hút đầu tư và thực hiện các dự án có vốn đầu tư trong nước (DDI) trên địa bàn tỉnh nhận được những tín hiệu rất tích cực. Nhiều doanh nghiệp (DN) trong nước quan tâm trực tiếp đến tìm hiểu cơ hội đầu tư tại các dự án công nghiệp mới của tỉnh. Với những khởi đầu thuận lợi, Vĩnh Phúc quyết tâm tạo thêm các chuỗi cung ứng sản xuất công nghiệp bền vững, phấn đấu trở thành trung tâm công nghiệp phát triển của cả nước vào năm 2025.

Sau hơn 1 năm hoạt động, Công ty TNHH sản xuất thương mại Thành Tiến (CCN Đồng Sóc) sản xuất kinh doanh hiệu quả, tạo việc làm ổn định cho 100 lao động

Sau hơn 1 năm hoạt động, Công ty TNHH sản xuất thương mại Thành Tiến (CCN Đồng Sóc) sản xuất kinh doanh hiệu quả, tạo việc làm ổn định cho 100 lao động

Ngay những ngày đầu Xuân mới Nhâm Dần, Cụm công nghiệp (CCN) Đồng Sóc (Vĩnh Tường) đã đón thêm 1 dự án DDI với quy mô sử dụng đất 1 ha, có vốn đầu tư hơn 80 tỷ đồng. Đây là tín hiệu rất tích cực, bởi chỉ sau một thời gian ngắn tìm hiểu, đối tác đã lựa chọn CCN Đồng Sóc là điểm đến đầu tư.

Với vị trí nằm ở trung tâm huyện Vĩnh Tường, giao thông thuận lợi, CCN Đồng Sóc sau khi được Công ty TNHH Đầu tư thương mại Vĩnh Phúc (VPCo) đầu tư hạ tầng đồng bộ, hiện đại đã trở thành điểm đến hấp dẫn của nhiều DN trong và ngoài nước.

Đại diện VPCo cho biết: Các chính sách ưu đãi về thu hút đầu tư và nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư của tỉnh phát huy hiệu quả, số lượng cũng như chất lượng của các chuỗi cung ứng sản xuất công nghiệp không ngừng tăng lên.

Đặc biệt, với sự tham gia của các DN FDI với công nghệ hiện đại, tiềm lực tài chính mạnh, thương hiệu và uy tín toàn cầu đã tạo ra đòn bẩy làm tăng sức hấp dẫn của môi trường đầu tư Vĩnh Phúc với các DN trong nước, nhất là các lĩnh vực phụ trợ, sản xuất vật liệu xây dựng, cơ khí chính xác, điện, điện tử…

Hiện, CCN Đồng Sóc đang có 1 dự án FDI và 2 dự án DDI đang tiến hành xây dựng nhà xưởng. Sau khi hoàn thành sẽ tạo thêm việc làm cho hơn 2.000 lao động.

Tại CCN làng nghề Minh Phương (Yên Lạc), một vùng công nghiệp hoàn toàn mới và triển vọng, ngay từ đầu năm 2022, nhiều DN trong nước đã tới tìm hiểu cơ hội đầu tư phát triển.

Đại diện đơn vị chủ đầu tư hạ tầng CCN làng nghề Minh Phương cho biết: Dù dự án đang trong quá trình xây dựng hạ tầng, song những lợi thế về địa lý gần các KCN Khai Quang, KCN Bình Xuyên, giao thông ngày một phát triển, đồng bộ đã tạo ra sức hấp dẫn nhất định với các nhà đầu tư thứ cấp trong nước.

Với sự hỗ trợ đắc lực từ chính quyền địa phương, đơn vị đã được bàn giao đủ mặt bằng sạch, thời gian tới, đơn vị sẽ tăng tốc thi công, sẵn sàng chào đón các DN đủ điều kiện đến đầu tư.

Đến thời điểm hiện tại, đã có 84 dự án DDI còn hiệu lực đầu tư trong các KCN của tỉnh, với tổng vốn đầu tư 22.000 tỷ đồng. Riêng 2 tháng đầu năm 2022, tổng số vốn thực hiện của các dự án DDI là 65 tỷ đồng tăng 200% so với cùng kỳ năm 2021. Lũy kế tổng số vốn thực hiện của các dự án là hơn 10.500 tỷ đồng đạt 48% tổng vốn đăng ký.

Bên cạnh vai trò quan trọng của các DN FDI, các DN DDI phát triển sẽ đem lại sự đa dạng cho các ngành công nghiệp của tỉnh. Từ đó tạo ra lực đẩy giúp hình thành các chuỗi cung ứng sản xuất công nghiệp bền vững, nâng cao giá trị sản xuất và đem lại nhiều việc làm ổn định cho người lao động.

Thời gian tới, tỉnh tiếp tục chú trọng thu hút các nhà đầu tư trong nước có hàm lượng công nghệ cao, có khả năng kết nối với các DN FDI.

Ngoài ra, tỉnh sẽ tích cực hỗ trợ kết nối, liên kết, hợp tác giữa DN của tỉnh với các DN FDI, từng bước giúp các DN của tỉnh tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu.

Tập trung xây dựng quỹ đất sạch trong các KCN, CCN cho riêng lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, tích hợp phương án phát triển các CCN theo hướng hình thành CCN hỗ trợ vào Quy hoạch tỉnh, tạo thêm nhiều lựa chọn đầu tư hấp dẫn cho các DN trong nước đến đầu tư tại Vĩnh Phúc.

Bài, ảnh: Chu Kiều

Nguồn Vĩnh Phúc: http://baovinhphuc.com.vn/kinh-te/74563/khoi-sac-tu-khu-vuc-ddi.html