Khơi thông mọi nguồn lực để phát triển bền vững
Bình Dương là tỉnh có tốc độ phát triển nhanh, thu hút số lượng lớn dự án đầu tư trong và ngoài nước, các chỉ số phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) đều tăng cao hàng năm. Nhằm huy động mọi nguồn lực cho đầu tư phát triển, tiếp tục tạo hấp lực thu hút đầu tư, hàng loạt công trình trọng điểm hạ tầng giao thông, đầu tư các khu công nghiệp (KCN) mới… đang được tỉnh tăng tốc triển khai, tạo tiền đề quan trọng để Bình Dương phát triển bền vững hơn.
Tháo dần những “điểm nghẽn”
Cuối tháng 4 vừa qua, Bình Dương đã khởi công dự án nâng cấp, mở rộng quốc lộ 13 đoạn từ giáp ranh TP.Hồ Chí Minh đến TP.Thủ Dầu Một (dài khoảng 12,7km, từ 6 làn xe lên 8 làn xe). Dự án này sẽ triển khai trước đoạn từ nút giao đại lộ Tự Do (KCN VSIP 1, TP.Thuận An) đến ngã tư Lê Hồng Phong (TP.Thủ Dầu Một). GS-TS Nguyễn Trọng Hoài, trường Đại học Kinh tế TP.Hồ Chí Minh đánh giá, Bình Dương luôn tiên phong trong quản trị địa phương. Hạ tầng giao thông luôn đi trước một bước để mở đường cho các ngành kinh tế phát triển đã được Bình Dương xem trọng.
Hạ tầng giao thông của tỉnh trong nhiều năm qua liên tục được đầu tư phát triển, là lợi thế so sánh quan trọng trong thu hút đầu tư. Trong ảnh: Tuyến đường Mỹ Phước - Tân Vạn hoàn thành, phục vụ tốt nhu cầu vận chuyển hàng hóa của doanh nghiệp. Ảnh: PHƯƠNG AN
Với cách làm đột phá, “đi trước một bước” trong đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng giao thông, thời gian qua, Bình Dương đãđạt được nhiều thành tựu quan trọng trong quá trình phát triển KT-XH. Tỉnh đã tập trung huy động các nguồn lực đầu tư, kết cấu hạ tầng giao thông trên địa bàn tỉnh ngày càng hoàn thiện, phục vụ tốt hơn cho việc đi lại, vận chuyển hàng hóa, giao thương của người dân và doanh nghiệp.
Hạ tầng giao thông của tỉnh trong nhiều năm qua liên tục được đầu tư phát triển là một lợi thế so sánh quan trọng trong thu hút đầu tư. Đến nay, toàn tỉnh có trên 7.421km đường giao thông, trong đó có 3 tuyến quốc lộ gồm 1A, 1K và 13 tổng chiều dài 77km. Các tuyến quốc lộ đã và đang được đầu tư nâng cấp, mở rộng từ ngân sách cũng như huy động từ các thành phần kinh tế. Các trục giao thông mang tính kết nối vùng, kết nối Bình Dương với các tỉnh, thành trong vùng như đường Tân Vạn - Mỹ Phước - Bàu Bàng, Bắc Tân Uyên - Phú Giáo - Bàu Bàng, Vành đai 3, Vành đai 4 đang được khẩn trương triển khai thực hiện.
Ông Mai Bá Trước, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, cho biết các tuyến đường vừa làm nhiệm vụ giao thông - vận tải phục vụ phát triển công nghiệp, vừa kết nối các đô thị vệ tinh xung quanh thành phố mới Bình Dương. Sự thay đổi, đột phá của các địa phương như TX.Bến Cát, TX.Tân Uyên, huyện Bàu Bàng... đã cho thấy vai trò tích cực trong kết nối giao thông, vận chuyển hàng hóa phục vụ phát triển KT-XH của tỉnh.
Sự đầu tư phát triển hệ thống giao thông của tỉnh đã giúp hoạt động kết nối giữa các KCN được thông suốt, đẩy mạnh quá trình lưu thông hàng hóa, tạo thuận lợi cho các phương tiện vận chuyển, tiết kiệm được chi phí cho doanh nghiệp. Hệ thống giao thông của tỉnh cũng kết nối với hệ thống giao thông của khu vực và các tỉnh miền Tây Nam bộ, Tây nguyên, tạo động lực thúc đẩy KT-XH cho toàn vùng và các khu vực lân cận.
Khơi thông nguồn lực đầu tư
Bên cạnh những kết quả đạt được, giao thông của tỉnh cũng còn một số hạn chế. Tại địa bàn TP.Thuận An, TP.Dĩ An, TX.Bến Cát phương tiện lưu thông khá lớn vào các giờ cao điểm, trong đó có các loại xe lớn vận chuyển hàng hóa cùng với xe máy, ô tô các loại gây ùn tắc và tiềm ẩn các nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông, gây tốn kém thời gian, chi phí vận chuyển. Cùng với đó, các dự án Vành đai 3, Vành đai 4, đường Hồ Chí Minh, xây dựng các tuyến đường sắt, quy hoạch xây dựng các cảng... đều cần nguồn vốn lớn và sự phối hợp thực hiện giữa các địa phương, thời gian xây dựng kéo dài.
Theo TS Trần Du Lịch, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ, Bình Dương vẫn chưa thể nối kết thuận lợi về giao thông với TP.Hồ Chí Minh để khai thác lợi thế trong giao lưu hàng hóa và phát triển đô thị. Mạng lưới giao thông vùng đến nay phần lớn vẫn nằm trong quy hoạch (đường bộ, đường sắt). Với chủ trương “giao thông đi trước một bước”, kết nối giao thông với mạng lưới các KCN và tổ chức đô thị là điển hình thành công trong phát triển kinh tế của Bình Dương.
“Để phát triển bền vững hơn, thời gian tới Bình Dương cần chủ động phối hợp với Bộ Giao thông - Vận tải và các địa phương trong vùng để sớm xây dựng hệ thống giao thông kết nối vùng đã được quy hoạch. Các công trình cần ưu tiên hoàn thành trong thời gian sớm nhất là đường Vành đai 3 và 4, cao tốc TP.Hồ Chí Minh - Thủ Dầu Một - Chơn Thành, nối dài tuyến đường sắt Bến Thành - Suối Tiên, tuyến đường bộ ven sông Sài Gòn…”, TS Trần Du Lịch góp ý kiến.
Ông Võ Văn Minh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, cho biết những năm gần đây dòng vốn đầu tư trong và ngoài nước đổ mạnh vào các KCN của tỉnh. Để tiếp tục thu hút đầu tư ngày càng hiệu quả, tỉnh đang xây dựng và phát triển hệ thống giao thông đồng bộ, hiện đại. Trong đó, tập trung đầu tư các trục giao thông trọng điểm, huyết mạch. Các dự án mở rộng đường ĐT743, cao tốc TP.Hồ Chí Minh - Thủ Dầu Một - Chơn Thành khi hoàn thành sẽ giúp kết nối và “chia lửa” tuyến quốc lộ 13 qua Bình Dương, tạo sức bật cho phát triển kinh tế, đáp ứng hai mục tiêu lớn là giải tỏa áp lực giao thông trên tuyến và phát triển đô thị của tỉnh. (Còn tiếp)
Giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045, Bình Dương đã đưa ra quan điểm ưu tiên đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng giao thông theo hướng đô thị hóa, xây dựng thành phố thông minh, tạo tiền đề, làm động lực phát triển KT-XH nhanh, bền vững. Tập trung đầu tư các dự án giao thông trọng điểm, huyết mạch, có tác động lan tỏa, tạo động lực, đặc biệt là các tuyến đường kết nối vùng. Phát triển hạ tầng giao thông gắn kết với phát triển đô thị và huy động các nguồn lực đầu tư theo hướng xã hội hóa, vốn đầu tư từ ngân sách sẽ ưu tiên đầu tư những dự án giao thông trọng điểm, các công trình thiết yếu, quan trọng.