'Không biết chuyện gì sẽ xảy ra nếu dịch bệnh quay trở lại'
Đại biểu Quốc hội Phạm Khánh Phong Lan - đoàn TPHCM - chia sẻ chiều 29/5, tại phiên thảo luận ở hội trường về việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng.
"Chứng kiến rất nhiều người phải rơi lệ"
Theo bà Lan, dịch COVID-19 là phép thử, cho thấy hiện trạng, thực lực của ngành Y tế để có giải pháp hiệu quả. Về huy động nguồn lực, đại biểu Quốc hội (ĐBQH) cho rằng còn khó khăn, doanh nghiệp, người dân có tấm lòng vàng muốn đóng góp nhưng cũng không dễ.
“Ngay tại tâm dịch TPHCM cũng đã phải có lời khuyên cho các doanh nghiệp, muốn đóng góp thì bằng hiện vật, vì bằng tiền chúng tôi không xài được. Tất cả những dự đoán đó thành sự thực vì sau này có hàng loạt cuộc thanh tra, kiểm tra. Phần nào, chúng ta đã tự làm khó mình”, bà Lan cho hay.
Bà Lan cũng nêu bất cập trong công tác quản lý, mà minh chứng là việc triển khai mua sắm, tiêm vắc xin COVID-19. Bà cho rằng, Việt Nam may mắn là ngoại giao vắc xin và có công ty tư nhân thương thảo và ký được hợp đồng để mang vắc xin COVID-19. Tuy nhiên, phải có chính sách để sử dụng nguồn lực một cách chính thức. Cụ thể, đó là quy chế đấu thầu.
“Cơ chế đấu thầu thảo luận vừa rồi chưa thấy điểm nào để gỡ rối. Nếu có dịch bệnh tương tự xảy ra sẽ tiếp tục thiếu. Dịch bệnh thì thiếu vắc xin, bây giờ bình thường thì các cơ sở y tế điều trị tiếp tục thiếu thuốc, thiếu vắc xin thì biết bao giờ tình trạng này mới khắc phục được?”, ĐBQH trăn trở.
ĐBQH cũng góp ý, báo cáo cần bổ sung cân bằng giữa xây và chống. “Đồng ý tiêu cực thì phải chống, nhưng chúng ta đã quan tâm đúng mức đến xây dựng, bồi bổ sao cho ngành Y tế mạnh hơn để chống dịch và sau này hay chưa? Phần xây làm rất chậm nhưng chỉ tập trung chống, giống bệnh nhân thập tử nhất sinh, thay vì tập trung bồi bổ cho bệnh nhân thì chúng ta lại chỉ tập trung cắt phần hoại tử, cho dùng thuốc nặng, kết quả chắc chắn bệnh nhân sẽ chết”, bà Lan ví von.
“Phòng chống đại dịch thu nhiều thành quả, thế giới ghi nhận, nhưng với tư cách người dân tôi thấy ngày xưa chiến thắng về người ta mừng công, còn bây giờ chiến thắng thì chúng ta trảm tướng, thay tướng, suy ra là thất bại”, bà Lan nêu. Theo đại biểu, từ giám sát cho tới ra báo cáo phải đi vào thực tế để tương lai có dịch bệnh tương tự sẽ bảo vệ được người dân tốt hơn.
“Tôi lo sợ không biết chuyện gì sẽ xảy ra nếu dịch bệnh quay trở lại, không chỉ COVID-19 mà còn nhiều dịch bệnh khác… Y tế là môn kỹ thuật, không thể chỉ dùng khẩu hiệu để đi qua đại dịch mà phải có cơ chế để bảo vệ cho người làm.
Tôi trong thành phần đoàn giám sát và ở tâm dịch, tới nhiều địa phương cũng chứng kiến rất nhiều người phải rơi lệ”, bà Lan cho hay.
“Xin đừng quên lãng những đóng góp của họ”
Đại biểu Nguyễn Anh Trí - đoàn Hà Nội - viện dẫn báo cáo của đoàn giám sát: Quốc hội trân trọng sự chung sức, đồng lòng của nhân dân và những cá nhân, tập thể đã đóng góp vào công cuộc phòng, chống COVID.
“Đây là những đóng góp vô cùng to lớn, là thông điệp lớn lao và đầy ý nghĩa về tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc, tình thương yêu, lòng nhân ái. Thấu hiểu điều đó nên tôi mong muốn Chính phủ lấy đúng tinh thần của Nghị quyết 30 và Nghị quyết 43 của Quốc hội để thanh quyết toán kinh phí phòng, chống dịch cho các lực lượng, các địa phương, các đơn vị”, ông Trí bày tỏ.
Theo đại biểu, nên làm tốt hơn nữa công tác biểu dương, khen thưởng cho các đơn vị, các cá nhân đã tham gia chống đại dịch COVID. “Xin đừng quên lãng những đóng góp của họ. Đại dịch COVID-19 vừa qua ác liệt không khác gì một cuộc chiến tranh, đóng góp của Nhân dân vừa qua là rất lớn”, ông nhấn mạnh.
Nói về điều này, ông Trí đề cập đến những tồn tại, hạn chế trong Báo cáo của Đoàn giám sát là đã có những sai phạm nghiêm trọng trong hoạt động phòng, chống dịch COVID-19 vừa qua. Thậm chí, có những sai phạm xảy ra trong những lĩnh vực rất ít có sai phạm như nghiên cứu khoa học, nghiệm thu, chuyển giao công nghệ…
“Có những cú lừa ngoạn mục sắc như dao cắt của Công ty Việt Á trong tổ chức cơ sở sản xuất, test kit thật đau đớn, thật đáng lên án và sự trả giá là quá đắt, quá lớn. Tôi đồng ý, ai tham ô, tham nhũng, ai xà xẻo trong hoạt động phòng, chống COVID thì cần phải xử lý thật nghiêm khắc.
Tuy nhiên, cũng cần xem xét thật có lý, có tình, thật công bằng với những ai có sai sót nhưng không phải vụ lợi mà vì để kịp thời chống dịch nhằm lợi ích của cộng đồng theo đúng tinh thần chỉ đạo của Đảng, Quốc hội. Và nữa là nên chấm dứt sớm việc này để xã hội ổn định, cán bộ vững lòng thực hiện những công cụ mới”, ông Trí nêu.
Cùng mối quan tâm, đại biểu Nguyễn Thị Ngọc Xuân (Đoàn Bình Dương) cho rằng, COVID-19 vừa qua, đất nước đã đoàn kết, vượt qua nhiều khó khăn nhất, nhưng thẳng thắn nhìn nhận rằng, chúng ta đã mất nhiều cán bộ, mà mất người là mất mát lớn nhất.
“Nhưng báo cáo giám sát chưa thống kê, phân tích được tình hình cả nước, số tổ chức, cá nhân vi phạm, nội dung vi phạm và căn cứ pháp luật áp dụng để xử lý vi phạm đó”, bà Xuân cho hay.
Đối với người dám nghĩ, dám làm vì tính mạng, sức khỏe nhân dân, theo đại biểu, trong bối cảnh cấp bách, pháp luật chưa có quy định hoặc quy định không rõ ràng, hoặc quy định không thể thực hiện được thì cần được đánh giá toàn diện, thấu tình đạt lý để Nghị quyết 30, Nghị quyết 80 thực sự là cơ sở vững chắc cho lực lượng tuyến đầu trong và sau đại dịch.
“Việc xem xét, đánh giá toàn diện vấn đề này không chỉ là đúng, sai theo quy định pháp luật, mà thể hiện đạo lý, tình người, là cụ thể hóa quy định của Đảng về bảo vệ cán bộ, năng động, sáng tạo vì lợi ích chung”, bà Xuân cho hay.