'Không bệnh viện nào muốn nhận tiền bồi thường đào tạo của bác sĩ'

Nhân viên y tế nghỉ việc đa phần vì thu nhập và các chế độ đãi ngộ ở bệnh viện công lập thấp hơn tư nhân. Nếu không giải được bài toán tăng thu nhập, làn sóng dịch chuyển lao động sẽ tiếp tục diễn ra.

LỜI TÒA SOẠN

Đầu tháng 3, Sở Y tế tỉnh Bình Dương đã ra văn bản gửi các cơ sở y tế, trường đại học y dược, đơn vị trực thuộc Sở Y tế cả nước đề nghị không tiếp nhận, tuyển dụng, đào tạo đối với 6 bác sĩ vi phạm cam kết đối với tỉnh. Họ thuộc diện được cấp kinh phí đi đào tạo, tiền hỗ trợ thu hút nhân lực, cam kết thời gian phục vụ.

Tuy nhiên, trước khi hoàn thành thời gian làm việc theo cam kết, 6 bác sĩ đã nghỉ việc, chưa bồi thường chi phí đã nhận cho tỉnh.

Lãnh đạo Sở Y tế Bình Dương cho rằng quyết định ra văn bản này là “bất đắc dĩ”. Còn về phía các bác sĩ, nhiều ý kiến băn khoăn và đặt câu hỏi tại sao họ vẫn quyết định nghỉ việc khi biết rằng phải đền bù số tiền kinh phí không nhỏ và việc bị nêu tên trong văn bản này chắc chắn đã ảnh hưởng không nhỏ đến danh dự, sự nghiệp.

VietNamNet xin đăng tải tuyến bài Phía sau cam kết đào tạo bác sĩ với mong muốn phần nào phản ánh được câu chuyện thực tế của những người trong cuộc, từ sự khó khăn của bác sĩ cho đến nỗi trăn trở của bệnh viện.

Kỳ 1: 5 triệu đồng không đủ cho bác sĩ sống, tôi chấp nhận đền bù để được nghỉ việc

Kỳ 2: Để được 10 triệu đồng ở viện công, bác sĩ phải cống hiến chục năm

Bác sĩ chấp nhận đền bù để nghỉ việc: Bài học cho bệnh viện

Tiến sĩ Nguyễn Huy Quang, nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế cho rằng cam kết về việc đào tạo giữa bác sĩ và bệnh viện đang thực hiện ở các nơi đều phù hợp. “Khi bạn được cử đi học, cơ sở đã tạo điều kiện thì bạn phải mang lại lợi ích phát triển cho đơn vị. Nếu không có cam kết, tôi nghĩ rằng ai đi học về cũng 'bùng' thì bệnh viện chỉ là nơi thử việc cho bác sĩ”, ông Quang chia sẻ quan điểm.

Thực tế, ông cho biết nhiều bệnh viện tuyến tỉnh, tuyến huyện bác sĩ xin vào làm việc và được đi học thêm về một kỹ thuật. Bệnh viện đó triển khai, được bảo hiểm y tế thanh toán. Nhưng đột xuất, bác sĩ thấy lương thấp quá, bỏ việc và vị trí đó trống… bệnh viện phải thay người hoặc bỏ luôn kỹ thuật đã thực hiện. “Bệnh viện thiệt đơn, thiệt kép và không ai muốn khi nhận tiền bồi hoàn của bác sĩ nếu họ phá cam kết”, ông nói.

TS Nguyễn Huy Quang, nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế.

TS Nguyễn Huy Quang, nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế.

Theo ông Quang, phía sau những cam kết đào tạo không chỉ là cái lý mà còn cả tình. Nếu bác sĩ, bệnh viện dung hòa được điều đó sẽ phù hợp mang lại lợi ích cho nhà nước, nhân dân thay vì chúng ta đang chủ nghĩa cá nhân.

Theo luật sư Phạm Văn Học, Chủ tịch Hội đồng quản trị hệ thống y tế Hùng Vương, hai năm qua số lượng y bác sĩ nghỉ việc tăng đột biến. Ông Học cho rằng nguyên nhân nghỉ việc có thể đến từ trước khi có dịch Covid-19 nên khi hết dịch họ bắt đầu thôi việc, đây cũng là điều bình thường.

Hiện tại, Bệnh viện đa khoa Hùng Vương có hơn 1.000 cán bộ công nhân viên. Ngoài hợp đồng, chế độ phúc lợi cho người lao động cũng là điều kiện để họ cống hiến làm việc.

Nhận định về trường hợp cơ sở y tế cho cán bộ đi học sau đó họ lại nghỉ việc dù phải đền bù, ông Học đánh giá đây là bài học để đơn vị đó xem xét lại vì sao họ nghỉ việc, không thể đổ lỗi cho người lao động.

“Bởi vì tâm lý người lao động không ai thích nhảy việc. Dư luận không nên quy chụp lỗi do bệnh viện hay bác sĩ”, ông nói.

Ở góc độ pháp luật, ông Học cho biết các thỏa thuận cam kết đào tạo giữa bệnh viện và nhân viên y tế cần đảm bảo đúng luật. Các hợp đồng ký dựa trên 3 nguyên tắc: các thỏa thuận, không được trái luật pháp, không trái đạo lý. Vì vậy, hợp đồng dù là thỏa thuận nhưng trái pháp luật thì cũng vô hiệu hóa. Do đó, theo ông, khi ký thỏa thuận, nhân viên y tế cần phải tìm hiểu các điều luật từ luật dân sự, luật về giáo dục và đào tạo để đánh giá các điều khoản trong cam kết có phù hợp với quy định của pháp luật hay không.

Giữ chân bác sĩ bằng cách nào?

Luật sư Học cho rằng cách giữ chân người lao động tốt nhất đó là đảm bảo cuộc sống cho họ. Một bác sĩ trẻ làm việc ở bệnh viện công lập với mức lương theo hệ số quy định, họ chỉ nhận được khoảng 4-5 triệu đồng/tháng và một số khoản thu khác.

Tuy nhiên, các bệnh viện công đang gặp khó khăn trong việc định giá khám chữa bệnh. Việc định giá chậm, giá dịch vụ theo yêu cầu chưa rõ ràng, cơ cấu giá chung chung nên phần thu nhập tăng thêm khó khăn.

Nhân viên y tế làm việc tại BV đa khoa Hùng Vương. Ảnh BVCC.

Nhân viên y tế làm việc tại BV đa khoa Hùng Vương. Ảnh BVCC.

Thông thường, cơ sở khám chữa bệnh muốn có nguồn thu phải có khu vực khám chữa bệnh dịch vụ. Nếu giám đốc “bạo tay” sử dụng nguồn tài chính thu đó cho tái đầu tư, chi trả lương cho cán bộ y bác sĩ đối mặt với rủi ro pháp lý nếu có thanh kiểm tra. Ngược lại, bệnh viện thu được tiền nhưng không dám chi sẽ không đảm bảo được thu nhập cho nhân viên.

“Vì vậy, bài toán cải cách thu nhập cho các y bác sĩ không dễ giải quyết, cần có chính sách đồng bộ để tháo gỡ”, ông Học nhận định.

Theo ông, doanh nghiệp hoạt động theo luật doanh nghiệp, hợp tác xã hay tổ chức xã hội có luật riêng nhưng bệnh viện công thì không. Vì vậy, về lâu dài, luật sư Học cho rằng cần ban hành luật quy định riêng đối với việc tổ chức hoạt động của bệnh viện.

“Trong đó, cần định vị quan hệ phối hợp, quyền lợi, trách nhiệm, tài sản, thuê mướn, vay mượn. Chúng ta không thể đưa quy định của Luật Khám chữa bệnh cho toàn bộ hoạt động của bệnh viện nhất là tài chính, ngân hàng. Một bệnh viện thu - chi cả chục nghìn tỷ mỗi năm nhưng không có luật thì giám đốc cũng khó giải bài toán nâng cao thu nhập của bác sĩ”, ông khẳng định.

Ở góc độ khác, Tiến sĩ Quang cho rằng lương bác sĩ ở bệnh viện công thấp là tình trạng chung. Tuy nhiên, bác sĩ làm bệnh viện công có thể mở phòng khám, làm thêm ngoài giờ tăng thu nhập. “Thực tế, nhiều bác sĩ có đời sống kinh tế ổn định vì mở thêm phòng mạch thay vì ca thán lương cơ quan trả thấp”, ông ví dụ.

Dù vậy, Luật sư Học cho rằng việc mở phòng mạch giúp tăng thu nhập cho bác sĩ nhưng không phải ai cũng được làm được điều đó. "Mở phòng mạch liên quan nhiều yếu tố từ tài chính, thời gian và theo chuyên ngành. Ví dụ, chuyên ngành kiểm soát nhiễm khuẩn, ngoại khoa, gây mê hồi sức không thể mở phòng khám tư", ông chia sẻ.

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/khong-benh-vien-nao-muon-nhan-tien-boi-thuong-dao-tao-cua-bac-si-2119562.html