Khốn khổ vì 'gánh' 3 thủy điện
Đường sá, cầu cống hư hỏng nặng bởi quá trình triển khai các dự án thủy điện nhưng khi các dự án này hoàn thành đã không sửa chữa, hoàn trả lại cho địa phương
Xã Sơn Tinh và Sơn Lập, huyện Sơn Tây, tỉnh Quảng Ngãi nằm chót vót trên những dãy núi cao, giáp ranh với huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum. Trên một đoạn sông Xà Lò khá ngắn chảy qua địa phận 2 xã nơi đây nhưng có 3 dự án thủy điện đã hoàn thành, gồm các thủy điện Sơn Trà 1A, 1B và 1C.
Đường, cầu cống hỏng nặng
Chỉ tay về tuyến đường ĐH83 nối từ xã Sơn Màu vào xã Sơn Tinh, ông Đinh Văn Tường, người dân ở xã Sơn Tinh, cho biết đã mấy năm qua từ khi có các dự án thủy điện triển khai xây dựng, tuyến đường duy nhất trong xã bị hư hỏng nặng nhưng không thấy ai sửa chữa. "Lúc mưa bão, có người ốm đau cần phải đi bệnh viện, người dân ở Sơn Tinh, Sơn Lập phải thay nhau khiêng người bệnh đi bộ bằng võng chứ không thể đi xe máy" - ông Tường kể.
Theo nhiều người dân xã Sơn Tinh, trước kia khi chưa có các dự án thủy điện triển khai, tuyến đường ĐH83 khá tốt, việc đi lại, buôn bán giao thương hàng hóa của người dân khá tiện lợi, thông suốt. Tuy nhiên, từ khi có 3 dự án thủy điện triển khai, chủ đầu tư 3 dự án này đã đưa phương tiện cơ giới, vận chuyển vật liệu, máy móc với tần suất lớn, tải trọng nặng khiến tuyến đường duy nhất nối các xã xuất hiện những hư hỏng. "Lúc đầu, mặt đường bị bong tróc ít nhưng ngày càng nặng thêm vì có rất nhiều xe tải trọng lớn đi lại với tần suất cao. Khi cả 3 thủy điện hoàn thành, tuyến đường có hàng trăm vị trí bị hư hỏng nặng như những "hố bom"… Có rất nhiều vụ tai nạn đã xảy ra ở những vị trí hư hỏng này nhưng chúng tôi kiến nghị mãi cũng không thấy ai sửa chữa" - ông Đinh Văn Nhép, ngụ xã Sơn Tinh, than thở.
Tương tự, tại đoạn nối từ khu vực đập thủy điện Sơn Trà 1C đi qua UBND xã Sơn Lập (khoảng 8 km) cũng bị hư hỏng rất nặng. Dọc đoạn này có hàng ngàn "ổ gà", "ổ voi", mặt đường bị bong tróc, hư hỏng. Ngay cả những đoạn được làm bằng bê-tông cũng bị nứt chằng chịt, bong tróc lớp mặt, tạo "ổ gà", "ổ voi". Nhiều vị trí cầu cống bị xuống cấp, có nguy cơ lún, sụp bất cứ lúc nào.
Kiến nghị nhiều lần, không thấy hồi âm
Ông Võ Tấn Tự, Bí thư Đảng ủy xã Sơn Lập, cho biết việc đường ĐH83 bị hư hỏng, xuống cấp đã được người dân kiến nghị, phản ánh rất nhiều lần tại các buổi tiếp xúc cử tri. "Nguyên nhân khiến đường ĐH83 bị hư hỏng chủ yếu do quá trình thi công các dự án thủy điện Sơn Trà 1A và 1B gây ra. Bây giờ, khi các dự án thủy điện đã hoàn thành đưa vào sử dụng nhưng chủ đầu tư lại không sửa chữa cho địa phương. Phía địa phương đã có báo cáo, kiến nghị lên UBND huyện Sơn Tây rất nhiều lần, yêu cầu sửa chữa lại đường ĐH83" - ông Tự nói.
Ông Đinh Văn Ngọc, Phó Chủ tịch UBND xã Sơn Tinh, cho biết người dân xã Sơn Tinh cũng rất bức xúc vì đường ĐH83 hư hỏng nặng nhưng không thấy ai sửa chữa. "Trước khi thi công các dự án thủy điện, chủ đầu tư có cam kết với địa phương sẽ sửa chữa lại đường bị hư hỏng khi dự án hoàn thành nên địa phương, người dân mới thống nhất, đồng thuận để thủy điện triển khai. Bây giờ người dân, địa phương kiến nghị sửa chữa lại những nơi hư hỏng nhưng rất khó khăn, không được đáp ứng" - ông Ngọc nói.
Theo ông Đinh Trường Giang, Phó Chủ tịch UBND huyện Sơn Tây, tuyến đường ĐH83 hư hỏng nặng như hiện nay có nhiều nguyên nhân khác nhau, trong đó chủ yếu là do việc thi công 3 dự án thủy điện Sơn Trà 1A, 1B và 1C. "Trước đây, UBND huyện Sơn Tây đã có nhiều văn bản yêu cầu các công ty quản lý thủy điện cùng với huyện tham gia khắc phục hư hỏng. Vừa rồi họ có đổ ít đất, đá cấp phối khắc phục một đoạn nhưng chẳng thấm vào đâu. Về lâu dài, chúng tôi kiến nghị UBND tỉnh xem xét đầu tư nâng cấp lại tuyến đường. Đồng thời tiếp tục kiến nghị các công ty quản lý thủy điện sửa những chỗ hư hỏng, giúp người dân đi lại thuận lợi hơn" - ông Giang nhấn mạnh.
27 dự án thủy điện ở Quảng Ngãi được cấp phép
Theo thống kê của Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Quảng Ngãi, toàn tỉnh có 27 dự án thủy điện đã được cấp phép triển khai với tổng vốn đầu tư khoảng 21.000 tỉ đồng, trên diện tích đất sử dụng khoảng 3.735 ha. Tất cả dự án này đều triển khai ở 5 huyện miền núi của tỉnh Quảng Ngãi gồm Ba Tơ, Minh Long, Sơn Hà, Sơn Tây, Trà Bồng. Đa số các dự án là thủy điện vừa và nhỏ. Trong đó, dự án nhỏ nhất là thủy điện Hồ Nước Ngang (xã Ba Liên, huyện Ba Tơ) do có công suất vỏn vẹn 1 MW, hiện đã hoạt động.
Huyện Sơn Hà đứng đầu toàn tỉnh Quảng Ngãi khi có đến 9 dự án thủy điện được cấp phép, dù diện tích chỉ 750 km2, đến nay chỉ có thủy điện Nước Trong đi vào hoạt động. Xếp thứ 2 là huyện Sơn Tây với 7 dự án thủy điện, diện tích của huyện là 382 km2.
Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/thoi-su/khon-kho-vi-ganh-3-thuy-dien-20221115192447504.htm