Khốn khổ vì sống cạnh trạm 'đào' Bitcoin
Đã hơn 7 năm kể từ khi cơn sốt Bitcoin khiến nhiều người 'điên đảo', giờ đây, thời mà nhà nhà 'đào' Bitcoin, người người 'đào' Bitcoin đã qua lâu rồi. Nhưng điều đó không có nghĩa là đã hết hiện tượng 'đào' Bitcoin trên quy mô lớn. Thành phố Granbury, bang Texas, Mỹ hiện là nơi đặt một nhà máy 'đào' Bitcoin. Cơ sở này cũng đang khiến người dân địa phương chết dần chết mòn.
Tác động tai hại
Thoạt nhìn cô Sarah Rosenkranz (43 tuổi) thì không ai nghĩ rằng người phụ nữ khỏe mạnh này mới may mắn sống sót qua một cơn đau tim. Sarah bị trụy tim giữa một đêm cuối tháng 12/2023. Cô nhập viện trong tình trạng nhịp tim lên đến 200 bpm. Không chỉ mình cô phải nhập viện. Con gái 5 tuổi của Sarah cũng được đưa đi cấp cứu sau khi cô bé lên cơn đau đầu và sau đó là co giật. Cô bé cho biết cảm giác như mắt mình nhìn thấy chỉ một màu đỏ, còn đau thì như bị một thanh sắt nóng dí vào sau tai.
Những trường hợp như của cô Sarah Rosenkranz và con gái không hiếm ở Granbury. Bệnh viện địa phương đã tiếp nhận không dưới 40 trường hợp cấp cứu có liên quan đến tổn thương não bộ, thính giác và tuyến tiền đình. Những bệnh nhân nhẹ thì đột nhiên bị chóng mặt, mất thăng bằng và nôn mửa. Các trường hợp nặng hơn thì bị đau tai, tai chảy mủ, mất một phần thính lực. Một số ít người bị đau tim. Điểm chung của các bệnh nhân là họ đều sống gần nhà máy “đào” Bitcoin.
Bác sỹ tai mũi họng Salim Bhaloo tại Bệnh viện Granbury cho biết: “Tôi tin rằng chính tiếng ồn từ nhà máy đào Bitcoin là thủ phạm. Họ hoạt động cả ngày và phát ra lượng tiếng ồn vượt quá mức cho phép... Ô nhiễm tiếng ồn khiến bệnh nhân ban đầu mất ngủ, rồi sau đó là làm tăng lượng đường và cortisol trong máu họ”.
Công ty Marathon Digital Holdings sở hữu nhà máy “đào” Bitcoin ở Granbury. Họ lựa chọn Granbury làm nơi đặt cơ sở khai thác bởi vì thành phố này nằm gần nhà máy nhiệt điện Wolf Hollow II. Chủ nhà máy điện là Tập đoàn Constellation Energy đã ký kết hợp tác xây dựng nhà máy “đào” Bitcoin với Marathon. Gọi là “nhà máy” nhưng phần lớn diện tích cơ sở này chỉ là bãi đất đặt 163 thùng container chứa tổng cộng hơn 30.000 máy tính. Cơ sở được đi vào vận hành vào mùa hè năm 2022 và hoạt động 24/24.
Rất nhiều người dân Granbury đang biểu tình phản đối nhà máy “đào” Bitcoin. Nhưng ngay cả những người nhiệt tình nhất cũng không có nhiều hy vọng. Số lượng và quy mô của các cơ sở khai thác crypto tại Mỹ đang tăng theo từng năm. Hiện Hoa Kỳ có ít nhất 137 cơ sở khai thác tiền ảo đã đăng ký hoạt động. Nhiều cơ sở cũng gây ra ô nhiễm tiếng ồn như nhà máy ở Granbury.
Đã qua rồi cái ngày những “thợ mỏ” Bitcoin đào tiền tại nhà. Bây giờ những công ty như Marathon sở hữu các nhà máy rộng vài chục hecta với hàng nghìn cỗ máy “đào” chạy 24/7. Chỉ trong tháng 3/2024, ngành “đào” tiền ảo Mỹ đã đạt kỷ lục 2 tỷ USD lợi nhuận. Cái giá phải trả là chi phí năng lượng. Các nhà máy “đào” tiền ảo hiện sử dụng trên dưới 3% tổng sản lượng điện hằng năm của Mỹ. Nếu đà tăng nhu cầu tiếp tục tăng ở mức 10-15%/năm như hiện nay thì đến năm 2030, các nhà máy “đào” crypto sẽ sử dụng đến 9,1% tổng sản lượng điện của Mỹ.
Sống trong lo âu
Nhà của ông Nick Browning (82 tuổi) nằm ngay đối diện trạm “đào” Bitcoin Granbury. Ông cho biết: “Chúng tôi phát khổ vì tiếng ồn từ trạm “đào”. Mỗi cái thùng container như thế là họ lắp vài cái quạt công nghiệp để làm mát. Anh thử tưởng tượng xem hàng nghìn cái quạt như vậy hoạt động cùng một lúc. Chúng phát ra tiếng ồn không thua gì động cơ máy bay phản lực”.
Hơn 100 hộ gia đình sống trong phạm vi 5 dặm tính từ nhà máy Bitcoin đều bị ảnh hưởng bởi tiếng ồn. Ô nhiễm tiếng ồn khiến cuộc sống của nhiều người trở nên khổ cực. Ông Larry Potts (77 tuổi), cư dân Granbury, cho biết: “Tôi không ngủ được, đấy là cái khổ thứ nhất. Cái khổ thứ hai là tôi bị mất thính lực gần 100%... Tôi vừa mới thiếp đi được một lúc thì tim tôi ngừng đập. Đến bệnh viện cấp cứu thì bác sỹ bảo là tôi bị tắc nghẽn nhĩ thất, tăng huyết áp và trầm cảm. Bây giờ tôi sống chỉ nhờ vào máy tạo nhịp tim, nhưng cũng chẳng biết kéo dài được bao lâu”.
Bà Geraldine Lathers (72 tuổi), hàng xóm của ông Larry, phải nằm viện ba ngày vì tăng huyết áp và chóng mặt. Cô Jenna Hornbuckle (38 tuổi) sống cùng khu phố bị đau tim và điếc tai phải. Con gái 8 tuổi Victoria của cô thì bị viêm tai đến mức phải đặt ống nghe trong tai. Một nạn nhân khác là cô Avari Burns (19 tuổi) đang vừa phải chống chọi với bệnh ung thư lẫn những cơn đau đầu dai dẳng vì tiếng ồn. Tất cả những trường hợp trên cũng đều cho biết họ từng bị mất tập trung, nôn mửa, tay chân run rẩy, v.v... Nhiều gia đình đã phải chuyển nhà tạm thời, ngay cả việc học hành của con cái họ cũng bị bỏ dở.
Bác sỹ tai mũi họng Stephen Krzeminski có phòng khám tại Granbury. Ông cho biết: “Sóng âm hoàn toàn có thể gây hại đến cơ thể và tâm lý con người. Ngay cả tiếng kèn vuvuzela thôi cũng đã có thể khiến nhiều người hoảng loạn, nôn mửa, mất thăng bằng, hay thậm chí là đau tim. Tiếng ồn từ nhà máy Bitcoin gấp nghìn lần tiếng kèn vuvuzela, mà nó còn kéo dài 24/24”.
Giáo sư, bác sỹ tim mạch người Đức Thomas Münzel, đang trực tiếp nghiên cứu tác động của ô nhiễm tiếng ồn ở Granbury, giải thích: “Cơ quan Môi trường châu Âu quy định rằng bất kỳ âm thanh nào to hơn 55 decibel bị coi là ô nhiễm tiếng ồn vì có tác động xấu đến sức khỏe. Tiếng ồn phát ra từ trạm đào Bitcoin ở Granbury lên đến từ 70 - 90 decibel... Tôi từng nghiên cứu việc liệu những người trẻ khỏe mạnh bị ảnh hưởng như thế nào bởi âm thanh ở mức 63 decibel. Kết quả là chỉ sau một đêm sức khỏe tim mạch của họ suy giảm hoàn toàn. Những người sống trong môi trường bị ô nhiễm tiếng ồn không chỉ mắc các bệnh về thính giác, tim mạch, v.v... mà về lâu dài não bộ của họ sẽ thay đổi, trẻ em thì bị thiểu năng trí tuệ còn người già thì dễ mắc chứng mất trí nhớ”.
Không chỉ mỗi con người ở Granbury bị nhà máy đào Bitcoin “đầu độc”. Nhiều con chó, mèo, thỏ và các loại vật nuôi khác bị rụng lông, đau tim và mắc chứng lúc nào cũng trong trạng thái hoảng loạn. Gia súc, gia cầm như bò, gà, cừu, v.v... thì không thể mang thai, đẻ trứng hoặc bị sảy thai. Ngay cả cây cối cũng không thoát. Anh Jerry Campbell, một người dân địa phương, cho biết: “Trước cửa nhà tôi có cây sồi được cụ năm đời của tôi trồng. Cái cây sống mấy thế kỷ rồi mà vẫn xanh tốt. Vậy mà chỉ hơn nửa năm kể từ khi có trạm đào Bitcoin là cây đã rụng hết lá, rồi hơn nửa năm nữa là cây chết khô. Tôi sống cả đời ở Texas mà chưa từng thấy chuyện này xảy ra ngay cả vào những mùa hè khô hạn nhất”.
Ông John Shirley, cảnh sát trưởng hạt Hood, đã dành nhiều tháng để điều tra thu thập chứng cứ về trạm “đào” Bitcoin. Cứ mỗi buổi sáng trước lúc bình minh là ông lại đến gần trạm “đào” để đo tiếng ồn. Sau nhiều tháng đo đạc thì kết quả trung bình ông John ghi lại được là 91 decibel, nghĩa là tiếng ồn do trạm “đào” phát ra to hơn tiếng của máy cắt cỏ và xấp xỉ tiếng cưa máy. Ai dùng máy cắt cỏ hay cưa máy cũng đều phải đeo bịt tai để bảo vệ thính giác. Vậy mà người dân sống xung quanh nhà máy phải lắng nghe tiếng ồn tối ngày mà không có cái gì bảo vệ tai họ.
Bằng chứng có trong tay nhưng cảnh sát trưởng cũng không thể làm gì. Bang Texas không hề có bất kỳ điều luật nào quy định cơ sở sản xuất, kinh doanh phải ngừng hoạt động do gây ra ô nhiễm tiếng ồn. Ông John chỉ biết viết vé phạt, mỗi lần như vậy là phạt 500 USD mà Công ty Marathon cũng không chịu trả. Hiện tổng giá trị số vé phạt đã lên đến 17.500 USD, trong khi Công ty Marathon chỉ trong quý I/2024 đã kiếm được 165 triệu USD. Marathon mới đây còn đi kiện ông John và Sở Cảnh sát hạt Hood. Luật sư Patrick Ryan, một người dân Granbury cho biết: “Đơn kiện dân sự mà Marathon dùng đến hai, ba luật sư chuyên nghiệp... Họ không chỉ muốn kiện cảnh sát để không phải trả tiền phạt. Họ muốn sử dụng vụ này làm tiền đề “diệt” mọi đơn thư khiếu nại khác của người dân sống quanh trạm đào”.
Cuộc chiến dai dẳng
Hiện nay có một bức tường gạch bao quanh toàn bộ trạm “đào” Bitcoin Granbury. Chủ sở hữu nhà máy xây bức tường này để chống tiếng ồn. Nhưng tiếng ồn phát ra từ cơ sở đào tiền ảo lại còn to hơn. Hóa ra là họ xây tường nhưng cũng tăng thêm số máy tính hoạt động, tức là tăng thêm số quạt làm mát. Mà ngay cả bức tường của họ cũng là tường trơn chứ không phải là tường cách âm. Tiếng ồn của quạt đập vào tường rồi tạo nên hiện tượng cộng hưởng nên càng to hơn, càng nguy hiểm hơn.
Điều trớ trêu là Marathon hoàn toàn có thể chạy máy tính “đào” tiền ảo mà không phát ra tiếng ồn. Họ chỉ cần lắp hệ thống làm mát bằng nước cho máy tính. Nhiều cơ sở “đào” Bitcoin đã và đang làm vậy. Nhưng lắp đặt hệ thống này không hề rẻ. Marathon sử dụng quạt công nghiệp để tiết kiệm chi phí lắp đặt hệ thống làm mát bằng nước. Kết quả là dân cư địa phương phải “cõng” chi phí về môi trường và sức khỏe thay cho Marathon.
Hơn 800 người dân đã cùng ký tên vào một lá đơn kêu cứu gửi lên lưỡng viện cấp bang Texas. Nhưng theo hai dân biểu Nannette Samuelson và Shannon Wolf, những người đã đem trình lá đơn này lên hội đồng cấp bang, thì: “Tâm lý chung của người dân và chính quyền Texas là không thích bị luật pháp ràng buộc. Mặt khác thì các chính trị gia cũng đang rất muốn “đón đầu” làn sóng tiền ảo. Không ai muốn đặt ra quy định kiểm soát các cơ sở đào tiền ảo, cho dù là để bảo vệ sức khỏe của chính cử tri họ”.
Cầu cứu lên chính quyền không được, người dân Granbury đang tính đến chuyện đi kiện Marathon. Một số tổ chức hoạt động vì môi trường đang tìm cách giúp đỡ họ. Luật sư Mandy DeRoche của tổ chức môi trường EarthJustice cho biết: “Các cơ sở “đào” crypto thường tìm đến những nơi nào có giá điện rẻ nhất và ít quy định bảo vệ môi trường nhất để làm nơi hoạt động. Chúng ta không thể để tình trạng này kéo dài lâu hơn được. Những cơ sở “đào” tiền ảo tiêu thụ rất nhiều năng lượng, không tạo ra việc làm cho người dân địa phương, gây ô nhiễm môi trường và làm hại sức khỏe người dân”.