Khơi thông điểm nghẽn hạ tầng giao thông

Loạt dự án giao thông trọng điểm ở cửa ngõ, mang tính liên kết vùng 'mắc kẹt' nhiều năm đang được TPHCM vận dụng các cơ chế, chính sách đặc thù tại Nghị quyết số 98/2023/QH15 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM (Nghị quyết 98) để khơi thông, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của thành phố và các tỉnh lân cận.

Giải bài toán nguồn vốn

Nhiều năm qua, tuyến quốc lộ 22 đoạn qua quận 12, TPHCM liên tục trong tình trạng ùn ứ giao thông khi lưu lượng phương tiện chở hàng hóa từ Bình Phước về TPHCM tăng cao để phục vụ dịp lễ. Bà Nguyễn Thúy Linh, kinh doanh thực phẩm tại ngã tư quốc lộ 22 - Nguyễn Ảnh Thủ (quận 12) nhiều năm qua đã quen với tình trạng ùn ứ, giao thông hỗn loạn khi nhiều người đi xe máy leo vỉa hè, chạy ngược chiều để thoát kẹt. “Mặt đường xuống cấp, khói bụi, ùn ứ thường xuyên khiến người dân ở đây rất khó chịu. Chưa kể nguy cơ tai nạn, đi lại khó khăn, buôn bán ế ẩm”, bà Linh nói và mong muốn tuyến đường này sớm được nâng cấp, mở rộng.

 Các phương tiện ùn ứ trên quốc lộ 22, đoạn qua quận 12, TPHCM

Các phương tiện ùn ứ trên quốc lộ 22, đoạn qua quận 12, TPHCM

Tương tự, nhiều tuyến đường cửa ngõ TPHCM hiện đang trong tình trạng quá tải. Tuyến quốc lộ 13 đoạn từ ngã tư Bình Phước đến cầu Bình Triệu chỉ có 4-6 làn xe, mặt đường hẹp trong khi lượng phương tiện đông khiến tuyến đường này thường xuyên ùn ứ, nhất là vào các khung giờ cao điểm.

Theo UBND TPHCM, cùng với quốc lộ 13, quốc lộ 22, các tuyến cửa ngõ khác như quốc lộ 1, quốc lộ 50 cũng chưa được đầu tư nâng cấp theo quy hoạch; trong khi lưu lượng phương tiện rất lớn nên luôn trong tình trạng quá tải, gây ùn ứ kéo dài, không đáp ứng được nhu cầu vận tải, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội. Vì vậy, UBND TPHCM vận dụng Nghị quyết 98, trình và được HĐND TPHCM thông qua danh mục các dự án đầu tư xây dựng nâng cấp, mở rộng, hiện đại hóa công trình đường bộ hiện hữu được áp dụng loại hợp đồng xây dựng - vận hành - chuyển giao (BOT). Việc áp dụng hợp đồng BOT để nâng cấp, mở rộng các tuyến cửa ngõ giúp TPHCM hóa giải bài toán về bố trí vốn khi có sự tham gia của nhà đầu tư tư nhân.

TS Trần Quang Thắng, Viện trưởng Viện kinh tế và quản lý TPHCM, đánh giá, nhu cầu về vốn để phát triển hạ tầng giao thông của TPHCM là rất lớn. Việc áp dụng loại hợp đồng BOT để triển khai các dự án, thu hút nhà đầu tư mở ra cơ hội cho thành phố hoàn thiện hạ tầng, bởi ngân sách thành phố không thể đủ để thực hiện tất cả dự án lớn. Việc thu hút các thành phần kinh tế tư nhân tham gia sẽ tạo sức mạnh đẩy nhanh hoàn thiện hạ tầng. Tuy nhiên, để đảm bảo tiến độ, tính khả thi, thành phố cần có các tiêu chí rõ ràng trong đánh giá tiềm lực, kinh nghiệm của nhà đầu tư.

Theo Phó Chủ tịch UBND TPHCM Bùi Xuân Cường, thành phố đang tích cực chuẩn bị để tái khởi động các dự án theo phương thức đối tác công - tư (PPP) lâu nay đình trệ vì vướng mắc quy định, cơ chế. Việc tích cực triển khai Nghị quyết 98 là nỗ lực của TPHCM trong hoàn thiện cơ sở hạ tầng, huy động các nguồn lực để đầu tư phát triển.

 Dự án BOT mở rộng từ cầu Bình Triệu đến ngã tư Bình Phước được kỳ vọng giúp giảm ùn tắc giao thông trên quốc lộ 13. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Dự án BOT mở rộng từ cầu Bình Triệu đến ngã tư Bình Phước được kỳ vọng giúp giảm ùn tắc giao thông trên quốc lộ 13. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Đẩy nhanh tiến độ dự án BOT

Sau khi HĐND TPHCM thông qua danh mục 5 dự án BOT trên đường hiện hữu, đầu năm 2024, UBND TPHCM đã ban hành kế hoạch thực hiện các dự án này. Trong đó, UBND TP giao nhiệm vụ cụ thể đến thủ trưởng các sở, ban, ngành, địa phương liên quan trong xây dựng các chương trình, kế hoạch cụ thể gắn với chương trình công tác để thực hiện có hiệu quả các dự án theo tiến độ đề ra. Quá trình thực hiện, các đơn vị tổ chức khảo sát sự quan tâm của nhà đầu tư đối với dự án; lập, thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi, phê duyệt dự án và lựa chọn nhà đầu tư, ký kết hợp đồng dự án trong năm 2025. Thực hiện hợp đồng dự án từ năm 2025 đến năm 2028. Dự kiến khởi công xây dựng từ quý 4-2025 và quý 1-2026; hoàn thành công trình đưa vào khai thác những năm tiếp theo.

Ông Ngô Hải Đường, Trưởng Phòng Quản lý khai thác hạ tầng giao thông đường bộ, Sở GTVT TPHCM, cho biết, hiện sở đang lập nghiên cứu tiền khả thi với 5 dự án BOT trên đường hiện hữu nhằm tham mưu UBND TP trình HĐND TPHCM thông qua chủ trương đầu tư. Việc này dự kiến hoàn thành trong năm 2024. Theo đại diện Sở GTVT TPHCM, Nghị quyết 98 cho phép ngân sách thành phố tham gia đến 70% tổng mức đầu tư dự án BOT trên đường hiện hữu. Công tác giải phóng mặt bằng được tách riêng thành dự án độc lập, thực hiện bằng nguồn vốn ngân sách thành phố.

Trong các cuộc làm việc với sở, ngành, địa phương, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi đã chỉ đạo vận dụng Nghị quyết 98 đẩy nhanh tiến độ các dự án trọng điểm, cấp bách. Trong đó, mở rộng quốc lộ 50, đường nối Trần Quốc Hoàn-Cộng Hòa, nút giao Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ, nút giao Mỹ Thủy. Bên cạnh đó, tập trung hoàn tất thủ tục chuẩn bị đầu tư, thông qua chủ trương đầu tư, phê duyệt dự án đầu tư các dự án giao thông trọng điểm, kết nối vùng như dự án đường Vành đai 2 (đoạn 4), đường Vành đai 4, cầu Thủ Thiêm 4, cầu Cần Giờ…

5 dự án BOT trên đường hiện hữu theo Nghị quyết 98:

- Quốc lộ 13 (từ cầu Bình Triệu đến ranh tỉnh Bình Dương) dài gần 5,9km, rộng từ 53-60m.

- Quốc lộ 1 (từ đường Kinh Dương Vương đến ranh tỉnh Long An) dài 9,6km, rộng từ 52-60m

- Quốc lộ 22 (từ nút giao An Sương đến đường Vành đai 3) dài 9,1km, rộng 60m

- Trục đường Bắc - Nam (từ đường Nguyễn Văn Linh đến cao tốc Bến Lức - Long Thành) dài 8km, rộng 60m

- Cầu đường Bình Tiên (từ đường Phạm Văn Chí đến Nguyễn Văn Linh) dài 3,2km, rộng từ 30-40m

NGÔ BÌNH

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/khoi-thong-diem-nghen-ha-tang-giao-thong-post736955.html