Khơi thông 'điểm nghẽn' phát triển điện mặt trời
Quyết định số 13/2020/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời tại Việt Nam (có hiệu lực ngày 22-5-2020) đã mở ra cơ hội mới cho các nhà đầu tư trong lĩnh vực này. Thế nhưng, thực tế hiện nay, phần lớn dự án điện mặt trời đang bị chững lại vì vướng thủ tục liên quan đến đất đai. Nếu không khơi thông được 'điểm nghẽn' này, nhiều dự án có nguy cơ không được hưởng giá bán điện ưu đãi, địa phương cũng mất đi một nguồn thu lớn.
Theo đánh giá của các nhà đầu tư, Gia Lai là một trong số ít địa phương trong cả nước có mức độ bức xạ nhiệt cao, thuận lợi cho việc phát triển các dự án điện mặt trời. Do vậy, khi các dự án được triển khai, không những doanh nghiệp được hưởng lợi từ cơ chế ưu đãi mà địa phương còn có nguồn thu đáng kể, là động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Cơ hội phát triển kinh tế địa phương
Với công suất 20 triệu viên gạch nung/năm, mỗi tháng, Công ty Thái Hoàng Gia Lai (huyện Phú Thiện) tiêu tốn đến hơn 300 triệu đồng tiền điện phục vụ sản xuất. Ông Thái Dương Tú-Giám đốc Công ty-cho biết: Nắm bắt cơ chế khuyến khích của Chính phủ về phát triển điện mặt trời, doanh nghiệp đã đầu tư lắp đặt hệ thống điện mặt trời mái nhà có công suất 1 MWp trên diện tích nhà xưởng sẵn có. Tuy vốn đầu tư ban đầu tương đối lớn (hơn 15 tỷ đồng) nhưng đã giúp doanh nghiệp giảm chi phí tiền điện sản xuất. Ngoài ra, hàng tháng, doanh nghiệp còn có nguồn thu từ việc bán phần điện không sử dụng hết cho ngành điện. Đáng chú ý, doanh nghiệp ký hợp đồng bán điện theo giá ưu đãi đến 20 năm kể từ ngày vận hành và phát điện. Theo tính toán, số tiền thu được từ bán điện dao động khoảng 3 tỷ đồng/năm, chỉ cần 5-6 năm là thu đủ số tiền đầu tư đã bỏ ra.
Nhận thấy lợi ích và tiềm năng từ nguồn năng lượng tái tạo này, ông Nguyễn Huỳnh Phú Lâm-Giám đốc Công ty cổ phần Cà phê Classic (TP. Pleiku) đang tiến hành các thủ tục đầu tư hệ thống điện mặt trời mái nhà kết hợp chăn nuôi tại xã Ia Sao (huyện Ia Grai) với công suất 1 MWp. Theo ông Lâm, đây không những là cơ hội của doanh nghiệp mà địa phương còn có thêm nguồn lực để phát triển kinh tế.
Ông Lâm phân tích: Mỗi dự án điện mặt trời mái nhà công suất 1 MWp sẽ tạo doanh thu 3 tỷ đồng/năm, khi đó, tỉnh sẽ thu được 300 triệu đồng/năm tiền thuế giá trị gia tăng, cộng với thuế thu nhập doanh nghiệp sau khi dự án đã khấu hao xong. Mỗi dự án đầu tư công suất 1 MWp cần một nguồn vốn tương đương 15 tỷ đồng để hoàn thiện về hạ tầng (chưa kể khoảng 10 tỷ đồng đầu tư vật nuôi, cây trồng dưới mái). Lượng tiền từ các ngân hàng rót vào hỗ trợ nhà đầu tư thực hiện dự án là rất lớn. Dự kiến, tỉnh phát triển dự án điện mặt trời mái nhà có tổng công suất khoảng 500 MWp, nếu nhân lên sẽ có đến 7.500 tỷ đồng được kích cầu lưu thông, ngân sách tỉnh được bổ sung ít nhất 150 tỷ đồng/năm. Điều tích cực nữa là dự án rải đều khắp các huyện, khi đi vào hoạt động, mỗi dự án cần ít nhất 7-10 lao động. Vì vậy, các dự án góp phần tạo việc làm, thu nhập ổn định cho khoảng 3.500-5.000 lao động. Đặc biệt, với diện tích đất bỏ trống do hồ tiêu chết, đất sản xuất kém hiệu quả thì đây chính là cơ hội tuyệt vời để chuyển đổi, nâng cao giá trị sử dụng đất.
Theo ông Nguyễn Quang Huy-Giám đốc Chi nhánh HDBank Gia Lai, đơn vị đang đi đầu tài trợ vốn trong lĩnh vực điện mặt trời. “Đối với điện mặt trời mái nhà công suất dưới 1 MWp, đơn vị tài trợ tối đa 70% suất đầu tư. Mức tài trợ dao động từ 10 đến 12 tỷ đồng/dự án (tài sản đảm bảo chính từ dự án, tùy giá trị thiết bị) với lãi suất chỉ từ 10%/năm, thời gian vay vốn 7-10 năm (tùy hiệu quả của dự án). Ngoài ra, khách hàng còn được tư vấn về nhà cung cấp thiết bị uy tín, hưởng chính sách bảo hành, bảo trì, bảo dưỡng từ nhà thầu theo đúng quy định của HDBank trong suốt thời gian vay vốn”-ông Huy cho hay.
Gỡ khó để đẩy nhanh tiến độ dự án
Giám đốc Công ty cổ phần Cà phê Classic cho rằng, nhiều nhà đầu tư quan tâm đến Gia Lai bởi triển khai dự án sẽ hiệu quả; giá đất (tính những vùng có sản xuất) thấp so với các tỉnh thành khác; kết cấu lưới điện trung áp, hạ áp tương đối tốt. Tuy nhiên, thủ tục để dự án được cấp phép đầu tư vẫn còn nhiều vướng mắc vì những quy định về chuyển đổi đất đai. Áp lực về thời gian thực hiện dự án để được hưởng giá điện ưu đãi quá ngắn, đến ngày 31-12-2020 là kết thúc. Do vậy, tỉnh cần có chính sách tháo gỡ về thủ tục cấp phép dự án để nhà đầu tư sớm đẩy nhanh tiến độ thực hiện. Đồng thời, phối hợp cùng Công ty Điện lực Gia Lai hỗ trợ nâng cấp cơ sở hạ tầng lưới điện để tận dụng tốt cơ hội này.
Trong khi đó, ông Văn Đình Hậu-Giám đốc Công ty Điện lực Gia Lai-cho biết: Đến thời điểm này, có khoảng 500 dự án đăng ký đầu tư điện mặt trời mái nhà (công suất dưới 1 MWp) với tổng công suất khoảng 477 MWp. So với các tỉnh Tây Nguyên và miền Trung thì Gia Lai có số lượng dự án đăng ký tương đối lớn. Đối với dự án điện mặt trời mái nhà công suất dưới 1 MWp, Bộ Công thương giao quyền cho Công ty Điện lực các địa phương giải quyết vấn đề thủ tục đấu nối, ký hợp đồng mua điện mà không cần bổ sung quy hoạch. Nhưng từ khi có Quyết định số 13/2020/QĐ-TTg đến nay, Bộ Công thương chưa có thông tư hướng dẫn, đơn vị vẫn đang định hướng theo nội dung của Quyết định số 11/2017/QĐ-TTg (hết hiệu lực từ ngày 30-6-2019) để chờ hướng dẫn cụ thể. Do vậy, khách hàng muốn đầu tư hệ thống điện mặt trời mái nhà thì gửi đăng ký, điện lực sẽ xuống khảo sát và trả lời. “Nếu việc đấu nối bán điện thừa lên lưới điện nằm trong khả năng truyền tải, chúng tôi sẽ có văn bản đồng ý để các chủ đầu tư thực hiện các bước tiếp theo. Sau khi dự án hoàn thiện sẽ được nghiệm thu kỹ thuật và ký hợp đồng mua bán điện với khách hàng”-ông Hậu cho hay.
Cũng theo Giám đốc Công ty Điện lực Gia Lai, về cơ bản, đối với dự án điện mặt trời mái nhà, điện năng sản xuất ra sẽ được tiêu thụ ở khu vực đó, giúp giảm bớt công suất lấy điện từ trên lưới xuống và giảm bớt nguồn lực đầu tư của ngành điện. Việc đầu tư nâng cấp lưới điện phục vụ mục đích này vì vậy rất hạn chế. Dựa theo số lượng đăng ký thực hiện dự án đến thời điểm này, hầu hết các khu vực đã đầy công suất, có khả năng quá tải và không phát sinh thêm được nữa. Tuy nhiên, trong các dự án đã đăng ký và ngành điện đã trả lời có khả năng đấu nối, nhiều nhà đầu tư có đơn xin gia hạn thời gian với ngành điện vì lý do vướng các thủ tục đầu tư trang trại. “Các dự án đăng ký trong thời gian 30 ngày nếu không triển khai sẽ bị thu hồi để tránh trường hợp “xí chỗ”. Nếu không có biện pháp tháo gỡ kịp thời, các dự án chậm tiến độ thi công sẽ có nguy cơ không được hưởng giá bán điện ưu đãi là 1.943 đồng/kWh”-ông Hậu thông tin.
Trao đổi với P.V, ông Nguyễn Văn Thư-Trưởng phòng Quy hoạch-Đo đạc (Sở Tài nguyên và Môi trường) cho biết: Hiện nay, trên địa bàn đang rộ lên hình thức chuyển đổi đất trồng cây hàng năm sang đất nông nghiệp khác để đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp kết hợp với đầu tư hệ thống điện mặt trời mái nhà. Tuy nhiên, chỉ tiêu đất nông nghiệp khác là do UBND cấp huyện xác định trên cơ sở đăng ký của người sử dụng đất. Các địa phương mà kế hoạch sử dụng đất năm 2020 có cập nhật chỉ tiêu này được UBND tỉnh phê duyệt thì được phép đăng ký biến động. Còn những địa phương không đăng ký vào kế hoạch sử dụng đất năm 2020 thì không được phép đăng ký biến động. Điều này khiến cho việc thực hiện các dự án nông nghiệp kết hợp điện mặt trời mái nhà bị ách tắc.
Ông Thư cũng cho biết, Sở Tài nguyên và Môi trường đã tham khảo văn bản của một số tỉnh để tháo gỡ vấn đề này. Theo đó, trên cơ sở đánh giá thực tế kế hoạch sử dụng đất phù hợp quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế-xã hội, nhu cầu sử dụng đất phát sinh cần chuyển đổi mục đích sử dụng đất của các tổ chức, cá nhân, các địa phương cần trình HĐND cùng cấp thông qua. Từ căn cứ này mới đề nghị UBND tỉnh xem xét, phê duyệt bổ sung phần diện tích đăng ký biến động để làm cơ sở thực hiện. “Việc quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất là do các địa phương xác định, đề xuất nhưng đến thời điểm này chưa thấy phản ánh vướng mắc gì cần tháo gỡ. Tuy nhiên, Sở đã tham khảo việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của các tỉnh khác để khi các huyện có ý kiến thì sẽ tham mưu ngay phương án với cấp thẩm quyền”-ông Thư thông tin.