Khơi thông dòng vốn, tạo lực đẩy cho thị trường bất động sản phát triển
Theo các chuyên gia, bên cạnh việc hoàn thiện pháp lý thì việc tiếp tục đa dạng hóa và hoàn thiện kênh huy động vốn đầu tư bất động sản (BĐS) chính là chìa khóa quan trọng, tạo động lực cho thị trường BĐS phát triển an toàn, minh bạch.
Chờ “bắt đáy” gây nên tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng thị trường
Theo ông Trần Văn Bình - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Môi giới BĐS Việt Nam (VARS), trong thời gian qua, Hiệp hội BĐS Việt Nam, VARS, các cơ quan trực thuộc đã vào cuộc khẩn trương để nghiên cứu, đánh giá thị trường BĐS, nhằm phản ánh một cách chân thực các động thái, biến chuyển của thị trường. Đồng thời, cảnh báo và kiến nghị tới các cơ quan quản lý nhà nước, các doanh nghiệp kinh doanh BĐS, sàn giao dịch BĐS, môi giới BĐS và người dân.
Bên cạnh vấn đề pháp lý, nguồn vốn chính là yếu tố ảnh hưởng lớn tới “sức khỏe” của các chủ thể tham gia thị trường BĐS. Do đó, Lãnh đạo VARS cho rằng, việc khơi thông nguồn vốn cho thị trường BĐS Việt Nam là chìa khóa quan trọng, tạo lực đẩy cho thị trường BĐS phát triển.
Ở góc nhìn khác, PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh - Giảng viên cao cấp Học viện Tài chính cho biết, lĩnh vực BĐS có vai trò rất lớn trong nền kinh tế, là cầu nối các ngành, thị trường trong chuỗi giá trị BĐS gồm 35 ngành nghề, lĩnh vực liên quan tới thị trường.
Trong một số năm gần đây, huy động vốn cho thị trường BĐS chủ yếu từ nguồn vốn tín dụng ngân hàng và từ phát hành trái phiếu doanh nghiệp. Tuy nhiên, năm 2022, tỷ trọng nguồn vốn phát hành trái phiếu doanh nghiệp đã sụt giảm đáng kể trong cơ cấu nguồn vốn phát triển của doanh nghiệp BĐS.
Theo PGS. TS. Đinh Trọng Thịnh, 2023 là một năm khó khăn của lĩnh vực BĐS khi Chính phủ và các cơ quan, bộ ngành đã làm việc một cách rất quyết liệt với quyết tâm cao nhằm khôi phục trở lại thị trường. Gần 20 động thái được phát đi từ phía Chính phủ một cách liên tục và dồn dập, góp phần tạo thêm niềm tin và sức mạnh cho thị trường cũng như các chủ thể tham gia.
Tiêu biểu như: Nghị quyết số 33/NQ-CP ngày 11/3/2023 được cho là tín hiệu mang tính định hướng và chỉ dẫn. Các cơ chế, chính sách từ phía Chính phủ ngày càng sát hơn so với nhu cầu thực tế của thị trường và doanh nghiệp. Điều đó chứng tỏ sự quan sát và lắng nghe một cách sát sao từng động thái của thị trường từ phía Chính phủ.
“Mặc dù nhận được nhiều tín hiệu tích cực, nhưng thị trường vẫn chưa thể bật tăng, do sự suy giảm mạnh của dòng vốn trong thời gian dài, nhiều doanh nghiệp BĐS gặp khó khăn, dự án bị đình trệ. Thêm vào đó, là tình trạng thiếu nguồn cung và tâm lý chờ “bắt đáy” gây nên tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng thị trường BĐS ảnh hưởng tới sự phát triển nhiều ngành và tới GDP chung của cả năm”, PGS. TS. Đinh Trọng Thịnh nhìn nhận.
Làm gì để khơi thông nguồn vốn bất động sản?
Trong bối cảnh hiện nay, việc tiếp tục đa dạng hóa và hoàn thiện các kênh huy động vốn đầu tư BĐS là một trong những ưu tiên chính sách để hỗ trợ thị trường BĐS phục hồi.
Để giải quyết vấn đề “đói vốn” của thị trường BĐS hiện nay, PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh đưa ra 3 vấn đề cần tập trung giải quyết, cụ thể:
Một là, cần đề cao vai trò trách nhiệm của người đứng đầu trong giải ngân vốn đầu tư công. Tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong thủ tục khởi công dự án, các hồ sơ, thủ tục đầu tư cần được sớm chuẩn bị.
Tiếp đó, phân bổ nguồn vốn đầu tư công sớm tại các bộ, ngành, địa phương, điều chỉnh nhanh giá cả theo giá thị trường. Một số vật tư nguyên liệu tăng giá, các doanh nghiệp chờ đợi điều chỉnh giá từ cơ quan chức năng. Cùng với đó, đẩy nhanh công tác giải phóng mặt bằng, chuẩn bị đầu tư, giải quyết các vướng mắc tại một số địa phương, một số dự án khó khăn về nguồn vật liệu, ảnh hưởng tới tiến độ, khối lượng nghiệm thu giải ngân vốn.
Thứ hai, về nguồn vốn tín dụng cần thực hiện nhanh chóng, nghiêm túc và linh hoạt các chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước để có thể thực hiện cho vay theo dòng tiền, cho vay theo hợp đồng của các doanh nghiệp BĐS.
Các ngân hàng thương mại đẩy mạnh xem xét, thẩm định các dự án, các hợp đồng để thực hiện cho vay theo dòng tiền, cho vay theo hợp đồng; phát hành trái phiếu doanh nghiệp cần tiếp tục xem xét các động thái của các doanh nghiệp để kịp thời có các biện pháp thay đổi, điều chỉnh để các cơ chế, chính sách phù hợp với năng lực và tình hình tài chính của doanh nghiệp, trong đó có các doanh nghiệp BĐS.
Thứ ba, để thu hút vốn FDI vào lĩnh vực BĐS cần đổi mới các biện pháp hỗ trợ các doanh nghiệp FDI trong tiếp cận các thủ tục đầu tư, các ưu đãi trong việc giảm chi phí đầu tư, giải phóng mặt bằng, tuyển dụng công nhân.
“Các cơ quan quản lý nhà nước nên đẩy mạnh số hóa các hoạt động nghiệp vụ, xây dựng kho dữ liệu toàn diện để giảm thiểu chi phí tiếp cận, thẩm định và rút ngắn quá trình xét duyệt, đưa ra quyết định đầu tư”, PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh khuyến nghị.