Khởi tố nguyên giám đốc công ty lâm nghiệp 'bất lực' để rừng bị tàn phá
Nguyên giám đốc công ty lâm nghiệp bất lực để rừng bị tàn phá ở Đắk Lắk bị khởi tố để điều tra về hành vi thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.
Trưa 2-12, nguồn tin của Báo Người Lao Động cho biết Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Đắk Lắk đã khởi bị can đối với ông Nguyễn Hồng Mạnh, nguyên Giám đốc Công ty TNHH MTV Lâm Nghiệp Ea Kar (huyện Ea Kar, tỉnh Đắk Lắk) để điều tra về hành vi thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.
Cũng theo nguồn tin, ông Mạnh bị khởi tố do để rừng bị tàn phá, đất rừng bị lấn chiếm trong thời gian dài nhưng không có biện pháp quản lý, bảo vệ hiệu quả. "Các quyết định đã được VKSND tỉnh Đắk Lắk phê chuẩn vào sáng cùng ngày" - nguồn tin cho biết.
Cùng ngày, Cơ quan CSĐT đã tiến hành khám xét nơi ở của ông Mạnh. Như vậy, ông Nguyễn Hồng Mạnh là lãnh đạo một công ty lâm nghiệp nhà nước đầu tiên trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk bị khởi tố vì để mất rừng.
Trong khi đó, tỉnh Đắk Nông đã khởi tố, bắt tạm giam nhiều lãnh đạo các công ty lâm nghiêp về hành vi trên.
Trước đó, Báo Người Lao Động nhiều lần phản ánh về tình trạng rừng do Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Ea Kar quản lý bị tàn phá nghiêm trọng. Lâm tặc ngang nhiên tổ chức vào đốn hạ cây rừng lấy gỗ, lấy đất sản xuất. Trong đó, có những vụ việc cho thấy lực lượng bảo vệ rừng thờ ơ, thiếu trách nhiệm.
Điển hình, ngày 18-8-2019, Công an tỉnh Đắk Lắk vây bắt 4 đối tượng phá rừng tại Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Ea Kar. Sau khi mở rộng điều tra, công an còn phát hiện thêm 7 điểm tập kết gỗ lậu quy mô lớn nằm rải rác ở các xã trên địa bàn huyện Ea Kar. Tổng khối lượng thu giữ gần 300m3 gỗ các loại quy tròn từ nhóm II-VIII thuộc rừng phòng hộ và rừng sản xuất, giá trị tài sản thiệt hại gần 1,2 tỉ đồng. Đến tháng 1-2020, cơ quan công an khởi tố bị can 4 nhân viên của Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Ea Kar để điều tra về hành vi thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.
Trước đó, thực hiện chủ trương của UBND tỉnh Đắk Lắk về tận thu gỗ gãy đổ do bão, Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Ea Kar đã ký hợp đồng với 1 cá nhân thu gom, khai thác gỗ rừng trồng phòng hộ bị gãy đổ. Lợi dụng chủ trương này, cùng với sự buông lỏng quản lý của chủ rừng, các đối tượng đã đưa máy móc vào sản ủi đường, tàn phá diện tích lớn rừng phòng hộ gần trạm bảo vệ rừng…
Trong một lần trả lời phóng viên, ông Nguyễn Hồng Mạnh bảo rằng "lực bất tòng tâm" trong công tác bảo vệ rừng.