Khơi thông thị trường trong nước - Bài 1: 'Nút thắt' của tiêu dùng nội địa
Trong bối cảnh kinh tế gặp nhiều thách thức, các gia đình Việt Nam buộc phải thắt chặt chi tiêu, khiến sức mua nội địa suy giảm rõ rệt. Trước thực tế này, Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ đạo khẩn trương triển khai các giải pháp kích cầu tiêu dùng, nhằm khơi thông dòng chảy tiêu dùng, phục hồi và phát triển thị trường trong nước.
Người tiêu dùng thắt chặt hầu bao
Đứng trước hàng dài túi nước giặt quần áo trong siêu thị, chị Thúy Nga (quận Long Biên, Hà Nội) đắn đo xem giá loại nào phải chăng hơn. Sau một hồi cân nhắc, chị quyết định về nhà xem livestream "săn" hàng giá rẻ, thấp hơn 30.000 đồng so với hàng trong siêu thị.
"Giờ chi tiêu phải tính toán lắm, cái gì cắt giảm được là cắt ngay. Thu nhập hai vợ chồng thì vẫn thế trong khi giá các mặt hàng đều tăng lên, chưa kể chi phí học hành của con cũng tốn kém lắm!", chị Nga chia sẻ.
Tương tự, chị Mỹ Hạnh (Khu tập thể Trung Tự, Hà Nội) chia sẻ, chị thường xuyên canh giờ giảm giá để mua các nhu yếu phẩm như dầu ăn, sữa, thịt, cá… "Các siêu thị đều có chương trình giảm giá, nhưng mình phải mất thời gian để "canh" giờ giảm giá. Thời buổi khó khăn nên mình đành chịu khó thôi", chị Hạnh nói.
Theo đại diện MM Mega Market, trong 9 tháng năm 2024, nhu cầu tiêu dùng tăng khoảng 5%-6% so với cùng kỳ năm trước. Dù lượng hóa đơn tăng 9% nhưng giá trị mỗi giỏ hàng vẫn duy trì ở mức tương tự.
Cụ thể, giỏ hàng trung bình của mỗi hộ gia đình vẫn giữ mức khoảng 800.000 đồng với các sản phẩm chủ yếu là nhu yếu phẩm. Tương tự, Saigon Co.op cũng cho biết, doanh số tăng nhờ các chương trình khuyến mãi hàng tuần.
Mỗi hóa đơn trung bình tại Co.opmart đạt từ 400.000-500.000 đồng, không thay đổi so với năm ngoái. Thay vì mua sắm đa dạng các mặt hàng như trước đây, khách hàng hiện tập trung vào các sản phẩm khuyến mãi lớn kèm quà tặng.
Đề cập đến sức mua trên thị trường bán lẻ, đại diện các siêu thị cũng thừa nhận, sức mua những tháng đầu năm 2024 khá chậm. Nhiều nhà phân phối bán lẻ hy vọng, trong những tháng cuối năm 2024, sức mua trên thị trường sẽ có chuyển biến tích cực.
Sức mua tăng chậm
Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho biết, sức mua hàng hóa bán lẻ trong nước liên tục tăng chậm lại từ năm 2021 đến nay. Nếu tính chung cả giai đoạn 2021 - 2023, tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tăng bình quân khoảng 7,2%.
Tính chung 11 tháng năm 2024, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 8,8% so với cùng kỳ năm trước. Nhu cầu tiêu dùng trong nước phục hồi nhưng chưa cao, chưa phục hồi về mức trước Covid-19.
Đặc biệt, mức tăng này thấp hơn khá nhiều so với mục tiêu của ngành đặt ra tại chiến lược phát triển thương mại trong nước giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn 2045 là 13% - 13,5%.
Bà Đinh Thị Thúy Phương, Vụ trưởng Vụ Thống kê thương mại và dịch vụ (Tổng cục Thống kê), cho rằng, nhu cầu tiêu dùng trong nước phục hồi chậm có nhiều nguyên nhân. Thứ nhất, sản xuất, kinh doanh còn nhiều khó khăn, tiềm ẩn nhiều rủi ro do phụ thuộc vào nhu cầu thế giới; thu nhập chưa tốt, người dân có xu hướng tiết kiệm nhiều hơn và hạn chế mua sắm những đồ dùng không cần thiết.
Thứ hai, hạ tầng chưa đồng bộ, hệ thống chợ đầu mối và logistics chưa đáp ứng nhu cầu phát triển; giá bất động sản tăng cao, chi phí thuê mặt bằng cao, dẫn đến chi phí thương mại cao và hạn chế khả năng cạnh tranh.
Nhiều gói kích cầu đã được đưa ra, song một số chính sách, quy định chưa thực sự hỗ trợ tối đa cho sự phát triển của ngành bán lẻ, các cơ sở bán lẻ quy mô nhỏ thiếu kiến thức quản lý và quản trị kinh doanh, nên khó cạnh tranh với doanh nghiệp lớn và chuỗi bán lẻ toàn cầu…
Thứ ba, cuộc đua giành thị phần giữa doanh nghiệp nội địa và nước ngoài rất gay gắt, khiến doanh nghiệp trong nước gặp khó trong việc duy trì, mở rộng thị phần. Giá thuê mặt bằng cao nên nhiều cửa hàng phải đóng cửa.
Xu hướng mua sắm trên sàn thương mại điện tử, mạng xã hội phổ biến và rất khó kiểm soát cũng là nguyên nhân dẫn đến sự sụt giảm tốc độ của thị trường bán lẻ.
Khảo sát về thị trường bán lẻ, NielsenIQ Việt Nam nhận định, người tiêu dùng đang tiết kiệm trong chi tiêu. Cụ thể, 68% người tiêu dùng Việt Nam kiểm tra giá cả hầu hết các sản phẩm trước khi mua, thậm chí so sánh 2 - 3 loại sản phẩm cùng lúc rồi mới quyết định mua. 69% người tiêu dùng mua sắm có kế hoạch bằng cách lập danh sách rõ ràng, thay vì mua sắm theo kiểu ngẫu hứng. Bởi vì mua sắm ngẫu hứng dễ mất kiểm soát trong chi tiêu.