Khơi thông nguồn lực, tạo đà phát triển TPHCM xứng tầm
Tại kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XV, các đại biểu sẽ cho ý kiến về dự thảo nghị quyết thay thế Nghị quyết 54 của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM. Phóng viên Báo SGGP có cuộc trao đổi với PGS-TS, đại biểu Quốc hội Trần Hoàng Ngân về những điểm vượt trội của dự thảo nghị quyết này.
Phát huy tối đa tiềm năng
Dự thảo nghị quyết thay thế Nghị quyết 54 nhằm giải quyết vấn đề căn cốt gì đối với thành phố, thưa ông?
* PGS-TS TRẦN HOÀNG NGÂN: TPHCM luôn giữ vị trí đầu tàu, động lực quan trọng của cả nước mà sự năng động, sáng tạo được xem như đặc sản. TPHCM cũng là đô thị đặc biệt, có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển sánh ngang với các thành phố lớn trên thế giới.
Điều này đòi hỏi phải có một thể chế phù hợp, tương thích với tính đặc biệt của đô thị thành phố. Các nội dung trong dự thảo nghị quyết thay thế Nghị quyết 54 hướng đến yêu cầu đó, để thành phố phát huy hết các tiềm năng, lợi thế và đạt được mục tiêu của Nghị quyết 31-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển thành phố đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2040.
Dự thảo nghị quyết có các cơ chế, chính sách tạo động lực để TPHCM phát huy vai trò đầu tàu, dẫn dắt phát triển kinh tế với cả nước. Các cơ chế, chính sách đó cũng giúp thành phố có điều kiện đóng góp nhiều hơn cho cả nước, trên tinh thần cả nước vì thành phố, thành phố vì cả nước.
Nhưng 5 năm qua, TPHCM đã thực hiện thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù, vì sao cần tiếp tục xây dựng cơ chế, chính sách vượt trội nữa?
* TPHCM có hơn 5 năm thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù theo Nghị quyết 54 của Quốc hội và đã đạt được một số kết quả tích cực. Song quá trình thực hiện còn gặp một số khó khăn, có nhiều nội dung chưa đạt hiệu quả cao.
Trong khi đó, Nghị quyết 31 đặt mục tiêu phát triển TPHCM ở vị trí mới, tầm cao mới; đặt thành phố so sánh với các thành phố lớn trong khu vực và trên thế giới. Cạnh đó, khi đặt yêu cầu kinh tế số đóng góp 40% vào GRDP của TPHCM cũng cần thể chế phù hợp. Để thực hiện được mục tiêu đó phải có thể chế vượt trội tương thích và phù hợp cho thành phố. Trên cơ sở tổng kết những kết quả thực hiện Nghị quyết 54 cho thấy rất cần bổ sung, sửa đổi, sớm ban hành chính sách pháp luật vượt trội, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho TPHCM khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh cũng như huy động được mọi nguồn lực, đáp ứng được yêu cầu phát triển nhanh và bền vững.
Đâu là những điểm mới, vượt trội trong dự thảo nghị quyết thay thế Nghị quyết 54?
* Điểm nổi bật trong dự thảo nghị quyết là có những quy định vượt trội, tạo điều kiện thuận lợi để TPHCM phát huy được hiệu quả tiềm năng và thế mạnh của mình. Dự thảo mới có 12 điều với 7 nhóm cơ chế, chính sách có những vấn đề mới đột phá. Chẳng hạn thí điểm mô hình phát triển đô thị theo định hướng phát triển giao thông (TOD) rất phù hợp với quy hoạch phát triển mạng lưới giao thông đô thị hay sự ưu đãi đối với những ngành nghề ưu tiên thu hút đầu tư, ngành mũi nhọn, đột phá.
Nâng chất lượng cuộc sống người dân
Lâu nay thành phố gặp nhiều khó khăn trong việc cân đối vốn đáp ứng nhu cầu phát triển. Liệu các cơ chế, chính sách mới tháo gỡ được vấn đề này?
* Dự thảo cho phép TPHCM đầu tư theo hình thức hợp tác công tư trong lĩnh vực văn hóa, thể thao; được áp dụng hợp đồng BOT ở các dự án nâng cấp, mở rộng đường bộ hiện hữu; thực hiện dự án theo hợp đồng BT. Một nội dung quan trọng khác là đề xuất cơ chế chính sách tăng vốn điều lệ cho Công ty Đầu tư Tài chính Nhà nước TPHCM (HFIC), giúp thành phố tập trung được nguồn lực đầu tư các công trình, dự án trọng điểm hoặc hỗ trợ vốn cho việc xây dựng trường học, bệnh viện.
Các giải pháp đó không phải xin thêm tiền mà là cơ chế đột phá tạo điều kiện để thành phố huy động được các nguồn lực nhằm chỉnh trang đô thị, hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.
* TPHCM có tính đặc biệt về quy mô dân số, về số vụ việc, hồ sơ hành chính, thủ tục phải giải quyết hàng ngày. Để phục vụ người dân, doanh nghiệp, đòi hỏi phải có một bộ máy tổ chức, cán bộ tương thích. Vì vậy, thành phố rất cần được đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền trong nhiều lĩnh vực về đầu tư, tài chính, ngân sách, quản lý đô thị, tài nguyên - môi trường, văn hóa - xã hội, tổ chức bộ máy… Tương tự, TP Thủ Đức là đô thị trong đô thị cũng phải có cơ chế đặc thù tạo điều kiện để chủ động trong quản lý, điều hành, hỗ trợ tốt nhất cho người dân và doanh nghiệp.
Điểm nhấn trong dự thảo là đề xuất đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền tối đa cho thành phố để chủ động giải quyết nhanh những đòi hỏi của thực tiễn, đáp ứng yêu cầu phát triển. TPHCM sẽ có cơ hội thu hút các nhà đầu tư chiến lược phát triển những ngành mang tính mũi nhọn, đột phá như ngành công nghệ cao, công nghệ thông tin, công nghệ vi mạch…
Cơ chế chính sách vượt trội theo dự thảo nếu khác với quy định hiện hành thì căn cứ nào đảm bảo sẽ được thực thi sau khi dự thảo được thông qua?
* Nghị quyết 31 nhấn mạnh phải ban hành chính sách pháp luật vượt trội, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, phát huy tính năng động, sáng tạo vì lợi ích chung của cán bộ thành phố, đáp ứng yêu cầu phát triển trong giai đoạn mới. Các nội dung dự thảo nghị quyết thay thế Nghị quyết 54 được xây dựng trên cơ sở định hướng cụ thể của Nghị quyết 31. Quá trình soạn thảo dự thảo nghị quyết cũng nhận được sự đồng tình, ủng hộ và hỗ trợ của các bộ ngành liên quan.
Dự thảo có nêu, trường hợp các quy định khác nhau về cùng một vấn đề giữa nghị quyết với luật, nghị quyết khác của Quốc hội thì áp dụng nghị quyết này. Điều đó giúp đảm bảo giá trị pháp lý của nghị quyết khi được thông qua. Cùng với việc soạn thảo dự thảo nghị quyết, Chính phủ và TPHCM cũng đã phối hợp chuẩn bị dự thảo nghị định cụ thể hóa nghị quyết mới để đảm bảo khi được thông qua sẽ được triển khai trong thời gian sớm nhất.
Một trong những nhiệm vụ trọng tâm được xác định là khâu đột phá cho TPHCM trong thời gian tới là phát triển khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo và thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, nhất là chuyên gia, nhà khoa học, kỹ sư có trình độ và tay nghề cao. Điều đó đòi hỏi phải có chính sách đủ mạnh, cơ chế khuyến khích, ưu đãi đủ hấp dẫn. Các cơ chế, chính sách trong dự thảo sẽ thúc đẩy sự ra đời của các tổ chức khoa học - công nghệ, tổ chức trung gian hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong các lĩnh vực ưu tiên của thành phố. Đây sẽ là nguồn lực quan trọng để phát triển các giải pháp đổi mới sáng tạo trong tương lai phục vụ cho các chương trình lớn của thành phố
PGS-TS TRẦN HOÀNG NGÂN