Khởi sắc xây dựng nông thôn mới ở huyện biên giới An Phú
Huyện biên giới An Phú (tỉnh An Giang) luôn xem việc ưu tiên nâng cao thu nhập và đời sống của người dân theo đúng ý nghĩa thiết thực của chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới (NTM).
Nhiều phong trào thiết thực
Theo Ban Chỉ đạo Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM huyện An Phú, hiện công tác tuyên truyền, quán triệt về xây dựng NTM cho cả hệ thống chính trị huyện, xã và nhân dân được thông suốt và cùng tổ chức thực hiện. Nội dung, hình thức tuyên truyền phong phú, đa dạng với phương châm giúp người dân “Dễ hiểu, dễ thấy, dễ làm và sẵn sàng đóng góp trí tuệ, công sức, vật chất tham gia xây dựng NTM”.
Chỉ riêng trong 6 tháng đầu năm nay, đã vận động hàng trăm lượt người thực hiện trồng cây xanh tạo cảnh quan môi trường nông thôn luôn “Xanh- Sạch - Đẹp”. Nhiều người dân cũng đã tự nguyện hiến hơn 10.000 m2 đất làm đường giao thông nội đồng, xây cất nhiều nhà Tình nghĩa, Tình thương, Đại đoàn kết.
Ngoài ra, An Phú còn thực hiện nhiều mô hình mô hình như “Dân vận khéo”, phong trào “5 không, 3 sạch” gắn với việc vận động thực hiện tiêu chí vệ sinh môi trường của Hội Liên hiệp Phụ nữ các cấp. Tất cả nhằm hướng đến mục tiêu xây dựng huyện An Phú có chất lượng sống tốt, văn minh, hiện đại và nghĩa tình.
Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện An Phú Phùng Thế Vinh, hiện An Phú có 3/12 xã đạt chuẩn NTM. Trong giai đoạn 2021-2025, huyện An Phú phấn đấu có thêm 2 xã Quốc Thái, Phước Hưng đạt chuẩn NTM và chọn xã Khánh An xây dựng NTM theo các tiêu chí nâng cao.
An Phú luôn phát huy phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” cùng với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, cùng hưởng thụ và cùng đóng góp. Tập trung quyết liệt các tiêu chí không cần vốn, các nhóm tiêu chí nâng cao đời sống nhân dân, vừa tạo khí thế phấn khởi để nhân dân tích cực tham gia các phong trào của địa phương. Phát động các phong trào thi đua để toàn xã hội cùng chung tay, góp sức xây dựng NTM và NTM nâng cao.
“Bộ mặt nông thôn trên địa bàn toàn huyện có nhiều thay đổi tích cực vì hầu hết các tuyến đường đều được nhựa hóa hoặc bê tông hóa. Thậm chí, những con đường nhỏ thuộc khu vực nội đồng cũng được đầu tư, nên bà con nông dân tiết kiệm khá nhiều chi phí trong khâu vận chuyển vật tư nông nghiệp và nông sản theo đúng ý nghĩa sâu sắc của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới là nâng cao thu nhập và đời sống của người dân”- ông Vinh chia sẻ.
Quyết không để tồn đọng rác
Ông Kim Ngọc Dợt cho biết, trước đây, trên địa bàn xã Khánh An, cũng như tại nơi ông đang sinh sống thường xuyên xảy ra tình trạng rác bị tồn đọng lâu ngày. Nguyên nhân là do các xe đi thu gom là xe ba gác tự chế loại nhỏ. Vào thời điểm đó, những người dân có ý thức vệ sinh môi trường thường cho rác vào túi gọn gàng rồi đem đến điểm tập kết tạm tại khu vực chợ Khánh An để xe chuyên dụng của xí nghiệp đến thu gom. Tuy nhiên, trong thời gian gần đây khi xã Khánh An được công nhận là xã đạt chuẩn nông thôn mới thì tình trạng rác tồn đọng qua ngày không còn nữa.
Bà con ở ở đây ai nấy đều vui mừng khi nhìn thấy xe tải nhỏ len lỏi vào tận khu dân cư để thu gom rác. Anh em công nhân làm việc cũng nhiệt tình cộng thêm ý thức của người dân được nâng lên nên môi trường ở xã Khánh An này luôn đảm bảo sạch sẽ và xứng đáng là xã nông thôn mới của huyện.
Nói về vấn đề này, Phó Giám đốc Xí nghiệp Môi trường đô thị huyện An Phú Trần Văn Gành cho biết, đơn vị thực hiện nhiệm vụ chính trên địa bàn, với việc thu gom rác và bảo dưỡng, chăm sóc cây xanh dọc theo một số tuyến đường, công viên. Xí nghiệp đã ký hợp đồng cùng ngành chức năng huyện An Phú với tổng sản lượng thu gom rác mỗi ngày là 66 tấn. Tuy nhiên, sản lượng thu gom thực tế trong dân luôn dao động từ 68 đến 70 tấn/ngày.
“Ngoài ra, chúng tôi còn thực hiện nhiệm vụ chăm sóc cho khoảng 10.000 m2 diện tích cây xanh dọc theo các tuyến đường chính và tại một số công viên trên địa bàn huyện. Theo dự kiến đến cuối năm nay, chúng tôi mở rộng thêm địa bàn 2 ấp của xã Vĩnh Hội Đông với sản lượng khoảng 2 tấn rác/ngày. Đối với các xã đạt chuẩn nông thôn mới thì chúng tôi luôn đảm bảo sạch sẽ, thông thoáng với quyết tâm không để rác tồn đọng qua ngày”- ông Gành khẳng định.
Giúp dân phân loại rác
Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện An Phú Phùng Thế Vinh cho biết, hiện ngành chức năng cũng đã hướng dẫn và cung cấp cho người dân các loại thùng nhựa để thực hiện phân loại rác tại nguồn. Trong thời gian ngắn triển khai, đa phần người dân ở khu vực nông thôn và đô thị đều có ý thức hơn về công tác vệ sinh môi trường. Xí nghiệp Môi trường đô thị huyện cũng luôn chủ động và sẵn sàng hỗ trợ cho các địa phương về công tác thu gom rác, chỉnh trang đô thị để góp phần làm cho bộ mặt huyện nhà luôn “Xanh - Sạch - Đẹp - An toàn”.