Khởi sắc vùng đồng bào Khmer Sóc Trăng
Từ khi đất nước hoàn toàn giải phóng, kinh tế - xã hội của tỉnh Sóc Trăng, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã không ngừng đổi mới, đời sống vật chất, tinh thần của người dân được nâng lên rõ rệt.
Trong 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, chùa Ô chumaram Prếk Chếk, xã Vĩnh Quới, thị xã Ngã Năm là nơi có nhiều đóng góp công lao để giúp phong trào cách mạng ở địa phương thành công. Ngôi chùa đã nuôi chứa nhiều nhà hoạt động cách mạng và đã nhiều lần bị địch cho máy bay ném bom, bắn phá chùa gây thiệt hại lớn. Ngôi chùa Ô chumaram Prếk Chếk nay trở thành minh chứng cho lịch sử hào hùng của quân và dân Sóc Trăng, ghi dấu ấn sâu sắc thời kỳ đấu tranh giải phóng dân tộc. Thời gian qua, tỉnh Sóc Trăng đã có nhiều chính sách đầu tư, trùng tu, góp phần bảo tồn, phát huy đối với giá trị lịch sử này. Ngôi chùa cũng được xếp hạng là di tích văn hóa cấp tỉnh vào năm 2008.
Đại đức Sơn Phước Lợi, trụ trì chùa Ô Chumaram Pkếk Chếk cho biết: “Chính quyền địa phương, cấp thị xã và cấp tỉnh quan tâm xây dựng lại ngôi chánh điện. tỉnh hỗ trợ hơn 1 tỷ đồng, trong đó, sư cũng vận động bà con trong bổn sóc và phật tử gần xa đóng góp vô thêm”.

Chùa Ô Chumaram Prếk Chếk được xếp hạng là di tích văn hóa cấp tỉnh
Về xã Vĩnh Quới vào những ngày này, chúng tôi ấn tượng về sự thay da đổi thịt của một vùng quê vốn nghèo khó trước đây. Đặc biệt đầu năm nay, Vĩnh Quới được công nhận xã đạt nông thôn mới nâng cao. Đây là minh chứng cho sự thay da đổi thịt của vùng quê từng chịu sự tàn phá nặng nề của chiến tranh để lại. Giờ đây, kết cấu hạ tầng nông thôn được đầu tư đồng bộ, hệ thống giao thông nông thôn được xây dựng hoàn chỉnh kết nối từ xã đến các ấp, từ xã đến trung tâm thị xã và các địa phương khác. Các tuyến đường còn được lắp đèn chiếu sáng trong hoa cây kiểng; trường học, trạm y tế, nhà văn hóa được nâng cấp khang trang. Qua đó, đưa đời sống vật chất, tinh thần của người dân không ngừng được nâng lên, thu nhập bình quân trên đầu người đạt 73 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ nghèo đa chiều giảm còn 2,39%.

Trường học vùng đồng bào Khmer được xây dựng khang trang
Ông Lâm Ở, người dân ở xã Vĩnh Quới chia sẻ, so với những năm đầu giải phóng, đời sống kinh tế - xã hội ở Vĩnh Quới giờ đây đã thay đổi, đó là nhờ nhiều chủ trương, chính sách, dự án của Đảng, Nhà nước được triển khai đầu tư. Đặc biệt, với hệ thống thủy lợi, trạm bơm khép kín giúp xã nông nghiệp như Vĩnh Quới sản xuất đạt hiệu quả kinh tế cao.
“Hiện nay, việc trồng lúa thuận lợi rất nhiều, bởi Vĩnh Quới này có đê bao khép kín, có trạm bơm, lúa có giá, tiêu thụ dễ, giống cũng chất lượng. Hiện nay, sản xuất chủ yếu bằng cơ giới nên người dân rất khỏe, thoải mái, không phải lao động nặng nhọc như xưa nữa”, ông Lâm Ở nói.

Tỉnh Sóc Trăng luôn quan tâm chăm lo đời sống vật chất, tinh thần đồng bào Khmer
Trong những năm qua, tỉnh Sóc Trăng luôn quan tâm chỉ đạo các ngành, các cấp triển khai kịp thời các chính sách dân tộc, tập trung thực hiện quyết liệt các chương trình, dự án thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc Khmer. Nhờ đó, tình hình kinh tế - xã hội vùng đồng bào tiếp tục có bước phát triển, đời sống vật chất, tinh thần được quan tâm, các lĩnh vực, như: y tế, giáo dục, văn hóa, xã hội có nhiều chuyển biến tích cực, tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tiếp tục được giữ vững, ổn định.
Châu Thành là huyện có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, với tỷ lệ dân tộc Khmer chiếm gần 48%, dân tộc Kinh chiếm 49% và dân tộc Hoa chiếm 3%. Với sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát của tỉnh, sự quyết tâm, nỗ lực của cả Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong huyện, các lĩnh vực kinh tế - xã hội của Châu Thành đến nay đã đạt được kết quả khá toàn diện, đời sống của bà con đã thay đổi không ngừng được nâng cao, chất lượng cuộc sống ngày càng tốt hơn.

Niềm vui của đồng bào Khmer khi được hỗ trợ sinh kế
Trong thời gian qua, Châu Thành luôn ưu tiên quan tâm đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, trường lớp, qua đó đã tạo điều kiện thuận lợi, đáp ứng tốt cho việc dạy và học của giáo viên và các em học sinh, giúp không ngừng nâng cao chất lượng học tập tại địa phương. Hiện nay, huyện có 37/37 trường đạt chuẩn quốc gia, trong đó có 6 trường được công nhận đạt chuẩn quốc gia mức độ 2.
Em Kim Huỳnh Ái Như, học sinh trường THCS Thuận Hòa, chia sẻ: “Được vào học ở đây, em thấy cơ sở vật chất của trường khang trang, phục vụ tốt cho chúng em học tập, thầy cô giáo cũng rất quan tâm, luôn khuyến khích chúng em cố gắng học tốt, giúp chúng em vượt qua khó khăn trong học tập”.
Là huyện có thế mạnh về nông nghiệp, để nâng cao thu nhập cho người dân, Châu Thành tập trung đẩy mạnh thực hiện đề án cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Nhiều mô hình sản xuất hiệu quả được xây dựng, như trồng dưa lưới thủy canh, trồng táo, trồng rau trong nhà lưới,… các mô hình chăn nuôi trang trại theo công nghệ khép kín, giúp tăng giá trị sản xuất bình quân trên 1 ha đất nông nghiệp lên 152 triệu đồng năm 2023; thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn đạt gần 61 triệu đồng.

Hạ tầng vùng đồng bào Khmer được xây dựng khang trang
Ông Nguyễn Văn Mỹ, Phó Chủ tịch UBND huyện Châu Thành cho biết, sau nhiều năm phấn đấu, cuối năm ngoái, Châu Thành được công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới, giờ đây, đời sống của người dân nói chung và đồng bào Khmer nói riêng không ngừng thay da đổi thịt, đặc biệt, tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo giảm chỉ còn 3%.
“Huyện đã tập trung huy động các nguồn lực, trước hết là từ các chương trình dự án, trong đócó các chương trình về nông thôn mới, chương trình về dân tộc thiểu số. Thông qua 2 chương trình này đã hỗ trợ như xây dựng hạ tầng nông thôn, hỗ trợ cho bà con thực hiện giống, vật tư, thực hiện các mô hình sản xuất, hỗ trợ cho bà con về các chính sách giảm nghèo, giúp cho bà con về bảo hiểm y tế, giáo dục. Chính sách đã phát huy hiệu quả đã góp phần rất lớn cho bà con phấn đấu vươn lên thoát nghèo, mặt khác, tinh thần của bà con với ý chí tự lực vươn lên chủ động phấn đấu thoát nghèo cũng là một trong những điểm sáng của huyện”, ông Nguyễn Văn Mỹ cho hay.
Với sự quyết tâm cao của địa phương và tinh thần vươn lên của người dân, diện mạo tỉnh Sóc Trăng, nhất là vùng đồng bào dân tộc Khmer đang từng bước chuyển mình, hòa chung vào công cuộc đổi mới của quê hương, đất nước hôm nay.
Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/khoi-sac-vung-dong-bao-khmer-soc-trang-post1189377.vov