'Không ai bị bỏ lại phía sau' - Giấc mơ miễn viện phí đang thành hình
Chưa bao giờ trong lịch sử ngành y tế Việt Nam, giấc mơ về một nền y tế không rào cản, nơi mọi người dân đều có thể tiếp cận điều trị mà không còn nỗi lo về chi phí lại gần với hiện thực như lúc này.
Chủ trương miễn viện phí toàn dân được Tổng Bí thư Tô Lâm chính thức khởi xướng đã chạm đến trái tim của hàng triệu người dân, đặc biệt là những người đã từng gánh chịu thiệt thòi vì bệnh tật và hoàn cảnh.

Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, Đào Xuân Cơ trao đổi với phóng viên.
PGS-TS.Đào Xuân Cơ, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, người đã có gần 30 năm làm nghề y, với không ít trải nghiệm từ những ca bệnh phức tạp đến những câu chuyện đời lay động đã gọi đây là một "tuyên ngôn cách mạng" trong sự nghiệp chăm sóc sức khỏe nhân dân.
Ông không giấu nổi xúc động khi nhắc lại những hình ảnh quen thuộc, lặp đi lặp lại suốt nhiều năm: bệnh nhân nghèo vượt hàng trăm cây số lên tuyến cuối trong tình trạng nguy kịch, gia đình kiệt quệ về tài chính sau mỗi đợt điều trị.
Có những gia đình vừa thoát nghèo lại rơi vào cảnh tái nghèo chỉ vì một lần nằm viện cho người thân. Vì thế, khi nghe Tổng Bí thư nêu rõ quyết tâm về việc miễn viện phí toàn dân, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai thấy như có một cánh cửa mới được mở ra không chỉ là cho ngành y, mà là cho từng phận người đang âm thầm gồng gánh nỗi đau bệnh tật.
Theo lộ trình được định hướng, từ năm 2026, mọi người dân sẽ được khám sức khỏe định kỳ ít nhất một lần mỗi năm. Giai đoạn 2030 - 2035, việc miễn viện phí sẽ được mở rộng cho toàn dân, sau khi đã triển khai ưu tiên trước cho các nhóm yếu thế như người nghèo, người có công, trẻ em, người cao tuổi. Một lộ trình bài bản, thận trọng nhưng đầy tính hiện thực bởi đằng sau đó là sự chuẩn bị công phu cả về chính sách, nguồn lực và đồng thuận xã hội.
Tuy nhiên, theo PGS.Đào Xuân Cơ, giấc mơ này sẽ không thể thành hiện thực nếu thiếu đi ba trụ cột quan trọng: bảo hiểm y tế toàn dân - toàn diện - đa dạng; ngân sách nhà nước đầu tư mạnh mẽ cho hệ thống y tế, đặc biệt ở những vùng khó khăn; và nguồn lực xã hội hóa từ các doanh nghiệp, tổ chức thiện nguyện, những trái tim cùng hướng về cộng đồng.
Người đứng đầu Bệnh viện Bạch Mai khẳng định, mô hình các bệnh viện phi lợi nhuận ở nhiều quốc gia phát triển có thể là bài học quý để Việt Nam học hỏi. “Nếu biết cách huy động và điều phối hiệu quả các nguồn lực, cộng với tốc độ phát triển kinh tế và quyết tâm chính trị như hiện nay, thì mục tiêu miễn viện phí là hoàn toàn khả thi”, ông nói.
Không dừng lại ở tầm nhìn chiến lược, Bệnh viện Bạch Mai, nơi ông đang lãnh đạo đã xác định rõ vai trò và sứ mệnh của mình trong quá trình chuyển mình lịch sử này.
Với vị thế là bệnh viện đa khoa hạng đặc biệt, Bạch Mai sẽ tiếp tục đảm đương những ca bệnh nặng, hiếm, phức tạp nhất; đồng thời là trung tâm đào tạo nguồn nhân lực y tế chất lượng cao, nơi những thế hệ bác sĩ, điều dưỡng được rèn luyện cả về chuyên môn lẫn y đức.
Ngoài ra, nghiên cứu y học chuyên sâu cũng là một mũi nhọn chiến lược với kỳ vọng Việt Nam không chỉ theo kịp mà còn có thể đóng góp cho y học thế giới bằng những phát minh, sáng kiến mới.
Tuy nhiên, để y tế thực sự chạm tới từng người dân, thì tuyến cơ sở mới là nơi cần được tiếp sức nhiều nhất. PGS.TS Đào Xuân Cơ cho rằng, đã đến lúc chúng ta cần thay đổi cách tiếp cận trong đào tạo và sử dụng nhân lực y tế cho tuyến xã, tuyến huyện.
Những người làm y tế cơ sở không cần quá chuyên sâu như ở tuyến trung ương, nhưng họ phải đa năng, từ đỡ đẻ, cấp cứu, xử lý bệnh lý thông thường đến tiêm phòng và chăm sóc răng miệng cơ bản. Họ cần được đào tạo sát với nhu cầu thực tế, được tuyển dụng từ chính địa phương để gắn bó và phục vụ cộng đồng một cách bền vững.
Bên cạnh đó, chính sách đãi ngộ và điều kiện làm việc cho đội ngũ này cũng cần được cải thiện căn bản. Họ không thể làm tốt nhiệm vụ nếu thiếu thuốc men, thiết bị y tế và thu nhập không đủ sống.
Đặc biệt, việc ứng dụng công nghệ số, từ hồ sơ sức khỏe điện tử đến bệnh án liên thông sẽ giúp tuyến trên hỗ trợ tuyến dưới hiệu quả hơn, rút ngắn khoảng cách điều trị và giảm tải cho các bệnh viện trung ương.
Nhìn xa hơn, miễn viện phí không chỉ là giúp người bệnh giảm gánh nặng chi phí. Đó là một tư duy mới về chăm sóc sức khỏe toàn diện, nơi con người được đặt ở trung tâm của sự phát triển. Khi mỗi người dân đều được khám định kỳ, phát hiện bệnh sớm và điều trị kịp thời, chúng ta sẽ chuyển từ “chữa bệnh” sang “phòng bệnh”, từ bị động sang chủ động, từ đối phó sang kiến tạo.
Trong ánh mắt của một bác sỹ tâm huyết với ngành y, PGS.TS Đào Xuân Cơ không giấu được niềm tin và khẳng định rằng, chủ trương miễn viện phí là một tuyên ngôn nhân văn.
Điều này không chỉ làm ấm lòng người bệnh mà còn truyền cảm hứng và trách nhiệm cho những người làm thầy thuốc như ông mà ông tin rằng, với sự đồng lòng của toàn xã hội, với quyết tâm của Đảng và Chính phủ, chúng ta sẽ làm được điều đó để mỗi người dân Việt Nam đều có quyền được sống khỏe mạnh, được bảo vệ, và không ai bị bỏ lại phía sau.
Trước đó, ngày 9/5, tại lễ khai mạc một sự kiện quan trọng của ngành y tế Thứ trưởng Bộ Y tế PGS.TS Nguyễn Thị Liên Hương chia sẻ rằng Bộ này đang được giao trọng trách xây dựng một nghị quyết đột phá về chăm sóc sức khỏe nhân dân. Trong đó, nhiều giải pháp đang được đề xuất để phát triển y tế theo hướng công bằng, bền vững và bao trùm, với mục tiêu lâu dài là miễn viện phí cho tất cả người dân.
Đây là một bước đi mang tính cách mạng trong chính sách y tế, thể hiện quyết tâm xây dựng một xã hội nhân văn, nơi mọi người dân đều có quyền được tiếp cận các dịch vụ y tế chất lượng mà không lo ngại về chi phí.
Nếu được triển khai hiệu quả, chính sách này sẽ góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống, giảm gánh nặng chi phí y tế cho người dân, và tăng cường niềm tin vào hệ thống chăm sóc sức khỏe quốc gia.