Khơi thông thị trường vàng: Mấu chốt vẫn là sửa Nghị định 24

Đưa ra giải pháp khơi thông thị trường vàng trong dài hạn, TS Lê Xuân Nghĩa - thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia cho rằng, mấu chốt vẫn là sửa Nghị định 24/2012/NĐ-CP. Qua đó, bỏ độc quyền sản xuất vàng miếng và độc quyền sản xuất, xuất nhập khẩu vàng nguyên liệu của Nhà nước.

Theo TS Lê Xuân Nghĩa - thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia, ở Việt Nam cũng như trên thế giới, vàng không phải là nguyên nhân gây bất ổn kinh tế vĩ mô mà chính kinh tế vĩ mô bất ổn (lạm phát) đã gây biến động giá vàng. Vào những thời điểm bất ổn kinh tế vĩ mô, tâm lý chạy trốn vào vàng bùng nổ.

Vàng tăng giá liên tục kéo theo một lượng lớn thanh khoản của thị trường suy giảm, tín dụng giảm theo. Vòng quay của tiền dao động bất thường và trong chừng mực nhất định có thể có tác động từ thị trường vàng sang các phân khúc thị trường tài sản khác.

Cũng theo ông Nghĩa, giai đoạn 2009 - 2011, trong lúc lạm phát đang rất cao do khủng hoảng tài chính, GDP tăng trưởng rất thấp (4%), Việt Nam lại cho phép các ngân hàng thương mại được kinh doanh vàng, được nhận tiền gửi và cho vay vàng. Mục đích là huy động vàng trong dân để phát triển kinh tế (vốn hóa vàng).

TS Lê Xuân Nghĩa cho rằng, bất ổn kinh tế vĩ mô gây biến động giá vàng.

Chủ trương này đã thúc đẩy phần lớn các ngân hàng thương mại huy động vàng và kinh doanh vàng, thậm chí có ngân hàng tạo ra sàn giao dịch vàng kết nối với sàn vàng London. Sau 2 năm, 18 ngân hàng báo lỗ về hoạt động kinh doanh vàng.

Trong bối cảnh đó, Nghị định 24/2012/NĐ-CP ngày 3/4/2012 của Chính phủ về quản lý hoạt động kinh doanh vàng được ban hành đã chấm dứt cơ chế nhận tiền gửi và cho vay bằng vàng. Ngân hàng muốn kinh doanh vàng phải được cấp phép và thành lập công ty riêng.

Nghị định cũng quy định Nhà nước độc quyền sản xuất vàng miếng, độc quyền xuất khẩu và nhập khẩu vàng nguyên liệu. Đồng thời, đặt thị trường vàng trong khuôn khổ kiểm soát của Ngân hàng Nhà nước như là một loại hình kinh doanh có điều kiện, có cấp phép và có giám sát chặt chẽ. Ngoài ra, nhãn hiệu vàng SJC cũng được dùng làm nhãn hiệu độc quyền của Nhà nước.

Vấn đề không dừng lại ở đó, nợ xấu vàng gia tăng mạnh và đặc biệt là xu thế vàng hóa xuất hiện ngày càng nhiều. Giá vàng vì thế biến động mạnh, ảnh hưởng nghiêm trọng đến tâm lý của người dẫn và tâm lý lạm phát nói chung.

Muốn khơi thông thị trường vàng, theo ông Nghĩa, cần có giải pháp điều tiết bằng thuế và quản lý xuất nhập khẩu, mua bán công khai, minh bạch theo nguyên tắc thị trường. Việc tổ chức đấu thầu vàng trước đó của Ngân hàng Nhà nước cùng với việc vẫn giữ nguyên Nghị định 24/2012/NĐ-CP không phải là biện pháp dài hạn, hiệu quả cân bằng giá rất thấp.

“Tình trạng vàng hóa đã biến mất từ lâu nhưng nỗi ám ảnh của nó vẫn còn, nhất là trong khu vực hoạch định chính sách. Đã đến lúc cần phải sửa đổi Nghị định 24/2012/NĐ-CP. Phải coi xuất nhập khẩu vàng, kinh doanh vàng chủ yếu là chính sách thương mại có điều kiện.

Qua đó, bỏ độc quyền sản xuất vàng miếng và độc quyền sản xuất, xuất nhập khẩu vàng nguyên liệu của Nhà nước; trả lại chức năng này cho các công ty kinh doanh vàng đủ điều kiện”, ông Nghĩa nhấn mạnh.

Cần sửa đổi Nghị định 24/2012/NĐ-CP để khơi thông thị trường vàng trong dài hạn.

Cùng quan điểm với giải pháp phải sửa đổi Nghị định 24/2012/NĐ-CP, ông Huỳnh Trung Khánh – cố vấn cấp cao Hội đồng Vàng thế giới tại Singapore, Indonesia, Thái Lan khuyến nghị, việc sửa Nghị định 24/2012/NĐ-CP, cần sớm xem xét xóa bỏ độc quyền vàng miếng SJC, cho phép một số doanh nghiệp có uy tín nhập khẩu một lượng vàng nguyên liệu vừa phải. Có như vậy, thị trường vàng mới ổn định, giá vàng SJC không bị tâm lý thị trường đẩy lên mức quá cao so với giá vàng quốc tế.

Ngân hàng Nhà nước nên cân nhắc bài toán kiểm soát tỷ giá và nhập vàng, tức chỉ nhập một lượng vàng vừa phải.

“Hơn 10 năm nay, Ngân hàng Nhà nước không cho nhập vàng nên các doanh nghiệp sản xuất nữ trang phải thu gom vàng nguyên liệu trên thị trường. Tuy nhiên, việc thu mua vàng nguyên liệu đòi hỏi có chứng từ rõ ràng, từ đó khiến cung vàng trên thị trường khan hiếm, kéo giá trong nước cách xa so với thế giới hàng chục triệu đồng/lượng.

Trong khi đó, thực tế cho thấy, Việt Nam không cho nhập vàng chính ngạch, song khó có thể kiểm soát được vàng lậu vào thị trường, tạo áp lực lên tỷ giá”, ông Khánh nhận định.

Ngân Hà

Nguồn Doanh Nghiệp: https://doanhnghiepvn.vn/kinh-te/tieu-dung/khoi-thong-thi-truong-vang-mau-chot-van-la-sua-nghi-dinh-24/20240607115641044