Khơi thông nguồn lực từ đất đai vẫn gặp khó

Đà Nẵng đang quản lý quỹ đất công lớn nhưng việc khai thác, tạo thành động lực phát triển, nhất là trong năm thực hiện chủ đề khơi thông các nguồn lực phát triển 2023 này còn chậm, chưa phát huy hiệu quả. Đây cũng là nội dung được đề cập nhiều trong cuộc họp thường kỳ ngày 26-4 của Hội đồng nhân dân TP Đà Nẵng.Đà Nẵng đang quản lý quỹ đất công lớn nhưng việc khai thác, tạo thành động lực phát triển, nhất là trong năm thực hiện chủ đề khơi thông các nguồn lực phát triển 2023 này còn chậm, chưa phát huy hiệu quả. Đây cũng là nội dung được đề cập nhiều trong cuộc họp thường kỳ ngày 26-4 của Hội đồng nhân dân TP Đà Nẵng.

Chủ tịch HĐND TP Lương Nguyễn Minh Triết phát biểu kết luận cuộc họp.

Chủ tịch HĐND TP Lương Nguyễn Minh Triết phát biểu kết luận cuộc họp.

Đấu giá đất chậm

Ông Nguyễn Hà Nam, Chánh văn phòng UBND TP Đà Nẵng cho biết, qua rà soát 359 dự án thì tới 271 dự án có khu đất lớn với tổng cộng 1.347 khu, tổng diện tích 7.780.909m2. Trong số này, Trung tâm Phát triển quỹ đất TP hiện đang quản lý 344 khu. Đối với quỹ đất phân lô, qua rà soát 317 dự án có tổng số 131.438 lô quy hoạch, đã bố trí tái định cư 110.520 lô, chưa bố trí 20.918 lô (chưa có đất thực tế 6.604 lô, đã có đất thực tế 14.314 lô). Như vậy, hiện TP còn dư 14.314 lô đất tái định cư, trong đó 2.425 lô hai mặt tiền, 480 lô đất ngã ba đâm, hình dạng không cân đối.

Việc triển khai đấu giá đất công để khai thác nguồn lực đất đai còn chậm (Trong ảnh: Khu đất lớn chờ đấu giá tại quận Sơn Trà).

Việc triển khai đấu giá đất công để khai thác nguồn lực đất đai còn chậm (Trong ảnh: Khu đất lớn chờ đấu giá tại quận Sơn Trà).

Để khai thác, sử dụng quỹ đất công, tạo động lực phát triển, thời gian qua TP đã triển khai đấu giá quyền sử dụng đất các khu đất lớn. Một mặt TP vừa có nguồn thu từ đất, mặt khác có các dự án sản xuất, kinh doanh đưa đất đai vào khai thác, tránh lãng phí. Tuy nhiên, việc đấu giá đất công khá chậm, chưa thực sự phát huy hiệu quả, tạo thành động lực phát triển.

Cụ thể, năm 2022 TP phê duyệt danh mục đấu giá 31 khu đất lớn và 200 lô đất ở chia lô. Trong đó, 7 khu đất lớn và 10 lô đất ở chia lô đã được phê duyệt giá khởi điểm thì đấu giá thành công 7 khu đất lớn, 5 lô đất ở chia lô, tổng số tiền thu về 258 tỷ đồng. Với các khu đất lớn còn lại, hiện 4 khu đang tổ chức xác định giá khởi điểm, 1 khu đang trình phê duyệt chấp thuận chủ trương đầu tư, 4 khu đang trình phương án đấu giá quyền sử dụng đất. Đặc biệt, có 14 khu đất lớn đang vướng các thủ tục khác nhau. Cụ thể, 2 dự án động lực trọng điểm (dự án Không gian sáng tạo và dự án Tổ hợp thể thao giải trí thương mại Hòa Xuân đang lập quy hoạch chi tiết 1/500), 1 dự án chưa hoàn hành công tác giải phóng mặt bằng (Chợ đầu mối Hòa Phước), 10 khu đang lập bản vẽ tổng mặt bằng và các thông tin phục vụ đấu giá quyền sử dụng đất, 2 khu đất đang vướng thủ tục lập quy hoạch chi tiết.

Trong năm 2023, Đà Nẵng sẽ tổ chức đấu giá 26 khu đất lớn, 190 lô đất ở chia lô đã thông qua danh mục đấu giá quyền sử dụng đất của năm trước chuyển qua. Trong đó, 25 khu đất lớn dự kiến tổng số tiền thu hơn 3.238 tỷ đồng; 190 lô đất ở chia lô dự kiến thu hơn 569 tỷ đồng. Ngoài ra, TP đã thống nhất danh mục 3 khu đất lớn mới sẽ đấu giá quyền sử dụng đất năm nay. Cụ thể gồm Khu trung tâm thương mại quận Ngũ Hành Sơn tại khu đất ký hiệu A2-1 thuộc khu dân cư Tuyên Sơn, phường Khuê Mỹ, quận Ngũ Hành Sơn; Khu thương mại dịch vụ thuộc khu số 7 - Trung tâm đô thị mới Tây Bắc (giai đoạn 2), phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu; Khu Trung tâm thương mại tại khu đất ký hiệu A12 thuộc khu TĐC số 6 vệt khai thác quỹ đất dọc tuyến ĐT 602, xã Hòa Sơn, huyện Hòa Vang.

Khai thác quỹ đất chưa hiệu quả

Bên cạnh việc đấu giá, Đà Nẵng cũng triển khai đề án quản lý, khai thác quỹ đất công hiện có để phát huy hiệu quả nguồn lực đất đai. Cụ thể, với các khu đất đang quản lý chưa sử dụng, TP cho đấu giá thuê mặt bằng kinh doanh tạm (có thời hạn) để vừa tránh lãng phí đất, vừa không để nhếnh nhác, ô nhiễm, mất mỹ quan đô thị. Tuy vậy, hiện mới chỉ có 3 khu đất đang triển khai thí điểm theo đề án này.

Chưa có phương án khai thác gần 15 ngàn lô đất tái địch cư còn dư hiệu quả.

Chưa có phương án khai thác gần 15 ngàn lô đất tái địch cư còn dư hiệu quả.

Đặc biệt, với quỹ đất tái định cư gần 15 ngàn lô còn dư, TP đã triển khai các giải pháp hợp thửa để đấu giá, kêu gọi đầu tư thương mại dịch vụ hoặc đấu giá trực tiếp các lô đất ở cho người dân để thu ngân sách. Tuy nhiên, kết quả cũng chưa nhiều chuyển biến.

Bà Phan Thị Tuyết Nhung, Trưởng Ban Kinh tế- Ngân sách, HĐND TP nói: Mấy năm gần đây cứ báo cáo còn 14-15 ngàn lô đất tái định cư như vậy, nhưng gần như không có phương án sử dụng hiệu quả. Nếu đem ra đấu giá, mỗi năm cũng chỉ được khoảng 300 lô nhưng cũng không có kết quả. Cứ loay hoay sẽ không có câu chuyện giải quyết, do đó TP cần phương án khác. Có thể bố trí tái định cư, các quận huyện cần phối hợp xây dựng phương án đưa hộ tái định cư về khu vực thừa đất. Ví dụ Ngũ Hành Sơn hay Sơn Trà cũng có thể về Cẩm Lệ để nhận đất tái định cư.

Cũng theo bà Nhung, với đề án đấu giá cho thuê các khu đất này sử dụng tạm theo đề án đã được HĐND thông qua đến giờ triển khai cũng không hiệu quả. Hiện cũng chưa có hộ gia đình kinh doanh nào tiếp cận vì phải đưa ra đấu giá quyền cho thuê. Bà Nhung đặt câu hỏi: Việc khai thác quỹ đất rất thuận lợi để đưa vào sử dụng hiệu quả nhưng chưa làm được thì không biết hàng loạt các nhà công sản để trống trên địa bàn TP sắp tới sẽ triển khai thế nào?

Chủ tịch UBND TP Lê Trung Chinh cho biết đã rà soát tất cả nhà công sản trên địa bàn.

Chủ tịch UBND TP Lê Trung Chinh cho biết đã rà soát tất cả nhà công sản trên địa bàn.

Chủ tịch UBND TP Lê Trung Chinh cho biết, hiện TP đang rà soát tất cả nhà công sản để xử lý. Cái nào thuộc thẩm quyền của TP sẽ bố trí sử dụng tùy vào mục đích, còn nếu thuộc cơ quan T.Ư thì báo cáo. Hiện số liệu đã có đầy đủ. Cũng theo ông Chinh, việc đấu giá đất để khơi thông nguồn lực phát triển, hiện nhiều dự án còn vướng mắc chưa thể tháo gỡ. Tuy nhiên, vướng mắc vượt thẩm quyền đã đề xuất T.Ư, riêng TP đang tập trung thực hiện tính giá đất cho các dự án cụ thể, cả cũ và mới. Trong đó, 18 dự án cũ, nếu T.Ư thông qua thì TP có sẵn giá đất áp vào để tháo gỡ cho dự án đó. Kể cả giá đất cho một số dự án mới sẽ đem ra đấu giá, TP cũng đang tập trung đẩy nhanh tiến độ.

Chủ tịch HĐND TP Lương Nguyễn Minh Triết cho biết, dù đề án quản lý khai thác quỹ đất công đã ban hành nhưng hiện nay qua kiểm tra nhiều người không biết và hiện trạng nhiều lô đất không được đưa vào đề án để thực hiện. Ông Triết yêu cầu phải cập nhật thông tin 26 lô đất lớn, 1.981 lô đất phân lô; tiến hành rà soát, kiểm kê, đo vẽ lại các khu đất chưa xác định mốc giới; tăng cường phối hợp với địa phương về công tác quản lý đất công và đề nghị xử lý nghiêm đối với các trường hợp cố tình lấn chiếm, sử dụng, khai thác trái phép. Đối với việc đấu giá cho thuê có thời hạn đối với các khu đất đã có mặt bằng, ông Triết yêu cầu cần sớm rà soát, đánh giá đối với các mặt bằng đã đấu giá cho thuê thí điểm và tiến hành đấu giá đồng bộ đối với các khu đất còn lại; tránh để mặt bằng trống lãng phí dẫn đến tình trạng xây dựng lấn chiếm hoặc tập kết rác thải, gây ô nhiễm môi trường và mất mỹ quan đô thị.

HẢI QUỲNH

Nguồn CAĐN: https://cadn.com.vn/khoi-thong-nguon-luc-tu-dat-dai-van-gap-kho-post276842.html