Không bán tháo danh mục, giữ vị thế quan sát chờ đợi tín hiệu cân bằng trong các phiên sắp tới
Theo khuyến nghị của công ty chứng khoán, nhà đầu tư không nên bán tháo danh mục, tạm thời giữ vị thế quan sát chờ đợi tín hiệu cân bằng trong các phiên sắp tới...
Thị trường chứng khoán Việt Nam mở cửa phiên giao dịch đầu tiên sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán với sắc đỏ. Tâm lý nhà đầu tư bị ảnh hưởng bởi diễn biến tiêu cực của thị trường chứng khoán thế giới, đặc biệt là sự lao dốc của nhóm cổ phiếu công nghệ toàn cầu.
Kết thúc phiên giao dịch ngày 3/2, VN-Index giảm 12,02 điểm (0,95%) xuống 1.253,03 điểm. Toàn sàn HOSE có 166 mã tăng, trong khi có đến 308 mã giảm và 41 mã đứng giá. VN30-Index giảm đến 22,13 điểm (-1,65%) xuống 1.315,46 điểm.
Trong khi đó, HNX-Index vẫn giữ được sắc xanh khi tăng 0,48 điểm (0,22%) lên 223,49 điểm, với 85 mã tăng, 71 mã giảm và 56 mã đứng giá. UPCoM-Index tăng 0,21 điểm (0,22%) lên 94,51 điểm.
Thanh khoản thị trường được cải thiện đáng kể. Tổng khối lượng giao dịch trên HOSE đạt 547 triệu cổ phiếu (tăng 2% so với phiên trước), tương ứng giá trị giao dịch là 13.964 tỷ đồng (tăng 14,4%). Giá trị giao dịch khớp lệnh trên HOSE đạt 12.804 tỷ đồng, tăng 15,3%. Giá trị giao dịch trên HNX tăng 26% lên hơn 694 tỷ đồng và giá trị giao dịch trên UPCoM giảm 28% xuống 487 tỷ đồng.
Khởi đầu cho biến động tiêu cực của thị trường phiên hôm nay tập trung vào nhóm cổ phiếu công nghệ, trong đó FPT là cổ phiếu gây áp lực nhiều nhất.
Áp lực bán từ cả khối ngoại lẫn khối nội khiến cổ phiếu này đóng cửa giảm đến 5,15% xuống 145.500 đồng. Các cổ phiếu công nghệ khác như ICT, CMG, ELC… cũng đều chìm trong sắc đỏ.
Không chỉ FPT, áp lực bán còn diễn ra rất mạnh ở nhóm cổ phiếu lớn. Trong nhóm VN30 có đến 25 mã giảm trong khi chỉ có 4 mã tăng giá.
Các cổ phiếu như VNM, VIB, VPB, LPB… đều đồng loạt giảm sâu. VNM giảm đến 2,7%, VIB giảm 2,66%, VPB giảm 2%, TCB giảm 2%, BID giảm 1,5%... Nhóm cổ phiếu Viettel biến động không tích cực khi CTR giảm 5%, VTP giảm 4,8%, VTK và VGI cũng đều giảm giá sâu.
Ở chiều ngược lại, khá nhiều cổ phiếu khu công nghiệp đi ngược lại xu hướng thị trường chung, trong đó, VGC tăng 1,6%, GVR tăng 1,56%, KBC tăng 1,38%... Nhóm cảng biển – vận tải biển cũng ghi nhận một số cổ phiếu tích cực.
Tạm thời giữ vị thế quan sát
Chứng khoán Kiến Thiết Việt Nam (CSI)
Vạn sự khởi đầu nan, thị trường Việt Nam có phiên khởi đầu năm Ất Tỵ đầy khó khăn với mức giảm hơn 12 điểm. VN-Index đóng cửa sát mức 1.250 điểm cùng với mức thanh khoản vượt 19,6% so với mức bình quân 20 phiên cho thấy áp lực bán tăng mạnh trong phiên đầu năm.
Tuy nhiên, xu hướng tăng điểm vẫn chưa hoàn toàn bị phủ định, chỉ số vẫn đóng cửa trên đường MA20, MA50 và chưa hoàn toàn xóa bỏ thành quả trong 2 phiên bùng nổ cuối năm.
Thị trường giảm điểm mạnh, tuy nhiên không xuất hiện tình trạng bán tháo mà dòng tiền vẫn phân hóa chảy đến nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ. Trong khi thị trường tài chính toàn cầu trải qua nhiều phen chao đảo thì thị trường Việt Nam vẫn yên bình trong kỳ nghỉ lễ.
Phản ứng của VN-Index cũng không quá tiêu cực so với các thị trường chứng khoán khác trong khu vực. Vì vậy, chúng tôi khuyến nghị nhà đầu tư không nên bán tháo danh mục, tạm thời giữ vị thế quan sát chờ đợi tín hiệu cân bằng trong các phiên sắp tới.
Tăng tỷ trọng sang các mã vẫn duy trì được xu hướng tích lũy
Chứng khoán Vietcombank (VCBS)
Thị trường chịu áp lực điều chỉnh và giảm điểm chủ yếu là do nhóm bluechip, nhưng nhìn chung chưa quá tiêu cực khi dòng tiền bắt đáy vẫn hiện hữu. Chúng tôi khuyến nghị các nhà đầu tư bình tĩnh và tìm kiếm cơ hội giảm tỷ trọng các cổ phiếu có tín hiệu điều chỉnh mạnh.
Đồng thời, chuyển dần tỷ trọng sang các mã vẫn duy trì được xu hướng tích lũy và đang thu hút được lực cầu thuộc một số nhóm ngành như phân đạm-hóa chất, xây dựng.
Thị trường tiếp tục chịu chi phối bởi xu hướng đi ngang
Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV)
Việc hình thành nến giảm điểm khá đột ngột sau kỳ nghỉ lễ của VN-Index, bất chấp các phiên tăng tích cực trước đó, phản ánh những tác động mạnh mang tính ngoại biên. Mặc dù chỉ số đã có nỗ lực lấy lại một phần điểm số đã mất về cuối phiên nhưng về tổng thể vẫn cho thấy một phiên nghiêng về chiều hướng phân phối tiêu cực.
Thị trường tiếp tục chịu chi phối bởi xu hướng đi ngang chủ đạo cả trong ngắn và trung hạn nên diễn biến tăng giảm đan xen, phản ứng trái chiều tại các vùng kháng cự/hỗ trợ nhiều khả năng sẽ còn tiếp diễn.
Nhiều khả năng sẽ tiếp tục biến động rung lắc
Chứng khoán Asean
Chúng tôi cho rằng thị trường chứng khoán Việt Nam nhiều khả năng sẽ tiếp tục biến động rung lắc trong thời gian tới đồng pha với các thị trường chứng khoán trên thế giới đặc biệt là thị trường Mỹ. Tuy nhiên, về trung và dài hạn, thị trường vẫn có nhiều điều kiện hỗ trợ như triển vọng nâng hạng thị trường và tiềm năng tăng trưởng tốt của nội tại nền kinh tế.
Đồng thời, việc DXY giảm vẫn sẽ là xu hướng tất yếu trong môi trường nới lỏng chính sách tiền tệ, dòng vốn vẫn sẽ dần quay trở lại thị trường đầu tư mới nổi và có tiềm năng tăng trưởng cao như Việt Nam.
Nhận định thị trường của các công ty chứng khoán được Thương gia trích dẫn nguyên văn chỉ có giá trị như một nguồn thông tin tham khảo. Các công ty chứng khoán có thể có những xung đột lợi ích đối với các nhà đầu tư khi đưa ra nhận định.