Khởi tố công chức ngành tư pháp, có là 'xu hướng'?

Chỉ trong thời gian ngắn, 4 cá nhân là công chức giữ chức vụ trong ngành tư pháp tỉnh Kiên Giang bị khởi tố điều tra do hành vi nhận hối lộ và lạm dụng quyền hạn. Có ý kiến còn ví diễn biến này như một 'xu hướng', còn gọi là 'trend', đã dấy lên nhiều quan ngại trong dư luận.

Ảnh minh họa (nguồn: http://tuyengiao.vn)

Những hành vi sai trái này không chỉ vi phạm nghiêm trọng luật pháp mà còn làm xói mòn niềm tin của người dân vào hệ thống tư pháp, nhất là ngành kiểm sát và tòa án. Tuy nhiên, cần xác định đây chỉ là những vụ việc đơn lẻ, phản ánh sự thoái hóa chỉ ở một bộ phận cán bộ.

1. Những hành vi nhận hối lộ, lạm dụng quyền lực của các cán bộ tư pháp như bà Nguyễn Thị Cẩm Thu, ông Lê Văn Hồng Chinh, hay Nguyễn Thành Đó, Phạm Đình Chiến đã làm tổn hại đến uy tín của ngành tòa án và kiểm sát.

Sự việc này không chỉ ảnh hưởng đến lòng tin của người dân vào tính công bằng của các phán quyết tư pháp mà còn tạo ra sự hoài nghi về tính liêm chính của những người thực thi pháp luật. Khi niềm tin bị lung lay, hậu quả không chỉ giới hạn trong việc đánh giá uy tín của một số cá nhân mà còn gây ra hiệu ứng tiêu cực đối với toàn bộ hệ thống.

Những vi phạm này cũng làm gia tăng lo ngại về việc liệu các quyết định tư pháp có còn đảm bảo tính công bằng và minh bạch hay không, khi có sự can thiệp bằng tiền bạc và lợi ích cá nhân. Điều này đe dọa đến mục tiêu cao cả của pháp luật, đó là bảo vệ công lý và quyền lợi của mọi công dân, không phân biệt địa vị hay khả năng tài chính.

2. Dù các vụ việc trên gây nhiều bức xúc, nhưng chúng ta cần nhìn nhận rằng đây chỉ là những trường hợp cá biệt. Các cá nhân như bà Thu, ông Chinh hay ông Đó, ông Chiến đã lợi dụng chức vụ để tư lợi cá nhân và hành vi của họ sẽ bị xử lý nghiêm khắc. Tuy nhiên, không nên từ một vài vụ việc đơn lẻ mà kết luận ngành tòa án hay ngành kiểm sát đang suy thoái.

Trên thực tế, hệ thống tư pháp Việt Nam, trong đó ngành tòa án và kiểm sát đang hoạt động dựa trên những nguyên tắc cơ bản của công lý và sự liêm chính. Hầu hết cán bộ, công chức trong 2 ngành này vẫn đang làm việc ngày đêm trên tinh thần công tâm, giữ vững đạo đức nghề nghiệp và cam kết bảo vệ quyền lợi hợp pháp và chính đáng cho người dân. Họ chính là những người đã và đang nỗ lực từng ngày, từng giờ để thực thi nhiệm vụ, giữ gìn hình ảnh công lý, sự nghiêm minh của ngành, bảo vệ niềm tin của xã hội vào hệ thống tư pháp.

Người dân không nên vì một vài vụ việc tiêu cực mà mất đi niềm tin vào ngành tòa án, ngành kiểm sát hay hệ thống tư pháp. Thực tế các cơ quan chức năng đã và đang thể hiện quyết tâm mạnh mẽ trong việc xử lý các cá nhân vi phạm, cụ thể là các vụ việc trên đều do Viện Kiểm sát nhân dân tối cao thực thi nhiệm vụ thụ lý điều tra án. Đây chính là bước quan trọng để khẳng định ngành tư pháp, các cơ quan trong hệ thống tư pháp vẫn luôn thể hiện sự quyết tâm giữ gìn tính trong sạch của hệ thống pháp luật.

Hơn thế nữa, để loại bỏ các hành vi thoái hóa, biến chất, cần có sự hợp tác của toàn xã hội, đặc biệt là sự tham gia tích cực của người dân. Người dân có thể đóng góp bằng cách cung cấp thông tin, tố cáo các hành vi vi phạm, từ đó giúp các cơ quan chức năng phát hiện và xử lý kịp thời những cá nhân, tổ chức sai phạm.

3. Xin đề xuất một số giải pháp nhằm hạn chế những tiêu cực trong các cơ quan tư pháp:

Thứ nhất, các cơ quan tư pháp cần thiết lập hệ thống giám sát chặt chẽ để phát hiện sớm những biểu hiện sai phạm. Việc kiểm tra định kỳ và đột xuất, cùng với những biện pháp xử lý kỷ luật nghiêm minh sẽ tạo ra sức ép đủ lớn để cán bộ không dám vi phạm.

Thứ hai, công khai minh bạch quy trình xử lý án, đặc biệt là các án liên quan đến đất đai, dân sự - những lĩnh vực dễ xảy ra tiêu cực. Việc công khai thông tin giúp giảm thiểu cơ hội cho các cá nhân lợi dụng chức quyền để tư lợi.

Thứ ba, đào tạo và bồi dưỡng đạo đức nghề nghiệp cho cán bộ ngành tư pháp là điều cần thiết để xây dựng một đội ngũ cán bộ trách nhiệm, kỷ cương, liêm chính, “phụng công thủ pháp, chí công vô tư”. Việc nâng cao nhận thức về trách nhiệm công vụ sẽ giúp cán bộ nhận thức rõ ràng hơn về vai trò của mình trong việc bảo vệ công lý.

Thứ tư, sử dụng các công nghệ hiện đại như trí tuệ nhân tạo, hệ thống quản lý hồ sơ trực tuyến để giám sát hoạt động của cán bộ tư pháp. Điều này không chỉ giúp nâng cao tính minh bạch mà còn giảm thiểu sự can thiệp trực tiếp của con người vào quá trình xử lý án.

Thứ năm, tăng cường các chế tài xử phạt đối với những hành vi vi phạm của cán bộ tư pháp, tạo ra sự răn đe mạnh mẽ hơn. Những hình phạt này cần được công khai để nâng cao ý thức của toàn ngành.

Thứ sáu, cán bộ, công chức ngành tư pháp cần thường xuyên rèn luyện, tu dưỡng bản thân theo chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp; phải nêu gương “phụng công, thủ pháp, chí công vô tư”, cần, kiệm, liêm, chính, thượng tôn pháp luật, thực hiện tốt chức trách, nhiệm vụ, đáp ứng kỳ vọng của Đảng, Nhà nước và Nhân dân.

TRỌNG NGHĨA

Nguồn Kiên Giang: https://baokiengiang.vn/ban-luan/khoi-to-cong-chuc-nganh-tu-phap-co-la-xu-huong--22798.html