Khơi sức trẻ từ Luật Thanh niên
Bài 2: Ðưa chính sách mới vào cuộc sốngLuật Thanh niên năm 2020 được biểu quyết thông qua tại kỳ họp thứ chín Quốc hội khóa XIV, chính thức có hiệu lực từ ngày 1-1-2021 với hàng loạt quy định mới, chính sách cụ thể.
Bài 2: Ðưa chính sách mới vào cuộc sống
Luật Thanh niên năm 2020 được biểu quyết thông qua tại kỳ họp thứ chín Quốc hội khóa XIV, chính thức có hiệu lực từ ngày 1-1-2021 với hàng loạt quy định mới, chính sách cụ thể.
Ðể Luật sớm đi vào cuộc sống, phát huy tối đa hiệu quả, cần những giải pháp đồng bộ theo hướng coi thanh niên là yếu tố quan trọng cho sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước.
Rà soát "lỗ hổng" chính sách
Xác định mục tiêu quan trọng nhất của dự án Luật sửa đổi Luật Thanh niên năm 2005 (Luật Thanh niên sửa đổi) là phát triển thanh niên, khẳng định sứ mệnh đi đầu trong công cuộc lao động sáng tạo, bảo vệ Tổ quốc theo khoản 2, Ðiều 37, Hiến pháp năm 2013 và các nghị quyết của Ðảng về công tác thanh niên
trong tình hình hiện nay, căn cứ từ thực trạng thực thi pháp luật về thanh niên và yêu cầu, bối cảnh chung sau thời gian dài triển khai Luật Thanh niên năm 2005..., T.Ư Ðoàn TNCS Hồ Chí Minh đã phối hợp các bộ, ngành tiến hành rà soát những chính sách về quyền, nghĩa vụ của thanh niên đã được quy định nhưng thực hiện chưa đầy đủ, thiếu hiệu quả do chưa có hướng dẫn cụ thể hoặc không còn phù hợp thực tiễn.
Qua rà soát cho thấy, trong lĩnh vực học tập và hoạt động khoa học, công nghệ, quy định về mức kinh phí hỗ trợ thanh niên nghiên cứu khoa học còn thấp, "đầu ra" cho các công trình, đề tài nghiên cứu khoa học của thanh niên còn ít, chưa được quan tâm đúng mức. Ðối với lĩnh vực lao động, việc làm, công tác hướng nghiệp, giới thiệu việc làm cho thanh niên còn nhiều bất cập. Chính sách thu hút thanh niên có trình độ làm việc tại địa phương chưa thật hấp dẫn, chủ yếu chỉ hỗ trợ, khuyến khích chung chung. Chính sách về thanh niên có tài năng theo đối tượng, ngành, lĩnh vực cũng chưa đầy đủ, thiếu thống nhất, chưa đồng bộ từ khâu phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng cho tới trọng dụng; đặt nặng về thu hút, đãi ngộ ban đầu, chưa rõ ràng về bố trí, sử dụng theo hướng tạo điều kiện phát triển, sáng tạo, cống hiến.
Chia sẻ với chúng tôi, Bí thư Quận đoàn Hoàn Kiếm (TP Hà Nội) Trần Kim Huyền cho biết: "Ban Thường vụ Ðoàn Thanh niên quận Hoàn Kiếm đã tích cực triển khai nhiều hoạt động kết nối doanh nghiệp với thanh niên có nhu cầu lập nghiệp, khởi nghiệp. Nhưng thực tế, nhiều doanh nghiệp chưa tìm hiểu kỹ thị trường, thành phần lao động mà chỉ chú trọng giảm bớt chi phí nhân công. Trong khi đó, thanh niên ở các thành phố lớn phần nhiều đều có trình độ, chuyên môn với yêu cầu về chế độ đãi ngộ nhất định. Vì vậy, hai bên hiếm khi tìm được tiếng nói chung dù đã có nhiều "cầu nối" từ phía đoàn, hội. Các bạn trẻ muốn tìm kiếm cơ hội cống hiến ở cơ quan nhà nước cũng không nằm ngoài thực trạng này, bởi chính sách thu hút thanh niên có trình độ làm việc cho địa phương còn quá nhiều điểm thiếu hợp lý, đơn cử là việc các cơ quan đặt ra yêu cầu cao hoặc rất cao nhưng mức lương lại không tương xứng".
Cũng theo kết quả rà soát, các chính sách tín dụng chiếu theo Luật Thanh niên năm 2005 tỏ ra thiếu gắn kết giữa cho vay vốn và hỗ trợ đầu vào tiếp cận thị trường. Các dự án cho vay giải quyết việc làm từ Quỹ quốc gia về việc làm hầu hết tập trung vào lĩnh vực nông nghiệp, mức cho vay thấp, lãi suất chưa linh hoạt, nguồn vốn hầu hết chỉ đáp ứng từ 30 - 35% nhu cầu. Chính sách lao động, việc làm chủ yếu chú trọng đào tạo chiều rộng chứ chưa chú ý tới chiều sâu, vì thế khó khuyến khích thanh niên nâng cao trình độ, tay nghề, đặc biệt là ở vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số. Phó Bí thư Ðoàn Thanh niên, Chủ tịch Hội Liên hiệp Thanh niên (LHTN) huyện Bát Xát (Lào Cai) Nguyễn Xuân Hùng bộc bạch: "Nghị định 61 của Chính phủ từ năm 2015 đã quy định rõ mức vay tối đa là một tỷ đồng/dự án và 50 triệu đồng/hộ từ nguồn Quỹ quốc gia về việc làm. Nhưng đến thời điểm hiện tại, huyện Bát Xát vẫn chưa có mô hình kinh tế thanh niên nào được vay tới một tỷ đồng. Với số tiền cho vay dao động chỉ từ 10 - 100 triệu đồng kèm nhiều điều kiện còn cứng nhắc, thiếu thực tế, thanh niên huyện vùng cao khó khăn như Bát Xát rất khó vươn lên làm giàu. Một số mô hình có vốn khởi nghiệp, đã đi vào hoạt động nhưng vì thiếu vốn vay tiếp tục phát triển, duy trì nên cuối cùng dần rơi vào bị động, manh mún, nhất là trong bối cảnh dịch Covid-19".
Sửa đổi dựa trên yêu cầu thực tiễn
Với nhiều yêu cầu cấp thiết đặt ra, dự án Luật Thanh niên sửa đổi được triển khai dựa trên quan điểm vừa là luật khung, vừa là luật cụ thể với mục tiêu chăm lo, bồi dưỡng và phát huy vai trò thanh niên.
Trong khi Luật Thanh niên năm 2005 chưa quy định về nguồn lực thực hiện chính sách nhà nước đối với thanh niên, thì Luật Thanh niên năm 2020 đã đề cập cụ thể tới ngân sách nhà nước, các khoản ủng hộ, viện trợ, tài trợ, đóng góp hợp pháp khác từ các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân trong nước và nước ngoài... Ðây là căn cứ pháp lý quan trọng để các cơ quan có thẩm quyền bố trí đủ nguồn nhân lực, kinh phí triển khai chính sách, pháp luật đối với thanh niên trong thời gian tới. Liên quan các chính sách của Nhà nước đối với thanh niên, Luật Thanh niên năm 2005 đã quy định gắn vào trách nhiệm của nhà trường, gia đình, chính quyền địa phương các cấp, Ðoàn TNCS Hồ Chí Minh cùng các tổ chức thanh niên, khiến nhiều chính sách, pháp luật đối với thanh niên triển khai chưa hiệu quả. Vì vậy, Luật năm 2020 tách các chính sách của Nhà nước đối với thanh niên thành một chương riêng, không chồng chéo với các luật chuyên ngành, bảo đảm tính khả thi cao, nhanh chóng đi vào cuộc sống.
"Các chính sách này được thiết kế theo hướng vừa là quy định khung vừa là quy định cụ thể, có tính định hướng trên các lĩnh vực gần với thanh niên. Trong đó, đặt ra nguyên tắc thực hiện chính sách, làm cơ sở bảo đảm cho các cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo ngành, lĩnh vực, địa phương triển khai hoặc lồng ghép thực hiện các chính sách cụ thể về thanh niên. Với một số đối tượng thanh niên đặc thù như thanh niên xung phong, tình nguyện, có tài năng, người dân tộc thiểu số, từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi..., Luật năm 2020 cũng đã có những quy định chi tiết nhằm mang lại cho họ cơ hội phát triển bình đẳng, tạo điều kiện phát huy nhiều hơn. Ðặc biệt, Luật mới đã quy định rõ tháng 3 hằng năm là Tháng Thanh niên - quãng thời gian phát huy mạnh mẽ tinh thần xung kích, tình nguyện, sáng tạo của thanh niên vì lợi ích của cộng đồng, xã hội và vận động tổ chức, cá nhân đầu tư, phát triển thanh niên", TS Trần Anh Tuấn, Thứ trưởng Nội vụ nhận định.
Luật năm 2020 dành một chương quy định về trách nhiệm của MTTQ Việt Nam, tổ chức xã hội, tổ chức kinh tế, nhà trường, gia đình đối với thanh niên, tạo điều kiện cho thanh niên thực hiện quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm trên mọi lĩnh vực; trở thành hành lang pháp lý để Ðoàn TNCS Hồ Chí Minh, Hội LHTN Việt Nam đồng hành trong bảo vệ lợi ích hợp pháp, chính đáng của thanh niên. Ðồng thời, Luật năm 2005 chưa có quy định cụ thể về cơ quan giúp Chính phủ và trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương trong quản lý nhà nước về thanh niên. Vì thế, Luật năm 2020 đã nêu rõ tám nhiệm vụ cụ thể đối với công tác quản lý nhà nước về thanh niên cho Chính phủ, cơ quan thuộc Chính phủ, bộ, cơ quan ngang bộ, chính quyền địa phương, tổ chức có liên quan; tám nhiệm vụ cụ thể của Bộ Nội vụ - cơ quan chịu trách nhiệm trước Chính phủ trong quản lý nhà nước về thanh niên.
Ðể Luật sớm đi vào cuộc sống
Luật Thanh niên năm 2020 đã sửa đổi, bổ sung toàn diện Luật Thanh niên năm 2005, thể hiện trách nhiệm cao của Quốc hội, Chính phủ, Bộ Nội vụ, T.Ư Ðoàn cũng như nhiều tập thể, cá nhân tâm huyết với thế hệ trẻ. Sự ra đời của Luật Thanh niên năm 2020 đã thể chế các quan điểm, đường lối của Ðảng, cụ thể hóa quy định của Hiến pháp về thanh niên, công tác thanh niên, nhấn mạnh vai trò, sứ mệnh của thanh niên trong công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc. Ðể Luật nhanh chóng đi vào cuộc sống, Bộ Nội vụ đã tổ chức Hội nghị triển khai Luật Thanh niên vào tháng 9-2020, giúp các cơ quan, tổ chức, địa phương nắm nội dung chính, những chính sách mới trong Luật. Tiếp thu các ý kiến tại hội nghị, Bộ Nội vụ đã nhanh chóng tham mưu để Thủ tướng Chính phủ ra Quyết định số 1712/QÐ-TTg, ban hành Kế hoạch triển khai thi hành Luật Thanh niên năm 2020 vào ngày 2-11-2020. Ngay trong tháng 3-2021, Chính phủ tiếp tục ban hành Nghị định số 13/2021/NÐ-CP "Quy định về đối thoại với thanh niên; cơ chế, chính sách và biện pháp thực hiện chính sách đối với thanh niên từ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi" và Nghị định số 17/2021/NÐ-CP "Quy định về chính sách đối với thanh niên xung phong, thanh niên tình nguyện".
Ðồng chí Nguyễn Anh Tuấn, Ủy viên T.Ư Ðảng, Bí thư thứ nhất T.Ư Ðoàn, Chủ tịch Hội LHTN Việt Nam, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc gia về thanh niên Việt Nam cho biết: T.Ư Ðoàn TNCS Hồ Chí Minh đang rà soát để tiếp tục đề xuất với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ hoặc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, đề án, dự án về thanh niên phù hợp với Luật Thanh niên năm 2020; xây dựng, tổ chức thực hiện Kế hoạch giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về thanh niên của Ðoàn hằng năm; phối hợp tổ chức các hoạt động phản biện xã hội đối với dự thảo các văn bản pháp luật, chính sách về thanh niên và liên quan tới thanh niên. Với việc triển khai đồng bộ các giải pháp này, Luật Thanh niên năm 2020 sẽ sớm đi vào cuộc sống.
Thanh niên luôn là hình tượng đại diện cho sự trẻ trung, tính tiên phong, là lứa tuổi ham tìm tòi, giỏi sáng tạo, ưa đối thoại. Ðể cụ thể hóa Luật Thanh niên năm 2020, cần đặt thanh niên vào trung tâm, coi đây là chủ thể của mọi chính sách, quy định, hoạt động liên quan. Sự tham gia mạnh mẽ, quyết liệt của các bộ, ban, ngành, đoàn thể ở cả trung ương và địa phương, sự quan tâm lãnh đạo của các cấp ủy đảng trong hoàn thiện thể chế, nâng cao hiệu quả thực hiện những quan điểm, chủ trương của Ðảng, chính sách của Nhà nước, là yếu tố tiên quyết giúp Luật sớm đi vào cuộc sống. Ðối với các cơ quan quản lý nhà nước, nhất là Bộ Nội vụ, cần tiếp tục triển khai kiện toàn, hoàn thiện bộ máy, bố trí đủ cán bộ, công chức chuyên trách về công tác thanh niên.
Các bộ, ngành, đoàn thể, địa phương và Ðoàn Thanh niên các cấp cần phối hợp tích cực, chặt chẽ, nhuần nhuyễn nhằm xây dựng cơ chế phối hợp liên ngành trong thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về thanh niên, tiến tới xây dựng quy chế phối hợp cụ thể giữa Bộ Nội vụ và Ðoàn TNCS Hồ Chí Minh trong thực hiện cơ chế, chính sách và pháp luật đối với thanh niên, tổ chức triển khai Luật Thanh niên. Ðồng thời, kiện toàn Ủy ban Quốc gia về thanh niên Việt Nam đúng tính chất là tổ chức phối hợp liên ngành với chức năng tư vấn giúp Thủ tướng Chính phủ về công tác thanh niên. Các cấp bộ đoàn cũng cần phát huy sáng tạo trong tuyên truyền, phổ biến Luật Thanh niên năm 2020 để các bạn trẻ hiểu rõ vị trí, quyền lợi chính đáng, làm tốt vai trò, trách nhiệm, nghĩa vụ trong công cuộc xây dựng, phát triển và bảo vệ Tổ quốc.
(*) Xem Báo Nhân Dân từ số ra ngày 16-3-2021.
Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.com.vn/tin-tuc-xa-hoi/khoi-suc-tre-tu-luat-thanh-nien-638705/