Khơi thông hàng hóa qua xây dựng nhãn hiệu tập thể

Xây dựng nhãn hiệu tập thể (NHTT) giúp khơi thông hàng hóa, tạo ra động lực mới trong phát triển sản xuất theo nhu cầu thị trường và chuỗi giá trị sản xuất nông nghiệp bền vững. Với những lợi ích này, các hợp tác xã (HTX) đã đăng ký sở hữu NHTT với mong muốn phát triển sản xuất bền vững, có thể cạnh tranh được với sản phẩm cùng loại.

Có nhãn hiệu nhận diện sản phẩm, Hợp tác xã Rau an toàn Việt được tham gia các phiên chợ an toàn tại TP.HCM

Có nhãn hiệu nhận diện sản phẩm, Hợp tác xã Rau an toàn Việt được tham gia các phiên chợ an toàn tại TP.HCM

Phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị

HTX Nông nghiệp Mỹ Thạnh (huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An) thành lập năm 2018, hoạt động theo hướng đa năng, trực tiếp cung cấp các dịch vụ nông nghiệp, trang thiết bị, tổ chức sản xuất cho thành viên, nông dân liên kết. Sau khoảng 4 năm hoạt động, HTX là địa chỉ đáng tin cậy của thành viên, nơi tập kết các sản phẩm rau, củ, quả sau thu hoạch, tiến hành sơ chế, làm sạch và đóng gói. Hiện nay, HTX có 31 thành viên phân phối 3,5 tấn rau, củ, quả đến hệ thống Co.op miền Tây, Metro miền Tây, nhiều công ty chế biến nông sản, bếp ăn tập thể, suất ăn công nghiệp,...

Các loại rau màu chủ lực của HTX là bầu, bí, khổ qua, dưa leo, mướp,... Để có được chỗ đứng trên thị trường như hiện nay, HTX quyết tâm tổ chức sản xuất cho các thành viên theo nhu cầu thị trường, tránh sản xuất đại trà. Đặc biệt, quy trình sản xuất theo hướng công nghệ cao cũng được áp dụng nghiêm ngặt nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Để tiếp tục nâng cao hiệu quả hoạt động, HTX dần hoàn thiện quy trình sản xuất, đăng ký NHTT (do Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) hỗ trợ kinh phí) và chứng nhận sản phẩm VietGAP (do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hỗ trợ kinh phí). Đặc biệt, HTX còn chủ động triển khai, thực hiện thủ tục truy xuất nguồn gốc sản phẩm thông qua tem nhãn.

Giám đốc HTX Nông nghiệp Mỹ Thạnh - Nguyễn Quốc Cường chia sẻ, hàng năm phải trả chi phí duy trì cho gói truy xuất nguồn gốc sản phẩm nhưng HTX vẫn quyết tâm thực hiện để xây dựng thương hiệu, tăng khả năng cạnh tranh. Mặc dù thực hiện in ấn, dán tem nhãn hàng hóa, truy xuất nguồn gốc làm chi phí đầu vào tăng nhưng sản phẩm có tem nhãn truy xuất nguồn gốc luôn có sự khác biệt so với sản phẩm cùng loại trên thị trường. Đây là xu thế tất yếu của ngành thực phẩm nên dù việc truy xuất nguồn gốc có làm tăng chi phí nhưng là khoản chi hợp lý. Bằng chứng rõ nhất là từ khi sản phẩm của HTX có dán tem nhãn luôn được thị trường đón nhận, tin tưởng và ủng hộ.

Theo ông Nguyễn Quốc Cường, bên cạnh việc dán tem nhãn cho hàng hóa thì sản xuất theo quy trình VietGAP cũng giúp nông dân có nhiều thuận lợi hơn. Trước hết, sản phẩm VietGAP được thu cao hơn giá thị trường. Nếu là thành viên HTX, giá mua vào cao hơn giá thị trường 1.000 đồng/kg; nông dân không là thành viên HTX, giá mua vào cao hơn 500 đồng/kg. Bên cạnh đó, khi sản xuất VietGAP, dòng đời của cây kéo dài hơn, thu hoạch nhiều sản phẩm hơn, tỷ lệ sâu, bệnh ít hơn. Tất cả những điều này giúp nông dân giảm chi phí đầu vào, tăng lợi nhuận sau 1 vụ mùa, bình quân từ 8-12 triệu đồng. Để quản lý quá trình sản xuất, thu hoạch, phân phối sản phẩm, theo dõi doanh thu, các thành viên của HTX thực hiện cập nhật nhật ký trồng trọt thông qua phần mềm sổ tay điện tử được cài đặt trên máy tính, điện thoại một cách dễ dàng, nhanh chóng, tiện lợi.

HTX Rau an toàn Việt (huyện Cần Đước) là một trong hai đơn vị được Chi cục Trồng trọt, Bảo vệ thực vật và Quản lý chất lượng nông sản tỉnh chọn làm mô hình điểm ứng dụng công nghệ cao. Hiện HTX sản xuất theo quy trình VietGAP trên diện tích 7,2ha. Khi bắt tay vào hoạt động, HTX xác định hướng đi là trồng rau sạch không sử dụng phân hóa học và triệt để không sử dụng thuốc bảo vệ trong phòng trị sâu, bệnh. Vì vậy, các loại rau HTX trồng như rau muống, hành, cải xà lách,... khi thu hoạch không bóng mượt, bắt mắt mà còn lấm tấm đốm vàng, lá rau còn bị thủng do sâu cắn phá. Tuy vậy, sản phẩm của HTX vẫn được thị trường tại TP.HCM đón nhận.

Thông tin từ HTX Rau an toàn Việt, bình quân mỗi ngày, HTX cung ứng cho chuỗi siêu thị ở TPHCM khoảng 300kg rau thơm hỗn hợp, rau muống, rau lang và một số sản phẩm trái như bầu, bí,... Giá rau bán ra của HTX cao hơn 2 lần so với rau cùng loại. Có được kết quả này, HTX đặc biệt chú trọng đến việc thực hiện đăng ký NHTT và xây dựng quy trình sản xuất VietGAP, nhằm giúp người tiêu dùng dễ dàng nhận biết sản phẩm thông qua nhãn hiệu, bao bì đóng gói. Đồng thời, HTX muốn khẳng định thương hiệu, chứng minh HTX trồng trọt, làm ăn nghiêm túc. Đây cũng là cách tự bảo vệ mình trong bối cảnh thị trường “vàng thau lẫn lộn”.

Tập trung hỗ trợ, bảo hộ tài sản trí tuệ

Để hỗ trợ các tổ chức tập thể đăng ký xác lập quyền sở hữu NHTT cho các đặc sản của tỉnh, Sở KH&CN đã xây dựng Kế hoạch thực hiện hỗ trợ xác lập, bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ (SHTT) cho các sản phẩm sáng tạo và NHTT trên địa bàn tỉnh Long An giai đoạn 2021-2025 và được UBND tỉnh phê duyệt theo Quyết định số 3061/QĐ-UBND, ngày 13-4-2021. Hàng năm, Sở KH&CN cụ thể hóa quyết định của UBND tỉnh thành các kế hoạch từng năm để triển khai quyết định trên. Tính đến nay, có 92 đơn NHTT của Long An được nộp tại Cục SHTT theo chương trình, kế hoạch hỗ trợ của Sở KH&CN. Trong số đó, có 84 NHTT đã được cấp văn bằng bảo hộ, 8 đơn NHTT còn lại đang được Cục SHTT xem xét, thẩm định.

Những năm qua, để hỗ trợ cũng như bảo hộ và phát triển cho các sản phẩm NHTT, các ngành liên quan cũng ưu tiên quảng bá, giới thiệu, xúc tiến thương mại cho sản phẩm có NHTT, có quy trình kiểm soát chất lượng theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP,... từ sản xuất đến sơ chế, đóng gói.

Sản phẩm của Hợp tác xã Nông nghiệp Mỹ Thạnh có đăng ký nhãn hiệu tập thể

Sản phẩm của Hợp tác xã Nông nghiệp Mỹ Thạnh có đăng ký nhãn hiệu tập thể

Giám đốc Sở KH&CN - Nguyễn Minh Hải cho biết, Sở KH&CN được giao là cơ quan chủ trì thực hiện hỗ trợ xác lập, bảo hộ quyền SHTT cho các sản phẩm sáng tạo và NHTT trên địa bàn tỉnh. Nhìn chung, việc xác lập SHTT trong thời gian qua trên địa bàn tỉnh từng bước tạo nhận thức và niềm tin của người dân đối với hoạt động bảo hộ quyền SHTT ở địa phương. Thời gian tới, Sở KH&CN tiếp tục phát huy các chính sách hỗ trợ các tổ chức tập thể đăng ký NHTT, thực hiện xác lập, bảo hộ quyền SHTT cho NHTT, nhãn hiệu chứng nhận, chỉ dẫn địa lý thông qua các đề tài, dự án để sản phẩm của địa phương ổn định sản xuất và có hướng quảng bá sản phẩm trong điều kiện thực tế./.

Nhìn chung, việc xác lập SHTT trong thời gian qua trên địa bàn tỉnh từng bước tạo nhận thức và niềm tin của người dân đối với hoạt động bảo hộ quyền SHTT ở địa phương. Thời gian tới, Sở KH&CN tiếp tục phát huy các chính sách hỗ trợ các tổ chức tập thể đăng ký NHTT, thực hiện xác lập, bảo hộ quyền SHTT cho NHTT, nhãn hiệu chứng nhận, chỉ dẫn địa lý thông qua các đề tài, dự án để sản phẩm của địa phương ổn định sản xuất và có hướng quảng bá sản phẩm trong điều kiện thực tế”.

Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ - Nguyễn Minh Hải

Mai Hương

Nguồn Long An: https://baolongan.vn/khoi-thong-hang-hoa-qua-xay-dung-nhan-hieu-tap-the-a140494.html