Tiêu dùng xanh để góp phần bảo vệ môi trường
Nhiều cá nhân, hộ gia đình đã thay đổi thói quen tiêu dùng, chọn lựa các sản phẩm an toàn, thân thiện với môi trường, tự cung tự cấp thực phẩm sạch..., hướng đến tiêu dùng xanh để bảo vệ sức khỏe của bản thân và góp phần bảo vệ môi trường bền vững.
Thay đổi thói quen
Tận dụng khoảng trống trên sân thượng của ngôi nhà 4 tầng, 5 năm nay, gia đình bà Hồ Thu Lợi (Tổ dân phố 1 Phước An Hòa, phường Phước Hải, TP. Nha Trang) tự trồng rau nên lúc nào cũng có rau sạch để dùng. Ngoài trồng thủy canh, gia đình bà còn đóng những tấm mica thành các luống dài và rộng để có thể trồng nhiều rau hơn, từ rau muống, rau má, rau cải, xà lách, rau đay, mồng tơi, cải rổ, rau lang, các loại rau thơm đến bầu, mướp, khổ qua, chanh… Sau mỗi đợt thu hoạch, bà tận dụng những phần không dùng được đem ủ thành phân xanh và bón lại vào đất. Ngoài ra, gia đình bà còn tự mua cá về làm mắm. “Việc trồng và chăm sóc rau không chỉ mang lại nguồn thực phẩm an toàn cho cả nhà mà còn giúp vợ chồng tôi có những giờ phút vui vẻ, thư giãn khi nhìn thấy thành quả vun trồng”, bà Lợi chia sẻ.
Còn bà Mai Thị Hồng Lê (Tổ dân phố Phước Thành 1, phường Phước Long, Nha Trang) từ 2 năm nay đã thay đổi thói quen đi chợ. Bà thường mang giỏ nhựa, giỏ cói để đi chợ thay vì sử dụng túi ni-lông của người bán như trước đây. Rau, củ, quả được bỏ vào giỏ, còn cá và thịt được đựng trong hộp mang theo. Bà Lê còn tuyên truyền cho hàng xóm và hội viên phụ nữ ở tổ dân phố về tác hại của túi ni-lông và khuyến khích sử dụng ly, chai thủy tinh trong các cuộc họp.
Có thể nói, xu hướng tiêu dùng xanh đang dần phổ biến hơn trong cộng đồng, với mong muốn bảo vệ sức khỏe và môi trường sống. Bên cạnh đó, người dân cũng ưu tiên sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường, bao bì tái chế, thực phẩm hữu cơ, chọn mua các thiết bị điện sử dụng năng lượng mặt trời... Một số khác hướng đến lối sống tối giản, hạn chế mua sắm quá nhiều quần áo, vật phẩm, chọn đồ chơi gỗ thay thế đồ chơi nhựa cho trẻ em, tái chế các sản phẩm đã qua sử dụng thành những đồ dùng thiết thực...
Đòi hỏi sự chung tay nỗ lực
Tiêu dùng xanh mang đến cho con người và cuộc sống nhiều lợi ích, nhưng để hình thành thói quen này là điều không mấy dễ dàng. Ông Huỳnh Nguyên Hà - Giám đốc Siêu thị Co.opmart Nha Trang cho biết, trước đây, siêu thị đã tổ chức các đợt phát động vì môi trường như sử dụng lạt tre, lá chuối để gói rau củ, nhưng chi phí đội lên nhiều. Hiện nay, siêu thị đang sử dụng một số loại túi tự hủy, túi giấy nhằm góp phần bảo vệ môi trường, khuyến khích người dân hạn chế sử dụng các sản phẩm làm từ nhựa. Thực tế, đa số người tiêu dùng vẫn chuộng giá rẻ, do đó các nhà sản xuất và phân phối sản phẩm cũng hướng tới các sản phẩm rẻ để đáp ứng nhu cầu, như sản phẩm nhựa, dẫn đến lượng rác thải nhựa ngày càng lớn. Còn các sản phẩm hữu cơ, sản phẩm thân thiện với môi trường thường đều có giá thành cao nên rất khó cạnh tranh với các sản phẩm giá bình dân trên thị trường.
Những năm gần đây, tại TP. Nha Trang, một số cửa hàng thực phẩm sạch, nông sản hữu cơ và hoa quả sạch đã ra đời và có phân khúc khách hàng nhất định. So với các chợ truyền thống, sản phẩm ở những cửa hàng này có giá cao hơn nhiều nhưng vẫn được một bộ phận người tiêu dùng lựa chọn vì có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng. Một số quán cà phê, nhà hàng, khách sạn, cơ quan... sử dụng ống hút giấy, inox thay cho ống hút nhựa, dùng chai thủy tinh, bình inox thay cho chai nhựa. Một số đơn vị, cá nhân đứng ra tổ chức các workshop bán sản phẩm tái chế; đổi rác thải nhựa, pin cũ lấy quà... nhằm tuyên truyền người dân từng bước thay đổi hành vi tiêu dùng. Mỗi nỗ lực nhỏ đều đáng ghi nhận, song để tiêu dùng xanh trở thành thói quen, lối sống đòi hỏi sự thay đổi lớn từ người tiêu dùng, doanh nghiệp, sự hỗ trợ từ Nhà nước trong việc tiếp cận, sử dụng, cung ứng các sản phẩm xanh, thân thiện với môi trường. Qua đó, góp phần xây dựng môi trường sống chất lượng hơn.
H.NGÂN - HÒA TRANG