Khởi tố vụ án buôn lậu 44.000 tấn quặng của Công ty Bảo Nguyên
Liên quan đến vụ vi phạm đối với hơn 44.000 tấn quặng bauxite thô của Công ty CP Thương mại Bảo Nguyên (Công ty Bảo Nguyên), Cục Điều tra chống buôn lậu (Tổng cục Hải quan) vừa quyết định khởi tố vụ án với tội danh 'buôn lậu'. Quyết định khởi tố đã được Viện Kiểm sát nhân dân tối cao phê chuẩn.
Trước đó, ngày 17/10/2019, Công ty Bảo Nguyên đăng ký tờ khai xuất khẩu số 302816355501/B11 tại Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Cẩm Phả, Cục Hải quan tỉnh Quảng Ninh. Hàng hóa theo khai báo là 42.000 tấn “tinh quặng Bauxit” (hàm lượng AL2O3 cáo hơn 50%, khối lượng +/-10%), mã số HS: 2606000090, thuế suất thuế xuất khẩu 20%, tổng trị giá lô hàng xuất khẩu 10.204.740.000 đồng. Công ty đã nộp thuế: 2.040.948.000 đồng. Hồ sơ làm thủ tục hải quan gồm có: InVoice, Hợp đồng, Phiếu kết quả thử nghiệm số 19V02KK4551 ngày 18/10/2019 của Vinacontrol, công văn số 8228/BCT-CNNg ngày 25/8/2014 của Bộ Công Thương và Quyết định số 270/QĐ-UBND ngày 31/01/2019 của Ủy ban nhân dân tỉnh Lạng Sơn.
Lô hàng trên đã hoàn thành thủ tục hải quan theo quy định (cơ quan hải quan đã hoàn thành thủ tục kiểm tra hồ sơ và kiểm tra thực tế hàng hóa, doanh nghiệp đã nộp thuế xuất khẩu).
Tuy nhiên, căn cứ kết quả kiểm tra thực tế hàng hóa của cơ quan Hải quan và kết quả giám định của Viện Khoa học địa chất và khoáng sản, Bộ Tài nguyên và Môi trường (phối hợp với Trung tâm phân tích thí nghiệm địa chất, Tổng cục địa chất và khoáng sản Việt Nam là đơn vị có VILAS032 để thực hiện giám định) thì thực tế hàng hóa là “quặng Bauxit dạng thô” không được phép xuất khẩu theo Chỉ thị số 03/CT-TTg ngày 30/03/2015 của Thủ tướng Chính phủ, không phải là tinh quặng Bauxit như Công ty đã khai hải quan.
Theo quy định tại Phụ lục I - Biểu thuế xuất khẩu theo danh mục mặt hàng chịu thuế ban hành kèm theo Nghị định số 125/2017/NĐ-CP ngày 16/11/2017 của Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 122/2016/NĐ-CP ngày 01/9/2016 của Chính phủ thì Quặng thô có mã HS 2606.00.00.10, thuế suất xuất khẩu là 30% còn Tinh quặng có mã HS 2606.00.00.90, thuế suất xuất khẩu 20%.
Theo kết quả khám xét và giám định thì tổng trọng lượng hàng thực tế là 44.123,020 tấn (nhiều hơn khối lượng khai hải quan 2.123,020 tấn), trị giá 10.814.052.800 đồng và số thuế phải nộp là 3.244.215.840 đồng (số thuế ẩn lậu 1.203.267.840 đồng).
Phiếu kết quả thử nghiệm số 19V02kk4551 do Công ty Bảo Nguyên tự lấy mẫu gửi cơ quan giám định, không có cơ quan Hải quan chứng kiến việc lấy mẫu, vi phạm quy định khoản 1 Điều 5 Thông tư số 41/2012/TT-BCT ngày 21/12/2012 của Bộ Công Thương (đã được sửa đổi, bổ sung tại khoản 3 Điều 1 Thông tư 12/2016/TT-BCT) nên không có giá trị làm thủ tục hải quan cho lô hàng xuất khẩu trên.
Theo Tổng cục Hải quan, về căn cứ pháp lý để Công ty Bảo Nguyên xuất khẩu quặng có trong bộ hồ sơ hải quan: Ngày 12/3/2020, Cục Công nghiệp - Bộ Công thương có văn bản số 85/CN-KSLK cung cấp thông tin xác định điều kiện xuất khẩu tinh quặng bauxit theo yêu đề nghị tại văn bản số 259/ĐTCBL-P4 ngày 28/2/2020 của Cục Điều tra chống buôn lậu có nội dung: Văn bản số 8228/BCT-CNNg ngày 25/8/2014 của Bộ Công thương và Quyết định số 270/QĐ-BND ngày 31/1/2019 của UBND tỉnh Lạng Sơn có giá trị pháp lý làm căn cứ để cơ quan xem xét làm thủ tục xuất khẩu.
Công văn số 8228/BCT-CNNg ngày 25/8/2014 của Bộ Công Thương. Tại công văn số 8228/BCT-CNNg về việc xuất khẩu tinh quặng bauxit mỏ Léo Cao, Lạng Sơn ngày 25/8/2014 của Bộ Công Thương, theo đó Bộ Công Thương cho phép Công ty CP vận tải thương mại Bảo Nguyên xuất khẩu tinh quặng bauxit với hàm lượng Al2O3 >=49%.
Theo quy định tại Điều 4, Điều 6 Thông tư số 41/2012/TT-BCT: DN được phép xuất khẩu quặng Bauxit phải qua chế biến và phải đạt tiêu chuẩn, chất lượng đối với Hydroxit nhôm - Al(OH)3 thì AL2O3>=64%; Alumin thì AL2O3>=98%, Bộ Công Thương chỉ xem xét xuất khẩu khoáng sản trong trường hợp cá biệt khi khoáng sản có tên trong danh mục được xuất khẩu, đã qua chế biến nhưng không thể đạt tiêu chuẩn chất lượng quy định do nguyên nhân khách quan (như: do đặc điểm địa chất mỏ, khoáng sản là sản phẩm phụ thu hồi được trong quá trình chế biến khoáng sản chính, quặng đuôi thải thu hồi được nhưng trình độ công nghệ hiện tại không thể nâng hàm lượng được...).
Căn cứ hồ sơ chứng nhận đầu tư do Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Lạng Sơn cung cấp thì: Chất lượng quặng bauxit tại mỏ Léo Cao của Công ty Bảo Nguyên khi chưa chế biến đã có hàm lượng AL2O3 là 48,61-53,22% và thuộc loại sa khoáng trầm tích.
Tuy nhiên, tại công văn số 8228/BCT-CNNg ngày 25/8/2014, Bộ Công Thương cho phép cho Công ty Bảo Nguyên xuất khẩu tinh quặng Bauxit thuộc trường hợp cá biệt với hàm lượng AL2O3>=49% (bằng, thậm chí là thấp hơn hàm lượng AL203 của quặng thô khi chưa biến của mỏ Léo Cao: 53,22%),
Việc cho phép xuất khẩu với hàm lượng chưa cần phải qua chế biến đã đạt hàm lượng, thậm chí cao hơn hàm lượng cho phép dẫn đến việc doanh nghiệp lợi dụng việc cho phép này để xuất khẩu khoáng sản thô nhưng khai là tinh với hàm lượng của khoáng sản thô.
Đối với Quyết định số 270/QĐ-UBND của UBND tỉnh Lạng Sơn cho phép Công ty Bảo Nguyên xuất khẩu 118.000 tấn tinh quặng Bauxit tồn kho của năm 2018. Tuy nhiên, căn cứ tài liệu thu thập tại Cục Thuế tỉnh Lạng Sơn, Sở Công Thương tỉnh Lạng Sơn thì toàn bộ lượng quặng khai thác, chế biến năm 2018 Công ty Bảo Nguyên đã xuất khẩu hết, không còn tồn; bản thân doanh nghiệp cũng thừa nhận thực tế không có số lượng tồn kho này. Như vậy, Quyết định số 270/QĐ-UBND có dấu hiệu cấp trái pháp luật. Căn cứ vào Quyết định 270 QĐ-UBND cấp khống lượng tồn, ngoài lô hàng bị bắt giữ trên trong năm 2019 Công ty đã đăng ký 02 tờ khai, xuất khẩu tổng khối lượng 99.195 tấn tinh quặng bauxit, trị giá trên 24 tỷ đồng.
Như vậy, 2 tài liệu là chứng từ bắt buộc trong bộ hồ sơ hải quan, là căn cứ pháp lý để cơ quan Hải quan xem xét cho phép Công ty Bảo Nguyên xuất khẩu quặng bauxit nêu trên chưa phù hợp quy định của pháp luật? Tổng cục Hải quan sẽ có văn bản kiến nghị Bộ Công Thương, UBND tỉnh Lạng Sơn xem xét về việc cấp phép này.
Về dây truyền, máy móc phục vụ khai thác, chế biến quặng bauxit: Về dây truyền, máy móc phục vụ khai thác, chế biến quặng bauxit: Theo giấy chứng nhận đầu tư số 14121000102 ngày 23/7/2008 quy mô dây truyền khai thác, chế biến quặng bauxit mỏ Léo Cao với công suất 300 nghìn tấn quặng/năm với các thiết bị chính là: Trục tải: 04 cái; goòng 0,6m3: 40 cái; máy gạt: 03 cái; sario: 03 cái; hệ thống sàng tuyển: 03 bộ; máy đập hàm ếch: 04 cái; hệ thống máy sàng: 02 cái; lò nung bauxit: 06 cái; hệ thống băng tải: 04 cái; máy ép khoang khí: 07 cái; ô tô IFA: 07 chiếc; Bơm nước 01 bộ: máy phát điện 250KVA 01 cái; máy phát điện dự phòng 100KVA 01 cái.
Ông Đỗ Quang Tuấn, Giám đốc, người đại diện theo pháp luật của Công ty Bảo Nguyên xác nhận: Trước năm 2015, Công ty chưa có hệ thống dây truyền, máy móc thiết bị như đăng ký tại giấy chứng nhận đầu tư mà đi thuê. Từ năm 2016, Công ty mới đầu tư mua sắm, đăng ký và kê khai các phương tiện khai thác, sản xuất vào tài sản của Công ty.
Năm 2017, Công ty Bảo Nguyên đăng ký điều chỉnh và được Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Lạng Sơn phê duyệt là công suất khoảng 800 nghìn tấn quặng/năm và rút gọn hệ thống máy móc, thiết bị chính chỉ còn: máy xúc thủy lực gầu ngược 2,3m3: 02 chiếc; ô tôt tự đổ tải trọng 25 tấn: 03 chiếc; máy gạt 3 cái, trạm biến áp 250KVA 01 bộ, trạm biến áp 400 KVA: 01 bộ, hệ thống sàng tuyền 02 bộ. Như vậy, mặc dù công suất khai thác, chế biến tăng gần gấp 3 lần so với giấy chứng nhận đầu tư ban đầu nhưng thiết bị chính để chế biến tinh quặng như lò nung, máy đập nghiền, hệ thống máy sàng,...đã bị loại bỏ (chỉ còn máy móc, thiết bị khai thác).
Việc giám sát, quản lý hoạt động khai thác, chế biến khoáng sản: Công ty Bảo Nguyên không lắp đặt trạm cân tại mỏ, không lắp đặt hệ thống camera để phục vụ việc xác định sản lượng khoáng sản khai thác thực tế (quặng nguyên khai) và lượng khoáng sản sau khi đã chế biến (tinh quặng) và không lập các sổ sách theo quy định tại khoản 2 Điều 42 Nghị định số 158/2016/NĐ-CP ngày 29/11/2016 của Chính phủ và khoản 1, 2, 3 Điều 3 Thông tư số 61/2017/TT-BTNMT ngày 22/12/2017 của Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Đối với lô hàng quặng vi phạm thuộc tờ khai số 302816355501/B11 nêu trên, khi vận chuyển ra khỏi mỏ Léo Cao không được cân để xác định được khối lượng, không lập phiếu xuất kho kiêm lệnh vận chuyển theo quy định của pháp luật.
Về quy trình khai thác quặng và chế biến tinh quặng xuất khẩu, tính tỷ lệ hao hụt để kê khai nộp phí, thuế bảo vệ môi trường:
Kết quả làm việc với Ông Nguyễn Quang Tuấn, đại diện theo pháp luật của Công ty cho biết quặng sau khi được khai thác sẽ được đưa vào dây truyền chế biến được lắp đặt tại mỏ để tách quặng và đất, đá, sau đó được đưa qua bộ phần nghiền, rửa làm giàu quặng theo kích thước 8 cm. Tuy nhiên, về tỷ lệ hao hụt sau khi chế biến quặng thô thành tinh quặng, ông Tuấn xác nhận hàm lượng của quặng nguyên khai thu được không có tỷ lệ hao hụt so với quặng thực xuất khẩu nên Công ty kê khai thuế, phí tài nguyên khối lượng quặng nguyên khai (quặng thô) và tinh quặng (đã qua chế biến) bằng nhau. Như vậy, mặc dù đại diện Công ty cho rằng có hoạt động chế biến sau khi khai thác quặng bauxit để xuất khẩu nhưng không có tỷ lệ hao hụt là bất hợp lý.
Căn cứ kết quả xác minh có cơ sở xác định:
Công ty Bảo Nguyên khai sai tên hàng, mã số, thuế suất hàng hóa từ quặng bauxit thô, không được phép xuất khẩu thành tinh quặng bauxit để xuất khẩu; khai khống số lượng tinh quặng tồn năm 2018 để xin phép UBND tỉnh Lạng Sơn phê duyệt kế hoạch xuất khẩu 2019 tại Quyết định số 270/QĐ-UBND, trị giá hàng hóa vi phạm lớn (trên 10 tỷ đồng), có dấu hiệu của Tội buôn lậu theo Điều 188 Bộ Luật hình sự năm 2015 (đã được sửa đổi bổ sung 2017).
Ngày 20/11/2020, Cục Điều tra chống buôn lậu đã khởi tố vụ án hình sự về tội buôn lậu xảy ra tại cảng Cẩm Phả, tỉnh Quảng Ninh đối với vụ việc vi phạm của Công ty Bảo Nguyên (Quyết định khởi tố vụ án đã được chuyển cho VKSND tối cao để kiểm soát việc tuân thủ quy định của pháp luật).