Khối Tây Phi chưa thể quyết định số quân can thiệp vào Niger
Nhiều quốc gia ở khu vực Tây Phi hôm nay (11/8) vẫn chưa đưa ra quyết định về việc sẽ đóng góp bao nhiêu binh sĩ trong nhiệm vụ khôi phục trật tự hiến pháp ở Niger.
Hãng tin Reuters dẫn lời các nhà phân tích an ninh giấu tên cho biết, các quốc gia thành viên Cộng đồng Kinh tế Tây Phi (ECOWAS) ở thời điểm hiện tại chưa thể đưa ra quyết định lực lượng can thiệp quân sự vào Niger sẽ có bao nhiêu binh sĩ, hay cần bao nhiều thời gian để lực lượng này tập hợp. Bởi các quốc gia này đang đối mặt với nhiều khó khăn, do chi phí và công tác hậu cần cho việc can thiệp quân sự bị hạn chế.
“Khối ECOWAS có thể mất nhiều tuần hoặc lâu hơn để tập hợp lực lượng, và điều này sẽ để ngỏ khả năng đối thoại. Cho tới nay, Bờ Biển Ngà là quốc gia duy nhất công bố số binh sĩ tham gia chiến dịch ở Niger, khi Tổng thống nước này Alassane Ouattara ngày 10/8 hứa sẽ cử một tiểu đoàn gồm 850 lính”, các chuyên gia phân tích chiến lược nhận định.
Theo Reuters, nhận định trên được các chuyên gia đưa ra chỉ vài giờ sau khi Bộ trưởng Quốc phòng Gambia Sering Modou Njie và Bộ trưởng Truyền thông Liberia Ledgerhood Rennie nói rằng, hai nước này chưa thể đưa ra quyết định có triển khai binh sĩ can thiệp quân sự vào Niger hay không. Trong khi đó, phát ngôn viên quân đội Benin tuyên bố nước này có thể sẽ điều binh sĩ tham gia chiến dịch, nhưng từ chối công bố con số chính thức.
Ở một diễn biến khác, nhiều người dân sinh sống ở thủ đô Niamey của Niger hôm nay đã bày tỏ sự tức giận khi biết được thông tin khối ECOWAS có thể can thiệp quân sự vào nước này.
“Chúng tôi không sợ hãi, bởi các lực lượng vũ trang và an ninh của Niger đang sát cánh cùng người dân. Từ thời khắc họ đưa ra những lệnh trừng phạt chống lại người dân Niger, thì họ phải chứng kiến việc người dân chúng tôi đứng dậy để chống lại những quyết định đó”, Hama Moussa, một sinh viên Niger, nói với Reuters.
Reuters cho hay, khối ECOWAS trước đó vào ngày 10/8 tuyên bố đã cho đặt lực lượng dự phòng vào trong trạng thái sẵn sàng can thiệp vào Niger để khôi phục trật tự hiến pháp và trả tự cho cho Tổng thống được bầu dân chủ Mohamed Bazoum. Đồng thời, khối này cũng đưa ra nhiều cam kết thực thi các biện pháp trừng phạt, cấm đi lại và phong tỏa tài sản đối với những người ngăn cản sự trở lại nắm quyền của ông Bazoum.