Không bồi thường cho các hộ lấn chiếm đất giao thông là đúng quy định pháp luật
Phần đất trong lộ giới đường Lý Thường Kiệt, UBND huyện Hòa Thành xác định là đất giao thông được phê duyệt quy hoạch và cắm mốc lộ giới. Các hộ dân chỉ được UBND huyện cấp giấy CNQSDĐ 'phần ngoài lộ giới'...
Thời gian qua, nhiều người đi trên đường Lý Thường Kiệt, đoạn từ đường Cách Mạng Tháng Tám (CMT8) đến ngã tư Châu Văn Liêm - Lý Thường Kiệt đều thắc mắc vì sao công trình nâng cấp, mở rộng đường Lý Thường Kiệt thi công khá lâu nhưng đến nay chưa hoàn thành, ảnh hưởng đến việc đồng bộ hạ tầng giao thông và phát triển đô thị, du lịch của huyện Hòa Thành nói riêng, tỉnh Tây Ninh nói chung.
Tuyến đường huyết mạch vào hai khu du lịch
Được biết, trong quá trình thực hiện dự án nâng cấp, mở rộng đường Lý Thường Kiệt, một số hộ dân cư ngụ trên đoạn đường này có đơn khiếu nại yêu cầu bồi thường về đất và tài sản trên đất. Căn cứ theo quy định pháp luật, UBND huyện, UBND tỉnh đã xem xét và ban hành các quyết định giải quyết khiếu nại, xác định đất mà các hộ dân khiếu nại là đất giao thông, do các hộ dân lấn chiếm sử dụng nên không bồi thường.
Về tài sản trên đất, do không đủ điều kiện bồi thường chỉ hỗ trợ theo quy định của pháp luật nhưng các hộ dân chưa nhận. Quyết định đã có hiệu lực pháp luật phải thi hành. Tuy nhiên, đến nay, các hộ dân trên vẫn chưa tháo dỡ các công trình xây dựng lấn chiếm, bàn giao mặt bằng để đơn vị thi công tiếp tục thi công những đoạn còn dở dang, hoàn thành dự án và đưa con đường vào sử dụng, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Trước đây, ngày 29.10.2015, căn cứ tờ trình của Sở Giao thông Vận tải, đề xuất việc đầu tư dự án nâng cấp, mở rộng đường Lý Thường Kiệt (đoạn từ đường CMT8 đến Châu Văn Liêm), UBND tỉnh ban hành Quyết định số 2473/QĐ-UBND phê duyệt chủ trương đầu tư dự án.
Theo đó, UBND tỉnh cho biết, đường Lý Thường Kiệt là tuyến đường lưu thông chính kết nối giữa thị trấn Hòa Thành với thành phố Tây Ninh, là cửa ngõ quan trọng kết nối từ quốc lộ 22 dẫn vào hai khu du lịch Tòa thánh Tây Ninh và núi Bà Đen.
Đồng thời, tuyến đường này nằm trong khu dân cư có mật độ lưu thông đông đúc, nhưng mặt đường hẹp chưa tương xứng với nhu cầu thực tế. Theo quyết định được phê duyệt, việc nâng cấp, mở rộng đường Lý Thường Kiệt phù hợp quy hoạch tổng thể giao thông Tây Ninh đến năm 2020 và định hướng phát triển đến năm 2030 được duyệt theo Quyết định số 64/2013/QĐ-UBND ngày 23.12.2013 của UBND tỉnh; lộ giới phù hợp với quy định tại các Quyết định số 155/QĐ-UB ngày 12.4.1993 của UBND tỉnh về quy định lộ giới các tuyến chính trong Hòa Thành và Quyết số 1139/QĐ-CT ngày 29.12.2000 của Chủ tịch UBND tỉnh về phê duyệt quy hoạch giao thông nông thôn huyện Hòa Thành.
Đồng thời phù hợp quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Tây Ninh đến năm 2020 được phê duyệt theo Quyết định số 2044/QĐ-TTg ngày 9.11.2000 của Thủ tướng Chính phủ. Theo quyết định, đường Lý Thường Kiệt có tổng chiều dài 1,2km, 4 làn xe, mỗi làn rộng 3,5m do Ban Quản lý dự án đầu tư và xây dựng ngành giao thông làm chủ đầu tư.
Xác định đất thực hiện dự án là đất giao thông do Nhà nước quản lý, nhưng trong quá trình sinh sống, các hộ dân lấn chiếm xây dựng nhà ở, cơ sở kinh doanh mà địa phương chưa giải tỏa nên ngày 27.12.2016, UBND huyện Hòa Thành ban hành Quyết định số 638/QĐ-UBND phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng thực hiện dự án nâng cấp, mở rộng đường Lý Thường Kiệt với nội dung: về đất không bồi thường; về nhà, công trình khác không bồi thường mà chỉ xem xét hỗ trợ.
Ngày 20.2.2017, UBND huyện ban hành Thông báo số 39/TB-UBND về việc tháo dỡ nhà, vật kiến trúc, hoa màu cây trái để bàn giao mặt bằng thực hiện dự án nâng cấp đường Lý Thường Kiệt, yêu cầu các cơ quan, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân chưa nhận tiền hỗ trợ liên hệ Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh Tây Ninh - Chi nhánh huyện Hòa Thành để nhận tiền.
Đồng thời tháo dỡ nhà, vật kiến trúc, cây trái hoa màu để bàn giao mặt bằng thực hiện dự án, chậm nhất ngày 10.3.2017. Nếu quá thời hạn nêu trên mà các cơ quan, tổ chức, hộ gia đình và cá nhân cư ngụ trên đường Lý Thường Kiệt không chấp hành việc di dời, UBND huyện sẽ cưỡng chế tháo dỡ theo quy định của pháp luật.
Sau khi nhận được Thông báo số 39 nêu trên, có 69/84 hộ chấp hành xong việc tháo dỡ nhà, vật kiến trúc, cây trái hoa màu để bàn giao mặt bằng cho Nhà nước thi công, chỉ còn 16/84 hộ khiếu nại. Cụ thể, có 15 hộ chưa giao trả mặt bằng gồm: hộ Cao Thị Lược, Trần Xuân Hoa, Dương Chuẩn Lệ, Nguyễn Thành Luông, Đặng Thị Kim Hộ, Đặng Thị Kim Dư, Đặng Hồng Phát, Nguyễn Thị Thùy Trang, Nguyễn Cao Hùng, Phan Thị Hoa, Ngô Văn Ca, Di Văn Ngô, Đặng Thị Kiều Oanh, Lê Kim Hoàn và Trần Thị Ngọc Sương. Riêng hộ Trịnh Ngọc Tuyền giao trả mặt bằng nhưng vẫn khiếu nại.
Căn cứ theo quy định pháp luật, UBND huyện đã tiến hành trình tự, thủ tục giải quyết khiếu nại theo quy định và ban hành các quyết định bác đơn khiếu nại đối với các hộ dân có đơn khiếu nại trên cơ sở diện tích đất mà các hộ dân khiếu nại là đất giao thông.
Căn cứ pháp lý không bồi thường về đất
Không đồng ý, các hộ dân tiếp tục khiếu nại đến UBND tỉnh. Ngày 18.7.2018, Chủ tịch UBND tỉnh ủy quyền cho Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì đối thoại với các bên có liên quan, nhưng các hộ dân vẫn giữ nguyên nội dung đơn khiếu nại. Sau đó, UBND tỉnh ban hành quyết định bác đơn khiếu nại các hộ dân trên. Riêng trường hợp hộ ông Di Văn Ngô, UBND tỉnh chấp nhận một phần khiếu nại do quá trình quản lý, UBND huyện cấp giấy CNQSDĐ sai quy định nên xử lý theo Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước.
Đối với các hộ dân khác, khi ban hành các quyết định giải quyết khiếu nại, UBND tỉnh nêu rõ nội dung và căn cứ pháp lý như sau:
Phần đất trong lộ giới đường Lý Thường Kiệt, UBND huyện Hòa Thành xác định là đất giao thông được phê duyệt quy hoạch và cắm mốc lộ giới. Các hộ dân chỉ được UBND huyện cấp giấy CNQSDĐ “phần ngoài lộ giới”, phần diện tích trong lộ giới, UBND huyện không trao quyền sử dụng đất cho các hộ dân nên UBND huyện không thực hiện quy trình thu hồi đất vì mục đích phát triển kinh tế - xã hội.
Khoản 11, Điều 3 Luật Đất đai năm 2013 quy định “Nhà nước thu hồi đất: là việc Nhà nước quyết định thu lại quyền sử dụng đất của người được Nhà nước trao quyền sử dụng đất hoặc thu lại đất của người sử dụng đất vi phạm pháp luật về đất đai”. Căn cứ quy định nêu trên, UBND huyện cho rằng, không cần phải ban hành quyết định thu hồi đất là phù hợp. UBND huyện chỉ xem xét hỗ trợ tài sản trên đất theo Quyết định số 17/2015/QĐ-UBND ngày 2.4.2015 của UBND tỉnh là đúng quy định. Vì vậy, UBND huyện cho rằng chỉ ban hành quyết định phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng thực hiện dự án nâng cấp, mở rộng đường Lý Thường Kiệt là đúng quy định của pháp luật.
Các hộ dân khiếu nại cho rằng, phần diện tích đất mà họ đang khiếu nại là đủ điều kiện để cấp giấy CNQSDĐ và được bồi thường theo Khoản 1, Điều 75 Luật Đất đai năm 2013. Tuy nhiên, UBND tỉnh cho rằng nội dung khiếu nại này của các hộ dân là không có cơ sở. UBND tỉnh nêu những căn cứ, lý do sau:
UBND tỉnh cho biết, diện tích đất mà các hộ dân đang khiếu nại bị ảnh hưởng bởi dự án đường Lý Thường Kiệt có nguồn gốc trước năm 1975 thuộc đặc quyền quản lý của Hội thánh Cao Đài theo Nghị định số 1500 do Ủy ban Hành pháp Trung ương (chế độ cũ) duyệt ký ngày 19 tháng 8 AL năm 1966 cấp thực trưng vô thường cho Hội thánh Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ trên phần đất 2.333 ha tại tỉnh Tây Ninh.
Như vậy, Hội thánh Cao Đài có quyền quy hoạch, thực hiện việc làm đường giao thông, cấp đất, thu tô trên phần diện tích 2.333 ha cho nên đã quy hoạch và bố trí đất làm giao thông đường Ca Bảo Đạo (đường Lý Thường Kiệt hiện nay) bằng Lược đồ năm 1974 và thực hiện việc cấp đất cho các tín đồ của đạo Cao Đài trên đường Ca Bảo Đạo đã chừa con đường là 30m. Khi xây dựng nhà, các hộ dân được đạo Cao Đài cấp đất, chỉ xây dựng nhà cửa kiên cố trên phần diện tích được cấp ngoài lộ giới 30m, còn phần diện tích trong lộ giới 30m các hộ chỉ xây dựng các công trình phụ như ki-ốt cho thuê, nhà xây cơi nới thêm.
Cụ thể, qua kết quả thực hiện dự án nâng cấp, mở rộng đường Lý Thường Kiệt có 84 hộ bị ảnh hưởng bởi dự án thì có 27 hộ được hỗ trợ 80% về nhà; 22 hộ được hỗ trợ 40% về nhà; 35 hộ được hỗ trợ 30% về nhà (theo Phương án số 02 ngày 21.12.2016 của Trung tâm Phát triển quỹ đất - Chi nhánh Hòa Thành thì nhà xây dựng vi phạm lộ giới trước ngày 12.4.1993 thì được hỗ trợ 80%; nhà xây dựng vi phạm lộ giới trước ngày 1.7.2004 thì được hỗ trợ 40%; nhà xây dựng vi phạm lộ giới sau ngày 1.7.2004 thì không hỗ trợ).
Theo kết quả kiểm tra hồ sơ lưu trữ tại huyện Hòa Thành, trước năm 1975, các hộ đang cư ngụ trên đường Ca Bảo Đạo mà chưa có giấy tờ Đạo cấp phải có đơn xin hợp pháp hóa phần đất đang cư ngụ mà chưa có giấy tờ cấp thổ cư gửi Hội thánh để được chấp thuận cho ở trên đất (trong đơn thể hiện phía Đông giáp đường Ca Bảo Đạo). Điều này càng thể hiện việc con đường Ca Bảo Đạo đã hình thành từ rất lâu và chịu sự quản lý, giám sát của Hội thánh Cao Đài. Ngoài ra, đạo Cao Đài còn quy định, người cư ngụ trên đất thổ cư của Hội thánh cấp phát phải cất nhà cách mí lộ 5 thước tây (5m) và ngày sau Hội thánh cần dùng phần đất này để làm việc công ích thì bằng lòng giao trả lại cho Hội thánh không đòi tiền thiệt hại chi cả.
Sau giải phóng 30.4.1975, trên cơ sở kế thừa con đường có sẵn từ trước năm 1975 và quy hoạch của đạo Cao Đài, ngày 12.4.1993, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 155/QĐ-UB về việc quy định lộ giới các tuyến đường chính trong huyện Hòa Thành, theo đó, đường Ca Bảo Đạo (đường Lý Thường Kiệt hiện nay) được quy định lộ giới là 30m.
Ngày 28.12.2000, UBND tỉnh tiếp tục ban hành Quyết định số 1139/QĐ-CT về việc phê duyệt quy hoạch giao thông nông thôn huyện Hòa Thành giai đoạn 1999 - 2010, theo đó đường Lý Thường Kiệt cũng được quy định lộ giới là 30m. Phần diện tích các hộ dân khiếu nại được quy định là đất giao thông đường Lý Thường Kiệt (lộ giới 30m).
Tuy nhiên, do quản lý lỏng lẻo nên UBND huyện Hòa Thành đã ban hành quyết định giao đất cho một số hộ dân, không thu tiền sử dụng đất, là chưa phù hợp với quy định pháp luật. Đối với các trường hợp này, theo khoản 4, Điều 82 Luật Đất đai năm 2013 quy định trường hợp Nhà nước thu hồi đất không bồi thường về đất: “Nhà nước thu hồi đất không bồi thường về đất trong các trường hợp sau: 4. Trường hợp không đủ điều kiện cấp giấy CNQSDĐ, quyền sở hữu nhà và tài sản khác gắn liền với đất theo quy định của Luật này ...”.
Điểm a, khoản 1, Điều 76 Luật Đất đai năm 2013 quy định bồi thường chi phí đầu tư vào đất còn lại khi Nhà nước thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh; phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng: “1. Các trường hợp không được bồi thường về đất nhưng được bồi thường chi phí đầu tư vào đất còn lại khi Nhà nước thu hồi đất bao gồm: a) Đất được Nhà nước giao không thu tiền sử dụng đất...”. Khoản 1, Điều 82 Luật Đất đai năm 2013 quy định trường hợp Nhà nước thu hồi đất không được bồi thường về đất: “1. Các trường hợp quy định tại khoản 1, Điều 76 của Luật này ...”.
Căn cứ vào các quy định nêu trên, các trường hợp UBND huyện giao đất nằm trong lộ giới 30m đường Lý Thường Kiệt, không thu tiền sử dụng đất nên không được bồi thường về đất theo quy định tại điểm a, khoản 1, Điều 76 Luật Đất đai năm 2013 mà chỉ được hỗ trợ theo quy định tại Điều 23 Quyết định số 17/2015/QĐ-UBND ngày 2.4.2015 của UBND tỉnh ban hành quy định một số chính sách bồi thường, hỗ trợ tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất trên địa bàn tỉnh Tây Ninh.
UBND tỉnh kết luận: Việc Chủ tịch UBND huyện Hòa Thành ban hành quyết định giải quyết khiếu nại đối với hầu hết các hộ dân và quyết định phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng thực hiện dự án nâng cấp, mở rộng đường Lý Thường Kiệt là phù hợp với quy định của pháp luật.
Đức Tiến
(Còn tiếp)