Khốn khổ vì sống chung với ô nhiễm

Dù được đầu tư hàng ngàn tỉ đồng nhưng những công trình như: kênh Bắc, hào thành cổ, hồ điều hòa, hồ Vinh Tân… ở TP Vinh, tỉnh Nghệ An vẫn là 'điểm đen' về ô nhiễm môi trường

Theo thống kê, trên địa bàn TP Vinh, tỉnh Nghệ An có 13 hồ, kênh với tổng diện tích mặt nước 83,3 ha. Các hồ, kênh này dù mới được đầu tư cải tạo, xây dựng lại với số tiền lên đến hàng ngàn tỉ đồng nhưng đã xuất hiện tình trạng bồi lấp khiến nước thải tồn đọng trở thành những "điểm đen" về ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của hàng ngàn người dân.

Người dân ngán ngẩm

Dự án cải tạo, nâng cấp kênh Bắc (TP Vinh) với nguồn vốn vay 98 triệu USD và nguồn vốn đối ứng trị giá hơn 30 triệu USD đã hoàn thiện và đưa vào sử dụng từ năm 2016.

Tuy nhiên, theo ghi nhận của phóng viên Báo Người Lao Động vào những ngày cuối tháng 8-2024, nguồn nước tại kênh Bắc có màu đen ngòm, bốc mùi hôi nồng nặc. "Nước kênh Bắc hôi thối mấy chục năm nay, đến năm 2016 khi nghe thành phố đầu tư hàng trăm tỉ đồng để cải tạo, người dân ai cũng vui mừng vì nghĩ sẽ thoát cảnh sống chung với ô nhiễm. Ai ngờ, làm xong, kênh vẫn là nơi tập kết nước thải, quanh năm bốc mùi nồng nặc" - anh Nguyễn Văn Vĩnh (trú phường Hà Huy Tập, TP Vinh) bức xúc.

Không chỉ ảnh hưởng đến đời sống của người dân phường Hà Huy Tập, mùi hôi từ nước thải của kênh Bắc còn ảnh hưởng đến đời sống của hàng ngàn người dân ở các phường Hưng Phúc, Hưng Dũng và xã Hưng Lộc cũng như người dân tham gia giao thông dọc tuyến kênh dài nhiều km này. "Ngày nào tôi cũng đi xe máy dọc theo kênh Bắc từ phường Hà Huy Tập xuống xã Hưng Lộc, mỗi lần đi qua đây đều phải lấy tay bịt mũi vì không chịu được mùi hôi thối bốc lên" - anh Lê Văn Việt (trú phường Đông Vĩnh, TP Vinh) nói.

Tại hồ điều hòa lớn nhất TP Vinh (diện tích 53 ha, nằm trên địa phận 2 xã Hưng Hòa và Hưng Lộc) được đầu tư xây dựng với số tiền hàng ngàn tỉ đồng. Từ khi đưa vào sử dụng năm 2017, hồ điều hòa lại trở thành điểm tập kết chứa nước thải ô nhiễm từ nhiều nơi trong TP Vinh đổ về. Ông Dương Xuân Thám, Phó Chủ tịch UBND xã Hưng Hòa, cho biết sau khi xây dựng xong, nước thải khắp nơi trong thành phố đổ dồn về khiến hồ điều hòa bị ô nhiễm nặng. Nhiều hôm nước bốc mùi hôi nồng nặc, cá chết nổi khắp mặt hồ. Trước thực trạng nguồn nước của hồ điều hòa gây ô nhiễm, chính quyền đã nhiều lần có ý kiến, các cơ quan chức năng liên quan đã tổ chức họp, kiểm tra nhưng vẫn chưa xử lý được.

Tương tự, dự án nâng cấp và cải tạo kênh hào xung quanh thành cổ Vinh được phê duyệt, tổng số vốn hơn 138 tỉ đồng, dự án hoàn thành vào cuối năm 2018. Trái với kỳ vọng ban đầu, khi dự án đưa vào sử dụng, tình trạng ô nhiễm tại khu vực quanh thành cổ vẫn không được cải thiện. Ông Trần Đức Toàn, trú phường Đội Cung, bức xúc: "Cứ tưởng nhà nước bỏ ra cả trăm tỉ đồng thì tình hình ô nhiễm sẽ được cải thiện, ai ngờ vẫn thành nơi chứa nước thải, quanh năm hôi thối nồng nặc".

Mặc dù được đầu tư hàng trăm tỉ đồng nhưng nước ở kênh Bắc, TP Vinh quanh năm bốc mùi hôi thối nồng nặc

Mặc dù được đầu tư hàng trăm tỉ đồng nhưng nước ở kênh Bắc, TP Vinh quanh năm bốc mùi hôi thối nồng nặc

Khó xử lý triệt để

Trước thực trạng nguồn nước tại các kênh, hồ trên địa bàn bị ô nhiễm nghiêm trọng, ảnh hưởng đời sống của hàng ngàn hộ dân, ngày 30-7, ông Trần Ngọc Tú, Chủ tịch UBND TP Vinh, đã chủ trì cuộc họp với các cơ quan chức năng, địa phương liên quan nhằm đưa ra những giải pháp xử lý.

Chủ tịch UBND TP Vinh chỉ ra nhiều nguyên nhân dẫn đến việc nguồn nước bị ô nhiễm. Đó là do công tác lãnh đạo, chỉ đạo chưa thật sự quyết liệt và đồng bộ, còn đùn đẩy trách nhiệm. Tiến độ giải quyết còn chậm, phân công phân nhiệm chưa rõ ràng trong công tác quản lý hồ, kênh. Chưa ban hành quy trình vận hành hệ thống thoát nước tổng thể; công tác nạo vét, xử lý ô nhiễm còn manh mún, mang tính đối phó...

Ông Võ Tuấn Anh, Phó Giám đốc Công ty CP Quản lý và Phát triển hạ tầng đô thị Vinh, cho biết nguyên nhân dẫn đến tình trạng nguồn nước tại các kênh, hồ trên địa bàn TP Vinh ô nhiễm là do hạ tầng kỹ thuật thu gom, xử lý nước thải bị quá tải, xuống cấp, không đồng bộ, vì vậy nước thải chưa được thu gom triệt để, có nhiều thời điểm chảy trực tiếp vào hồ, kênh mà không qua giếng tách. Mặt khác, do bùn từ hệ thống kênh, mương bị mưa đẩy vào hồ gây bồi lắng nhưng công tác nạo vét chưa thực hiện thường xuyên dẫn đến tình trạng nước thải tồn đọng, bốc mùi.

"Theo tính toán, lượng nước thải ra trên địa bàn TP Vinh khoảng 50.000 m3/ngày, trong lúc thiết kế của nhà máy hiện chỉ xử lý được khoảng 25.100 m3/ngày. Hệ thống quá tải, không thu gom, xử lý hết được nên lượng nước thải thừa chảy tràn ra ngoài gây ô nhiễm là điều khó tránh khỏi" - ông Tuấn Anh nói.

Ông Trần Quang Lâm, Phó Chủ tịch UBND TP Vinh, cho biết tình trạng ô nhiễm kênh, hồ trên địa bàn ảnh hưởng đời sống người dân đã diễn ra nhiều năm nay, mới đây thành phố đã tổ chức họp nhằm đưa ra hướng xử lý trước mắt. Về lâu dài cần có sự nghiên cứu kỹ lưỡng để đưa ra các giải pháp tối ưu từ việc thu gom, xử lý nước thải nhằm giảm thiểu những ảnh hưởng không tốt tới môi trường.

Hồ điều hòa TP Vinh thành nơi “tập kết” nước thải của cả thành phố

Hồ điều hòa TP Vinh thành nơi “tập kết” nước thải của cả thành phố

Ngày 21-8, UBND TP Vinh đã ban hành kế hoạch "Giải quyết ô nhiễm môi trường hồ, kênh trên địa bàn TP Vinh". Theo đó, yêu cầu Phòng Tài nguyên và Môi trường TP Vinh nghiên cứu, trao đổi với đơn vị tư vấn, các chuyên gia có kinh nghiệm xử lý môi trường để tham mưu giải pháp, cách làm mới trong xử lý ô nhiễm môi trường hồ, kênh, áp dụng phương án xử lý ô nhiễm nước hồ bằng hóa chất trong trường hợp xảy ra ô nhiễm nghiêm trọng. Chủ trì kiểm tra, đôn đốc, biểu dương, nhắc nhở, phê bình các phòng ban, đơn vị trong việc thực hiện kế hoạch này.

Bài và ảnh: Đức Ngọc

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/khon-kho-vi-song-chung-voi-o-nhiem-196240829220105359.htm