Khốn khổ sống cạnh nhà máy xi-măng 'chờ chết'

Giữa tháng 10-2019, Nhà máy Xi-măng Đại Việt - Dung Quất (gọi tắt Nhà máy Xi-măng Đại Việt, đóng tại Khu Kinh tế Dung Quất - tỉnh Quảng Ngãi) tiếp tục gửi đơn kêu cứu khẩn cấp đến Chính phủ cùng các cơ quan chức năng vì phải ngừng sản xuất hơn 4 năm nay, máy móc xuống cấp, công nhân mất việc.

Liên tục kêu cứu

Đây là lần thứ 4 chủ đầu tư Nhà máy Xi-măng Đại Việt (Công ty CP Xi-măng miền Trung) gửi đơn cầu cứu lên Chính phủ cùng các bộ, ngành. Trước đó, Văn phòng Chính phủ cũng 3 lần ra văn bản, thông báo ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình, yêu cầu UBND tỉnh Quảng Ngãi và các ngành chức năng khẩn trương rà soát, xử lý, giải quyết vướng mắc để Nhà máy Xi-măng Đại Việt sớm hoạt động.

Vì lâu ngày không hoạt động, Nhà máy Xi-măng Đại Việt - Dung Quất hư hỏng, xuống cấp

Vì lâu ngày không hoạt động, Nhà máy Xi-măng Đại Việt - Dung Quất hư hỏng, xuống cấp

Ông Nguyễn Thanh Vũ, Chủ tịch UBND xã Bình Đông, huyện Bình Sơn (Quảng Ngãi), cho biết không chỉ bây giờ mà từ khi nhà máy đi vào vận hành (tháng 6-2012), nhiều người dân xã Bình Đông đã phản ứng, ngăn cản hoạt động vì cho rằng nó gây ô nhiễm khói bụi, tiếng ồn...

"Nhà máy nằm khá gần khu dân cư đông đúc của 2 thôn Sơn Trà, Tân Hy. Người dân nhiều lần tụ tập dựng lều, lán trại trước cổng nhà máy, ngăn cản không cho phương tiện ra vào. Đến tháng 5-2015, nhà máy chính thức ngừng hoạt động để cải tạo, nâng cấp hệ thống thiết bị bảo vệ môi trường" - ông Vũ nói.

Theo ông Nguyễn Thành Phương, ngụ thôn Sơn Trà, rất nhiều hộ dân có nhà cách tường Nhà máy Xi-măng Đại Việt chưa đầy 2 m. "Lẽ ra chính quyền phải tổ chức di dời dân trước khi cấp đất xây dựng nhà máy, đằng này chính quyền cho xây nhà máy trước, xen kẽ trong khu dân cư. Thành ra chúng tôi phải sống sát bên nhà máy, làm sao chịu nổi" - ông Phương than thở.

Ông Nguyễn Đăng Lộc, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Quảng Ngãi, cho rằng vị trí xây dựng Nhà máy Xi-măng Đại Việt nằm trong khu quy hoạch sản xuất vật liệu xây dựng, được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt từ năm 2007. "Khu vực xây dựng nhà máy cũng có dự án Nhiệt điện Sembcorp Dung Quất và đã lên kế hoạch di dời dân. Nhưng sau khi khảo sát, áp giá đền bù để chuẩn bị di dời dân, dự án Nhiệt điện Sembcorp Dung Quất bỗng nhiên bị hủy bỏ, dừng triển khai, khiến người dân phải sống chung với khói, bụi, tiếng ồn" - ông Lộc giải thích.

Cần 1.000 tỉ đồng để di dân

Theo ông Nguyễn Thanh Vũ, hiện có khoảng 2.000 hộ dân thuộc 2 thôn Tân Hy và Sơn Trà nằm trong khu vực quy hoạch khu công nghiệp cần sớm được di dời. Hiện nay, không chỉ Nhà máy Xi-măng Đại Việt, nhiều nhà máy khác đã và đang xây dựng ngay cạnh khu dân cư, nhiều nhà máy quy mô lớn đã đi vào hoạt động. Vì thế, việc di dời dân không thể trì hoãn.

UBND tỉnh Quảng Ngãi cho biết ngoài 107 hộ dân có nhà cách Nhà máy Xi-măng Đại Việt khoảng 50 m đã được tỉnh bố trí kinh phí di dời, tỉnh đã thống nhất sẽ di dời gần 1.864 hộ dân khác với tổng kinh phí khoảng 1.000 tỉ đồng.

"Do nguồn vốn quá lớn nên tỉnh đang kiến nghị Chính phủ trước tiên bố trí 364 tỉ đồng từ ngân sách trung ương để lập phương án, lộ trình, kế hoạch di dời khoảng 800 hộ dân với diện tích khoảng 45 ha (tức giai đoạn 1 và 2). Đối với hơn 1.000 hộ dân và phần diện tích cần di dời còn lại (giai đoạn 3), trên cơ sở đất sạch của giai đoạn 1 và 2, UBND tỉnh Quảng Ngãi đề xuất phương án kêu gọi nhà đầu tư" - một đại diện UBND tỉnh Quảng Ngãi thông tin.

Lỗ 140 tỉ đồng

Ông Lưu Vũ Cầm, Giám đốc Nhà máy Xi-măng Đại Việt, cho biết sau khi người dân ngăn cản, phản ánh về bụi, tiếng ồn, nhà máy đã sớm tìm giải pháp khắc phục, cải tiến thiết bị, nâng cấp công nghệ xử lý môi trường; chuẩn bị chạy thử hệ thống để thực hiện quan trắc môi trường, kiểm tra và công khai kết quả cho nhân dân. Tuy nhiên, mỗi lần có xe chở nguyên vật liệu ra vào nhà máy thì người dân lại phản đối.

Ông Cầm cho hay sau hơn 4 năm nhà máy ngưng hoạt động, lỗ lũy kế đã lên đến 140 tỉ đồng.

Bài và ảnh: TỬ TRỰC

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/thoi-su/khon-kho-song-canh-nha-may-xi-mang-cho-chet-20191105215516391.htm