Khơi thông nguồn lực để bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa

Theo PGS.TS Bùi Hoài Sơn, nếu biết cách khơi thông nguồn lực, chắc chắn chúng ta sẽ có thêm nguồn lực cho nhiệm vụ bảo vệ và phát huy giá trị di sản, cũng là cho sự phát triển bền vững đất nước.

Lễ hội Thiết kế sáng tạo năm 2023 với chủ đề “Dòng chảy” đang diễn ra tại Hà Nội với nhiều hoạt động hấp dẫn, mới mẻ, độc đáo đã gây ấn tượng mạnh đối với du khách trong và ngoài nước. Những di sản tưởng chừng bị lãng quên đã thực sự bừng tỉnh và tỏa sáng khi được thiết kế, sáng tạo xuất sắc.

Theo PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, việc nhiều di sản văn hóa được thổi hồn, có sức sống mới, tạo sự quan tâm của nhân dân và du khách cho chúng ta thêm tự tin về việc phát huy giá trị di sản văn hóa, đóng góp nhiều hơn cho sự phát triển bền vững đất nước.

PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội

PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội

PV: Theo đánh giá cá nhân ông, sự quan tâm với di sản hiện nay, nhất là sau Hội nghị Văn hóa toàn quốc có sự thay đổi như thế nào?

PGS.TS Bùi Hoài Sơn: Tôi nhận thấy rằng, kể từ sau Hội nghị văn hóa toàn quốc năm 2021, văn hóa nói chung, di sản văn hóa nói riêng nhận được sự quan tâm đặc biệt của toàn xã hội. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh: văn hóa là hồn cốt của dân tộc, nói lên bản sắc của dân tộc. Văn hóa còn thì dân tộc còn. Tôi nghĩ, chính di sản văn hóa là yếu tố cơ bản hình thành nên bản sắc văn hóa, giúp chúng ta có được sự tự tin và bản lĩnh để khẳng định những giá trị của dân tộc mình trong quá trình hội nhập quốc tế.

Vì tầm quan trọng như thế nên việc chúng ta quan tâm bảo tồn và phát huy giá trị di sản cũng là cách chúng ta hình thành sức mạnh tổng hợp của đất nước, bảo vệ chủ quyền văn hóa của quốc gia. Ở quy mô quốc gia, nhận thức về di sản đã được chuyển biến thành quyết tâm sửa Luật Di sản văn hóa đang được Chính phủ dự thảo, hay Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa, ở đó, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa là một cấu phần chính.

Nhiều hội thảo, hội nghị, tập huấn cũng đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, cũng như các địa phương triển khai trở thành cơ sở triển khai các quan điểm, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước về di sản văn hóa. Ở quy mô địa phương, chúng ta rất vui mừng khi nhận thấy những nỗ lực bảo tồn và phát huy giá trị di sản đã có những thành tựu đáng ghi nhận.

Tour đêm “Giải mã Hoàng Thành Thăng Long”

Tour đêm “Giải mã Hoàng Thành Thăng Long”

Bắt đầu từ cuối tháng 10, Trung tâm Hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám (Hà Nội) tổ chức tour đêm Văn Miếu - Quốc Tử Giám với tên gọi “Tinh hoa Đạo học”.

Bắt đầu từ cuối tháng 10, Trung tâm Hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám (Hà Nội) tổ chức tour đêm Văn Miếu - Quốc Tử Giám với tên gọi “Tinh hoa Đạo học”.

Hà Nội có thể xem là ví dụ tiêu biểu nhất khi mảnh đất nhiều di sản này đã đầu tư hơn 14.000 tỷ đồng cho phát triển văn hóa, trong đó chủ yếu cho nhiệm vụ liên quan đến di sản văn hóa. Nhiều di sản văn hóa được thổi hồn, có sức sống mới, tạo sự quan tâm của nhân dân và du khách như Hỏa Lò với Đêm thiêng Liêng, tour đêm “Giải mã Hoàng Thành Thăng Long”, Văn Miếu - Quốc Tử Giám với Tinh hoa Đạo học, hay gần đây là cách thức làm mới những di sản công nghiệp như Nhà máy xe lửa Gia Lâm hay Tháp nước Hàng Đậu… Tất cả cho chúng ta thêm tự tin về việc phát huy giá trị di sản văn hóa, đóng góp nhiều hơn cho sự phát triển bền vững đất nước.

PV: Việc tái tạo các không gian di sản như tháp nước Hàng Đậu, nhà máy xe lửa Gia Lâm… thành những tổ hợp sáng tạo, thẩm mỹ thu hút sự quan tâm của công chúng, có ý nghĩa quan trọng ra sao, thưa ông?

PGS.TS Bùi Hoài Sơn: Việc tái tạo các không gian di sản như Tháp nước Hàng Đậu và Nhà máy xe lửa Gia Lâm có có ý nghĩa rất lớn trong việc tạo thêm sự quan tâm đến di sản văn hóa nói chung, di sản công nghiệp nói riêng. Rõ ràng, chúng ta đang thấy có một mâu thuẫn giữa bảo tồn và phát triển trong xã hội đương đại. Dù chúng ta đã có nhiều nỗ lực, nhưng ơi nơi này, nơi kia, lúc này, lúc khác, chúng ta vẫn thấy có những vụ việc di sản văn hóa bị xâm phạm, bị làm sai lệch giá trị hoặc giữ gìn một cách máy móc, thái quá khiến cho việc phát huy giá trị gặp nhiều khó khăn. Vì thế, những ví dụ này để mình chứng tầm quan trọng và giá trị của di sản trong phát triển không chỉ văn hóa, mà còn cả kinh tế - xã hội sẽ giúp chúng ta có thêm quyết tâm trong việc bảo vệ và phát huy giá trị của các di sản khác.

Thêm vào đó, di sản đô thị, di sản công nghiệp là những khái niệm mới, chưa có trong Luật Di sản văn hóa, và là một khoảng trống mà chúng ta cần có giải pháp phù hợp trong giai đoạn mới. Tôi cho rằng, đô thị nào cũng có quá khứ và cần phải lưu giữ để vừa kể về lịch sử của mình để tạo dựng bản sắc và tinh thần đoàn kết, gắn kết với đô thị, vừa tạo thành những sản phẩm văn hóa, tinh thần để phát triển du lịch, lan tỏa sáng phát triển kinh tế - xã hội từ chính sự hấp dẫn trong lịch sử của chính đô thị.

Quá trình đô thị hóa đang gây ra rất nhiều hệ lụy, không chỉ là quá tải về hạ tầng đô thị với nạn tắc đường, ô nhiễm… mà còn cả tình trạng lãng quên nguồn gốc của chính mình bởi sự mọc lên như nấm của các khu chung cư, siêu thị. Nhiều người dân đô thị đã rất luyến tiếc quá khứ thân quen, gần gũi này. Chúng ta rất cần lưu giữ, dù không phải tất cả, nhưng ít ra cũng là những mảnh vỡ của quá khứ để thế hệ hiện tại (và cả tương lai) có thể hình dung về lịch sử của đô thị.

Những ví dụ khôi phục không gian của Tháp nước Hàng Đậu và Nhà máy xe lửa Gia Lâm giúp chúng ta hiện thực hóa giấc mơ kể lại câu chuyện quá khứ đó, đồng thời biến giấc mơ này trở nên sống động, hấp dẫn hơn, đồng thời có tác động tích cực đến sự phát triển kinh tế - xã hội và cuộc sống hạnh phúc, đáng sống ở đô thị. Ví dụ này sẽ truyền cảm hứng cho các đô thị khác gìn giữ những di sản công nghiệp của mình, góp phần đưa đi sản trở thành một trong những trọng tâm trong quy hoạch, phát triển các đô thị hiện tại cũng như trong tương lai.

Những di sản tưởng chừng bị lãng quên đã thực sự bừng tỉnh và tỏa sáng khi được thiết kế, sáng tạo xuất sắc.

Những di sản tưởng chừng bị lãng quên đã thực sự bừng tỉnh và tỏa sáng khi được thiết kế, sáng tạo xuất sắc.

PV: Các di sản công nghiệp được chuyển đổi mục đích sử dụng thành không gian sáng tạo, điểm du lịch hay các trung tâm nghệ thuật giải trí hấp dẫn đã được nhiều quốc gia thực hiện, tuy nhiên khái niệm “di sản công nghiệp” ở nước ta vẫn còn khá mới?

PGS.TS Bùi Hoài Sơn: Đúng như vậy, dù khái niệm di sản công nghiệp không mới trên thế giới, thậm chí UNESCO đã có những văn bản hướng dẫn cho loại hình di sản đặc biệt này nhưng ở ta, vì nhiều lý do khác nhau, trong đó có cả quy định về pháp luật, di sản công nghiệp chưa được chú ý đầy đủ. Chính khoảng trống về nhận thức về nhận thức và pháp lý này khiến việc bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa công nghiệp gặp rất nhiều khó khăn.

Chúng ta chứng kiến nhiều di sản công nghiệp từng là biểu tượng của nhiều đô thị đã bị phá bỏ, biến mất, trở thành nỗi luyến tiếc của rất nhiều người, làm mất bản sắc đô thị. Chúng ta không thể chậm trễ hơn nữa trong việc bảo vệ các di sản này, và những ví dụ như Tháp nước Hàng Đậu và Nhà máy xe lửa Gia Lâm cùng với việc sửa Luật Di sản văn hóa sẽ đem đến những cơ hội mới để chúng ta làm tốt hơn việc này.

PV: Mặc dù đã có nhiều chính sách ưu đãi cho các tổ chức, cá nhân đầu tư bảo tồn và phát huy di sản nhưng huy động nguồn lực xã hội hóa vẫn khó khăn. Theo ông cần hoàn thiện cơ chế, chính sách như thế nào?

PGS.TS Bùi Hoài Sơn: Chúng ta đã rất quan tâm đến bảo vệ và phát huy giá trị di sản, và mong muốn thu hút nguồn lực xã hội cho nhiệm vụ quan trọng này, tuy nhiên, so với kỳ vọng, việc huy động nguồn lực xã hội cho di sản văn hóa còn gặp nhiều khó khăn, trong đó có liên quan đến di sản công nghiệp.

Đầu tiên vẫn là một nhận thức đúng đắn, đầy đủ về việc đầu tư bảo vệ cho di sản là đầu tư cho phát triển, có tác động lan tỏa cho sự phát kinh tế - xã hội chung của đất nước. Bên cạnh đó, tôi nghĩ điều quan trọng hơn là từ quan điểm đúng đắn, chúng ta cần có cơ chế, chính sách hỗ trợ cho quan điểm này. Điều đó có nghĩa là, bên cạnh Luật Di sản văn hóa, việc huy động nguồn lực xã hội cần có sự hỗ trợ của các hành lang pháp lý như luật thuế, luật đất đại, đối tác công tư, quản lý, sử dụng tài sản công. Chúng ta phải làm cho các doanh nghiệp, cá nhân quan tầm đầu tư cho di sản thấy được lợi ích thực sự của họ, cả lợi ích vật chất và tinh thần, thì mới huy động nguồn lực một cách bền vững được.

Những ví dụ gần đây của sự phối hợp giữa Nhà nước và tư nhân ở Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam hay Văn Miếu - Quốc Tử Giám cho chúng ta niềm tin rằng, nguồn lực xã hội rất lớn. Không những thế, nguồn lực đó còn đến từ tình yêu dành cho văn hóa, đi sản của đất nước, vì thế, nếu biết cách khơi thông nguồn lực, chắc chắn chúng ta sẽ có thêm nguồn lực cho nhiệm vụ bảo vệ và phát huy giá trị di sản, cũng là cho sự phát triển bền vững đất nước.

PV: Xin cảm ơn ông!.

Hà Phương/VOV.VN

Nguồn VOV: https://vov.vn/van-hoa/di-san/khoi-thong-nguon-luc-de-bao-ton-va-phat-huy-gia-tri-cac-di-san-van-hoa-post1060758.vov