Khốn cùng với vay trực tuyến (*): Siết chặt để tránh biến tướng

Các chuyên gia lẫn nhà quản lý đều cho rằng cho vay ngang hàng - P2P Lending - là một trong những loại hình phải có điều kiện kinh doanh

Ông TRẦN ĐẠI DƯƠNG, Giám đốc Công ty Interloan:

Cần hành lang pháp lý để tránh nhập nhằng

Từ góc độ doanh nghiệp (DN) hoạt động trong lĩnh vực P2P Lending, chúng tôi cũng đề xuất cơ quan quản lý cần sớm có hành lang pháp lý cho hoạt động này, nhằm định nghĩa rõ ràng những công ty hoạt động theo chuẩn như thế nào mới là P2P Lending. Điều này sẽ tránh nhập nhằng giữa các loại hình hoạt động khác, tránh bị lợi dụng biến tướng...

Các chuyên gia, doanh nghiệp đều mong sớm có hành lang pháp lý chặt chẽ để quản lý hoạt động cho vay ngang hàng, tránh những biến tướng không đáng có Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Các chuyên gia, doanh nghiệp đều mong sớm có hành lang pháp lý chặt chẽ để quản lý hoạt động cho vay ngang hàng, tránh những biến tướng không đáng có Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Bản thân các DN hoạt động đúng theo P2P Lending cũng muốn kết nối vào hệ thống thông tin tín dụng quốc gia để có bức tranh toàn cảnh về tín dụng tiêu dùng. Đây là 2 điểm mấu chốt để một ngành có thể bắt đầu hoạt động, sau đó mới tới các tiêu chuẩn kỹ thuật cụ thể nhằm tạo ra sân chơi công bằng giữa các DN, cũng như bảo vệ khách hàng.

Ông ARTEM ANDREEV, Chủ tịch Công ty TNHH MTV Tư vấn tài chính LGC (chủ app Doctor Đồng):

Có thể áp dụng kinh nghiệm từ Nga

Hoạt động cho vay ngang hàng dựa trên những nền tảng công nghệ số đang là xu hướng phát triển của nhiều nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Nhằm nâng cao hiệu quả quản lý của nhà nước cũng như đáp ứng nhu cầu thực tiễn của xã hội, việc xây dựng hành lang pháp lý cho các hoạt động cho vay ngang hàng tại Việt Nam là cần thiết.

Theo tôi, Việt Nam có thể áp dụng kinh nghiệm thực tiễn từ Nga khi xây dựng cơ chế điều tiết thị trường tài chính vi mô. Theo đó, ngân hàng trung ương quy định điều kiện về mức vốn tối thiểu của công ty tài chính, cũng như tiêu chuẩn bắt buộc đối với những người hoạt động trong lĩnh vực cung cấp nền tảng cho vay ngang hàng, yêu cầu về báo cáo cho tổ chức thông tin tín dụng quốc gia hay các quy định về bảo đảm khả năng thanh toán và quản lý rủi ro tín dụng.

Ngoài ra, cần tạo điều kiện để các bên tham gia hoạt động P2P Lending tiếp cận được hệ thống thông tin tín dụng quốc gia, nhằm hạn chế các rủi ro tín dụng, bảo đảm an toàn cho hoạt động cho vay.

Ông NGUYỄN MAI LONG, Giám đốc điều hành Easy Credit (Công ty Tài chính Điện lực - EVN Finance):

Uy tín là vấn đề quyết định

Các công ty cho vay ngang hàng ở Việt Nam đang phát triển khá nhanh thời gian qua, khi đáp ứng nhanh được một phần nhu cầu vốn mà các ngân hàng thương mại, công ty tài chính chưa đáp ứng kịp. Tuy nhiên, vì không chịu sự quản lý của Ngân hàng Nhà nước nên khách hàng vay tại các công ty này sẽ gặp nhiều rủi ro. Một số công ty P2P Lending hiện cho vay khách hàng và kiếm tiền từ các loại phí và lãi suất cao, không rõ ràng.

Trong dài hạn, uy tín sẽ là vấn đề quyết định cho các công ty P2P Lending có đi được đường dài khi người tiêu dùng hiểu rõ và thận trọng hơn về dịch vụ này. Về góc độ cạnh tranh, các công ty tài chính và ngân hàng thương mại cũng đã đề xuất cơ quan quản lý cần sớm có cơ chế, chính sách về pháp lý, quy định rõ ràng về loại hình này, đồng thời tuyên truyền thông tin để nâng cao nhận thức người dùng. Hiện các công ty P2P Lending đang cạnh tranh trực tiếp với chúng tôi - công ty tài chính - ở góc độ không công bằng về thông tin thiếu minh bạch với người dùng. Khách hàng có quyền lựa chọn vay ở tổ chức tài chính nào nhưng phải có thông tin rõ ràng, cũng như minh bạch về phí, lãi suất…

TS NGUYỄN TRÍ HIẾU, chuyên gia tài chính:

Phải thực hiện qua sàn

Tại một số quốc gia Âu - Mỹ, quy trình cho vay ngang hàng chuẩn mực thường được thực hiện thông qua sàn giao dịch. Theo đó, người vay đưa ra số tiền cần vay, thời hạn, lãi suất…; nhà cung cấp dịch vụ (DN fintech đóng vai trò trung gian) cân nhắc, đánh giá cho điểm tín dụng dựa trên những thông tin do người vay cung cấp và các nguồn thông tin tích hợp có sẵn để xác định mức lãi suất tương ứng với mức độ rủi ro của khoản vay rồi đăng tải lên trang web của mình.

Người cho vay tìm kiếm các cơ hội đầu tư tại các đơn hàng đăng trên trang web của fintech để lựa chọn lãi suất và mức độ rủi ro phù hợp. Đến ngày trả nợ, người vay thanh toán vốn và lãi, người cho vay nhận vốn gốc và lãi suất thông qua tài khoản mở tại ngân hàng hợp tác với fintech

Tuy nhiên, điều đáng lưu ý là fintech không phải là tổ chức nhận tiền gửi của khách hàng, cũng không phải là người cho vay. Họ chỉ là trung gian kết nối, thu phí dịch vụ người đi vay và người cho vay nên họ không nhất thiết phải có tài sản bảo đảm bù đắp rủi ro, không phải đối mặt với rủi ro thanh khoản. Còn ngân hàng hợp tác với fintech chỉ đóng vai trò trung gian quản lý dòng tiền qua lại giữa người cho vay và người vay để thu phí chuyển tiền.

Về vai trò quản lý, hiện nay, Ngân hàng Nhà nước không quản lý các nhà cung cấp dịch vụ P2P Lengding. Bởi hoạt động fintech đích thực là cung cấp các giải pháp, dịch vụ kết nối người vay với người cho vay. Tuy nhiên, do hoạt động của fintech có liên quan đến tiền tệ nên gần đây, Ngân hàng Nhà nước đang nghiên cứu soạn thảo các quy định về cho vay ngang hàng. Hy vọng trong thời gian tới, các cơ quan quản lý sẽ ban hành khung pháp lý đối với P2P Lending gắn liền với hoạt động của các fintech.

Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước ĐÀO MINH TÚ:

Phải có điều kiện

Cho vay ngang hàng là một trong những loại hình quan hệ trên cơ sở phát triển công nghệ hiện nay. Người cho vay, người vay "gặp nhau" qua một người làm dịch vụ đầu mối và dùng công nghệ để thực hiện. P2P Lending có những điểm rất tích cực khi công nghệ phát triển, giúp người dân, đặc biệt là những người yếu thế, khó khăn có nhu cầu vốn có thể gặp được trực tiếp người có tiền cho vay thông qua hệ thống công nghệ hiện đại.

Tuy nhiên, đằng sau nó cũng có không ít những vấn đề phức tạp, thậm chí có những biểu hiện, dấu hiệu lợi dụng có thể gây nên những thiệt hại cho cả người đi vay và người cho vay; có cả hiện tượng trá hình. Do đó, phải có sự quản lý của nhà nước. Ngân hàng Nhà nước đang cùng với các bộ, ngành có liên quan trình Chính phủ xây dựng cơ chế quản lý với lĩnh vực này.

Ngân hàng Nhà nước xác định P2P Lending là một trong những loại hình phải có điều kiện kinh doanh. Nếu đơn vị nào đứng ra để tổ chức hoạt động này, kết nối giữa người đi vay và người cho vay, phải tuân thủ đầy đủ các điều kiện.

THÁI PHƯƠNG - DƯƠNG NGỌC - CHÂU THY ghi

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/kinh-te/khon-cung-voi-vay-truc-tuyen-siet-chat-de-tranh-bien-tuong-20191002211131227.htm