Khơi thông nguồn lực

Những năm qua, Hà Nội đã khẳng định được vai trò là trung tâm hàng đầu về khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo của cả nước. Trong giai đoạn 2010-2020, Hà Nội đã chú trọng phát triển thị trường khoa học và công nghệ, thông qua việc chủ động hỗ trợ, tư vấn, hướng dẫn thành lập doanh nghiệp khoa học, công nghệ; hằng năm tổ chức Chợ công nghệ và thiết bị (Techmart) Hà Nội... Những hoạt động này đã giúp hình thành thị trường mua, bán sản phẩm công nghệ, từ đó thúc đẩy các hoạt động sáng chế khoa học, công nghệ, đưa các ứng dụng khoa học, công nghệ vào sản xuất, kinh doanh, từ đó nâng cao năng suất lao động, chất lượng sản phẩm, phục vụ cuộc sống của người dân Thủ đô tốt hơn.

Song, là địa bàn có số lượng các cơ quan nghiên cứu, trường đại học lớn nhất nước, thị trường khoa học và công nghệ của Thủ đô vẫn phát triển chưa tương xứng với tiềm năng. Các hội chợ khoa học, công nghệ còn nghèo nàn về hình thức, sản phẩm; năng lực hấp thụ, tiếp thu, làm chủ công nghệ tại các doanh nghiệp của Hà Nội thấp; mối liên kết giữa các viện nghiên cứu, trường đại học với các doanh nghiệp còn lỏng lẻo...

Trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn ra mạnh mẽ, việc lấp đầy những khuyết thiếu của thị trường khoa học và công nghệ là đòi hỏi tất yếu. Theo đó, cơ quan quản lý nhà nước cần tiếp tục hoàn thiện môi trường pháp lý cho phát triển thị trường khoa học và công nghệ tại Thủ đô. Đồng thời triển khai các chính sách ưu đãi về thuế, tín dụng; hỗ trợ hoạt động nghiên cứu, thương mại hóa kết quả khoa học, công nghệ; khuyến khích các viện nghiên cứu, trường đại học, doanh nghiệp thành lập quỹ phát triển khoa học, công nghệ, đẩy mạnh ứng dụng, đổi mới công nghệ...

Ngoài ra, cơ quan quản lý nhà nước về khoa học, công nghệ của thành phố cần tăng cường phối hợp, tranh thủ tối đa sự hỗ trợ của Bộ Khoa học và Công nghệ để xây dựng, hoàn thiện cơ sở dữ liệu về khoa học, công nghệ của Hà Nội; đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến sản phẩm khoa học, công nghệ; xã hội hóa các sự kiện thúc đẩy kết nối cung - cầu công nghệ; khuyến khích phát triển các dịch vụ tư vấn, thẩm định, đánh giá công nghệ… Cùng với đó, thường kỳ công bố danh mục sản phẩm công nghệ đã được đăng ký sở hữu trí tuệ nhằm cung cấp thông tin cho doanh nghiệp, người dân có nhu cầu.

Khoa học, công nghệ là yếu tố quan trọng hàng đầu giúp doanh nghiệp nâng tính cạnh tranh. Do đó, cộng đồng doanh nghiệp cần tăng cường đầu tư cho nghiên cứu và phát triển; chủ động “bắt tay” với các cơ quan nghiên cứu để cùng bám sát nhu cầu thị trường, tạo ra các sản phẩm có hàm lượng công nghệ cao. Các cơ quan nghiên cứu cũng cần phát triển nguồn nhân lực để tiếp nhận những thành tựu công nghệ của thế giới ứng dụng tại nước ta, đồng thời nghiên cứu, sáng tạo những sản phẩm phù hợp yêu cầu đang đặt ra.

Là một yếu tố góp phần chủ đạo gắn kết, kích đẩy thị trường khoa học và công nghệ phát triển, các tổ chức trung gian, môi giới, các sàn giao dịch cũng cần phát triển chuyên nghiệp hơn nữa. Các đơn vị này phải là đầu mối thông tin, có đội ngũ chuyên gia giỏi, đủ khả năng tư vấn, kết nối chặt chẽ cung - cầu. Các trường đại học, viện nghiên cứu, cộng đồng doanh nghiệp... cần thường xuyên đề xuất, phối hợp tổ chức nhiều hơn nữa các hội chợ khoa học, công nghệ để thị trường thêm sôi động.

Thực hiện đồng bộ các giải pháp, chắc chắn sẽ khơi thông được tối đa các nguồn lực, giúp thị trường khoa học và công nghệ tại Hà Nội phát triển tương xứng với tiềm năng, lợi thế; tạo đà bứt phá, sớm đưa Thủ đô trở thành trung tâm khoa học, công nghệ dẫn đầu cả nước.

Thiện Mỹ

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/luan-ban-hanh-dong/986979/khoi-thong-nguon-luc