Khơi thông dòng vốn phục vụ phát triển 'tam nông'

Cùng với cả hệ thống, trong những năm qua, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) Chi nhánh huyện Kế Sách đã triển khai cho vay các gói tín dụng phù hợp với các dự án phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn, tạo điều kiện cho nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng đạt hiệu quả kinh tế cao.

Nhiều mô hình hiệu quả cao nhờ vay vốn từ Agribank

Điển hình trong đó là hộ gia đình anh Tào Sa Ri, ấp An Phú, thị trấn Kế Sách. Trao đổi với chúng tôi, anh Sa Ri vui mừng cho biết: "5 công đất vườn trước đây trồng các loại cây tạp nên hiệu quả kinh tế không cao. Sau thời gian đắn đo suy nghĩ, tôi quyết định chuyển đổi trồng cây khác và vấn đề quan trọng nhất là nguồn vốn. Rồi cơ hội cũng đến khi cách đây 4 năm, gia đình tôi được Agribank Chi nhánh huyện xem xét cho vay 300 triệu đồng. Có vốn trong tay, tôi tiến hành cải tạo đất, mua cây giống và phát triển mô hình trồng xen canh cây chanh không hạt, bưởi da xanh và ổi nữ hoàng. Hiện nay vườn cây đang phát triển khá tốt, cho trái nhiều nên có thu nhập ổn định trên dưới 100 triệu đồng/năm".

Cũng là hộ chuyển đổi cơ cấu cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế cao, anh Sơn Xinh, cũng ngụ ấp An Phú thì chọn mô hình trồng thanh long ruột đỏ để đầu tư. Sau 4 năm chuyển đổi khu vườn tạp để trồng thanh long ruột đỏ đã cho “quả ngọt” khi mỗi tháng xuất bán từ 4 - 5 tấn trái thanh long. Theo chia sẻ từ anh Xinh, những năm trước, gia đình anh được tiếp cận nguồn vốn vay từ Agribank Chi nhánh huyện để trồng 1.000 trụ thanh long, đến nay, mô hình không chỉ phát triển khá tốt, mà còn mang về lợi nhuận mỗi năm cả trăm triệu đồng.

Anh Sơn Xinh vui mừng cho biết: “Lúc trước, tôi trồng thanh long được 7 công, thấy làm ăn có hiệu quả nên tôi phát triển thêm 7 công nữa, nhưng thiếu vốn đầu tư. Nhờ Agribank Chi nhánh huyện cho vay trên 300 triệu đồng, đến nay mô hình phát triển khá tốt, trồng thanh long loại này thì chỉ bán để xuất khẩu nên giá cả ổn định, làm ăn có hiệu quả nên trả dần nợ cho ngân hàng cũng gần hết rồi”.

Nhờ vào sự hỗ trợ về vốn từ phía Agribank, vườn chanh, bưởi và ổi của gia đình anh Sa Ri, ấp An Phú, thị trấn Kế Sách cho thu nhập tốt. Ảnh: QUANG BÌNH

Đảm bảo cung cấp đủ nguồn vốn cho nông dân

Cán bộ nông nghiệp thị trấn Kế Sách Nguyễn Chánh Tín cho biết, hiện nay, nhiều nông dân trên địa bàn đang tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi mang lại hiệu quả kinh tế cao nên cần vay vốn để sản xuất, vì vậy đề nghị Agribank có những chính sách hỗ trợ, đồng thời tăng thêm hạng mức cho vay đối với những hộ dân mở rộng quy mô sản xuất. Anh Tào Sa Ri góp lời: "Hiện vườn chanh, bưởi và ổi của gia đình đều có trái, đem lại thu nhập ổn định nên đã chủ động trả dần vốn vay cho ngân hàng. Sắp tới, tôi dự định mở rộng mô hình này nên cũng có yêu cầu Agribank hỗ trợ thêm vốn vay để tăng thêm thu nhập".

Với những đề xuất, kiến nghị nêu trên của chính quyền địa phương và người dân, Giám đốc Agribank Chi nhánh huyện Kế Sách Lưu Văn Thanh cho biết: “Hiện đơn vị đang tiến hành đẩy mạnh cải cách hành chính để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho bà con nông dân tiếp cận vốn của Agribank. Đối với địa bàn huyện thì chúng tôi quán triệt đến cán bộ đơn vị phải phục vụ tốt nhất nhu cầu hợp lý, chính đáng của khách hàng. Còn về tháo gỡ khó khăn thì vừa qua trụ sở chính của Agribank có sửa đổi, bổ sung quy định về bảo đảm tiền vay. Theo đó, đối với cho vay nông nghiệp, nông thôn thì mức giá khi tính giá trị của tài sản sẽ cho vay bằng 100% giá trị tài sản theo khung giá của UBND tỉnh. Còn đối với vốn vay ngắn hạn thì đơn vị đang tiến hành cho vay đến 90% nhu cầu vốn của bà con, còn lại 10% là vốn tự có của bà con, thực ra 10% này thì trong đó đã tính cả công lao động nên nguồn vốn cơ bản đáp ứng cho bà con trong sử dụng phục vụ sản xuất, kinh doanh, cũng như trong sinh hoạt, tiêu dùng”.

Thời gian qua, trong quá trình hoạt động, Agribank Chi nhánh huyện luôn tập trung đầu tư tín dụng chủ yếu cho phát triển nông nghiệp, nông thôn với mức tăng trưởng tín dụng bình quân khoảng 16%/năm. Đồng chí Lưu Văn Thanh cho biết thêm, bà con được tiếp cận vốn vay từ Agribank Chi nhánh huyện rất thuận lợi. Nếu như thời điểm năm 2016, dư nợ tín dụng trên địa bàn huyện là 275 tỉ đồng thì đến thời điểm hiện nay, dư nợ trên 590 tỉ đồng. Thực hiện chủ trương của cấp trên về đẩy mạnh cho vay nông nghiệp, nông thôn trong đó có nội dung phục vụ tốt cho vay tiêu dùng đời sống, nhất là cho vay phát hành thẻ thấu chi ở địa bàn nông nghiệp, nông thôn để góp phần hạn chế tín dụng đen thì bà con cũng được tiếp cận thuận lợi, qua đó trong sử dụng sản phẩm, dịch vụ ngân hàng, nhất là khi có nhu cầu mua vật tư nông nghiệp, như: phân bón, thuốc trừ sâu hoặc thanh toán hóa đơn tiền điện, nước cũng được thuận lợi hơn, qua đó đáp ứng được yêu cầu đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt trên địa bàn nông nghiệp, nông thôn.

Từ thực tế cho thấy, việc ưu tiên giải ngân nguồn vốn cho vay trong nông nghiệp, nông thôn và nông dân đã góp phần thúc đẩy quá trình chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, từng bước đưa sản phẩm nông nghiệp của huyện thành sản phẩm hàng hóa có giá trị kinh tế cao, tất cả đều có dấu ấn của Agribank.

QUANG BÌNH

Nguồn Sóc Trăng: http://baosoctrang.org.vn/thuong-mai-dich-vu/khoi-thong-dong-von-phuc-vu-phat-trien-tam-nong-48329.html