Không bồi thường cho các hộ lấn chiếm đất giao thông là đúng quy định pháp luật (Kỳ 2)

Hiện nay, có một số tờ báo đặt vấn đề rằng, UBND tỉnh có quyết định bác đơn với tất cả các hộ dân nhưng lại bồi thường cho hộ ông Ngô là không hợp lý. Nhận định này của một số báo là chưa phản ánh đúng bản chất sự việc.

Vật liệu thi công đường nằm ngổn ngang do các hộ dân chưa bàn giao mặt bằng.

Vật liệu thi công đường nằm ngổn ngang do các hộ dân chưa bàn giao mặt bằng.

Trong 16 hộ dân có đơn khiếu nại khi Nhà nước thực hiện dự án nâng cấp, mở rộng đường Lý Thường Kiệt mà Báo Tây Ninh đã nêu trong số báo kỳ trước, có trường hợp ông Di Văn Ngô, UBND tỉnh chấp nhận một phần nội dung khiếu nại. Hiện nay, có một số tờ báo đặt vấn đề rằng, UBND tỉnh có quyết định bác đơn với tất cả các hộ dân nhưng lại bồi thường cho hộ ông Ngô là không hợp lý. Nhận định này của một số báo là chưa phản ánh đúng bản chất sự việc.

Hộ ông Di Văn Ngô được bồi thường theo Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước

Được biết, các tác giả viết bài đăng trên một số báo, khi tìm hiểu, thu thập thông tin liên quan đến vụ việc các hộ dân đường Lý Thường Kiệt chưa thật khách quan nên có thể làm cho người đọc hiểu nhầm, hiểu chưa đúng bản chất sự việc, dẫn đến suy diễn cho rằng UBND tỉnh giải quyết khiếu nại không đúng quy định pháp luật.

Quá trình xem xét trường hợp hộ ông Di Văn Ngô, UBND tỉnh có quyết định giải quyết khiếu nại nêu rất rõ, cụ thể. Theo đó, quyết định giải quyết khiếu nại có nội dung như sau: phần đất mà ông Ngô đang sử dụng, trước đây, vào năm 2001, UBND huyện Hòa Thành cấp giấy CNQSDĐ cho vợ chồng ông Nguyễn Tấn Dũng, trong đó có phần diện tích nằm trong phạm vi lộ giới 30m đường Lý Thường Kiệt.

Cụ thể, phần đất ông Ngô sử dụng là căn nhà số 34/7C, có nguồn gốc đất thuộc sở hữu Nhà nước do Công ty Xây dựng và Phát triển đô thị Tây Ninh quản lý. Năm 2001, Công ty Xây dựng và Phát triển đô thị bán nhà, đất trên cho ông Dũng với diện tích đất là 42,24m2 (kèm theo sơ đồ nhà đất thể hiện lộ giới đường Lý Thường Kiệt là 30m). Khi đăng ký QSD, ông Dũng đăng ký 83,7m2 (tăng 41,46m2), nhưng được UBND xã Hiệp Tân và Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Hòa Thành ký xác nhận là nằm ngoài lộ giới quy hoạch 30m đường Lý Thường Kiệt.

Do đó, UBND huyện cấp giấy CNQSDĐ với diện tích trên cho vợ chồng ông Dũng. Vợ chồng ông Dũng sử dụng đất đến năm 2007, chuyển nhượng cho vợ chồng ông Huỳnh Ngọc Tấn. Sau đó, vợ chồng ông Tấn tiếp tục chuyển nhượng cho vợ chồng ông Di Văn Ngô.

UBND tỉnh xác định việc chuyển nhượng này là hợp pháp nhưng yêu cầu Chủ tịch UBND huyện Hòa Thành kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân có liên quan để xảy ra sai phạm trong quá trình cấp giấy CNQSDĐ trên phần đất giao thông, xử lý nghiêm theo đúng quy định của pháp luật. Đồng thời, UBND tỉnh chỉ đạo UBND huyện xác định mức thiệt hại cụ thể do lỗi của tổ chức, cá nhân cơ quan Nhà nước để làm cơ sở bồi thường cho vợ chồng ông Ngô theo quy định pháp luật.

Trên cơ sở này, ngày 14.5.2019, UBND huyện Hòa Thành đã ban hành Quyết định 1039/QĐ-UBND thành lập hội đồng bồi thường để thực hiện bồi thường về đất đối với ông Ngô, theo quy định Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước.

Như vậy, đây là trường hợp cá biệt, do quá trình quản lý lỏng lẻo, UBND huyện cấp giấy CNQSDĐ cho đối tượng sử dụng không đúng quy định (cấp giấy CNQSDĐ trên đất giao thông). Vì vậy, không thể nói rằng, tất cả các hộ dân trên đường Lý Thường Kiệt, UBND tỉnh không chấp nhận bồi thường về đất mà lại bồi thường cho hộ ông Ngô, để cho rằng UBND tỉnh giải quyết không đúng quy định pháp luật. “Cách nói”, “cách viết” của tác giả bài báo với nội dung như trên là phản ánh không đầy đủ nội dung, không đúng bản chất sự việc.

Tòa án cáp sơ thẩm bác đơn bà Cao Thị Lược

Một trong 16 hộ dân có đơn khiếu nại, bà Cao Thị Lược không đồng ý với quyết định giải quyết khiếu nại của Chủ tịch UBND huyện, Chủ tịch UBND tỉnh, là người đầu tiên có đơn kiện gửi đến TAND tỉnh. Đơn khởi kiện của bà Lược đã được TAND tỉnh thụ lý và giải quyết theo quy định pháp luật.

Vừa qua, TAND tỉnh đã đưa vụ án ra giải quyết. Bản án số 07/2019/HC-ST ngày 16.7.2019 của TAND tỉnh cho biết, bà Lược kiện yêu cầu hủy Quyết định giải quyết khiếu nại 3035/QĐ-UBND (Quyết định 3035) ngày 13.12.2018 của Chủ tịch UBND tỉnh và hủy Quyết định 638/QĐ-UBND (Quyết định 638) ngày 27.12.2016, Quyết định số 52/QĐ-UBND (Quyết định số 52) ngày 16.1.2019 của UBND huyện Hòa Thành, Quyết định số 625/QĐ-UBND (Quyết định 625) ngày 17.4.2018 của Chủ tịch UBND huyện Hòa Thành liên quan đến phần đất của bà.

Bà Lược trình bày với Tòa án, phần đất mà bà khiếu nại trước đây do bà và chồng bà là ông Mai Vạn Nghĩa mua của ông Nguyễn Văn Thuật vào năm 1982, được Sở Xây dựng cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà vào ngày 5.1.1987, diện tích xây dựng 63m2, diện tích sử dụng 63m2. Ngày 12.8.1991, UBND huyện Hòa Thành ban hành Quyết định số 274/QĐ-UB (Quyết định 274) giao cho vợ chồng bà Lược diện tích 870m2 gồm đất xây dựng nhà 300m2, đất vườn 570m2. Ngày 30.11.2004, UBND huyện Hòa Thành cấp giấy CNQSDĐ với diện tích 377,6m2 gồm 300m2 đất thổ cư và 77,6m2 đất vườn nhưng cấp thiếu 492,4m2.

Khi thắc mắc, bà Lược được giải thích rằng Nhà nước cấp giấy CNQSDĐ, trừ lộ giới giao thông, khi nào làm đường sẽ có kế hoạch đền bù. Thời điểm đó, bà Lược cho rằng bà không khiếu nại việc cấp giấy CNQSDĐ đã cấp là do UBND huyện Hòa Thành không thu hồi diện tích ngoài giấy CNQSDĐ. Bà Lược cho rằng, diện tích đất mà UBND huyện cấp thiếu vẫn còn quyền sử dụng của bà.

Bà Lược cũng cho rằng, Quyết định số 155/QĐ-UB (Quyết định 155) của UBND tỉnh quy định lộ giới các tuyến đường của huyện Hòa Thành ban hành ngày 12.4.1993, còn Quyết định 274 của UBND huyện giao đất cho bà năm 1991- có trước Quyết định 155 của UBND tỉnh. Hơn nữa, tại Điều 1 của Quyết định 155 chỉ quy định lộ giới tạm thời, đến nay không có quy định nào chính thức có giá trị thi hành. Mặt khác, Quyết định số 1139/QĐ-UB ngày 28.12.2000 của UBND tỉnh phê duyệt quy hoạch giao thông huyện Hòa Thành cũng chỉ cho giai đoạn 1999-2010, không thể hiện có con đường Ca Bảo Đạo. Chủ tịch UBND tỉnh căn cứ vào những quy định này cho rằng đất của bà nằm trong lộ giới quy hoạch 30m và không bồi thường về đất là trái với thực tế.

Bà Lược còn nêu: Quyết định 3035 của Chủ tịch UBND tỉnh căn cứ khoản 11 Điều 3 Luật Đất đai 2013, nhưng không có quyết định thu hồi đất là không đúng, vì đất của bà được giao theo Quyết định 274 nhưng không có quyết định thu hồi là trái Luật Đất đai năm 2013. Mặt khác, Quyết định 3035 cho rằng, đất của bà Lược theo Lược đồ của đạo Cao Đài là đất giao thông để không bồi thường đất là không đúng nên bà không chấp nhận. Theo bà Lược, đất của bà được giao năm 1991, theo Điều 50 Luật Đất đai 2003 và Điều 100 Luật Đất đai năm 2013, đất của bà thuộc trường hợp xác lập trước ngày 15.10.1993 nên đủ điều kiện được cấp giấy CNQSDĐ, đủ điều kiện đền bù theo quy định tại khoản 1 Điều 75 Luật Đất đai năm 2013.

Qua xem xét các chứng cứ, các quy định pháp luật, HĐXX của TAND tỉnh nhận định: phần đất diện tích 870m2 do bà Lược nhận chuyển nhượng và sử dụng từ năm 1982. Quá trình sử dụng, Sở Xây dựng cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà, diện tích xây dựng 63m2. Ngày 12.8.1991, UBND huyện ban hành Quyết định 274 giao đất xây dựng nhà ở cho bà Lược diện tích 870m2 không thu tiền sử dụng đất.

Ngày 30.11.2004, UBND huyện cấp giấy CNQSDĐ diện tích 377,6m2 trong đó có 300m2 đất thổ cư và 77,6m2 đất vườn. Tại thời điểm nhận giấy CNQSDĐ, bà Lược biết diện tích đất còn lại ngoài diện tích đất được cấp giấy CNQSDĐ là đất giao thông. Theo Quyết định số 155 của UBND tỉnh về việc ban hành quy định lộ giới các tuyến đường chính trên địa bàn huyện Hòa Thành, trong đó có đường Ca Bảo Đạo là 30m. Đối chiếu hồ sơ cấp giấy CNQSDĐ cho bà Lược thể hiện: đơn kê khai đăng ký thể hiện 377,6m2, biên bản kiểm tra thực địa thửa đất thể hiện diện tích bà Lược sử dụng là 414,3m2, trong đó diện tích được cấp 377,6m2, diện tích còn lại 36,7m2 là lộ giới giao thông.

Như vậy, mặc dù diện tích theo Quyết định 274 là 870m2, nhưng tại thời điểm cấp giấy CNQSDĐ ngày 30.11.2004, ngoài diện tích đất 377,6m2 được cấp giấy CNQSDĐ thì diện tích đất còn lại không phù hợp với quy hoạch sử dụng đất nên không được cấp giấy CNQSDĐ. Quyết định 274 là một trong những loại giấy tờ quy định tại điểm a khoản 1 Điều 50 Luật Đất đai năm 2003 là điều kiện để bà Lược được cấp giấy CNQSDĐ. Tại thời điểm UBND huyện Hòa Thành giao giấy CNQSDĐ cho bà Lược thì Quyết định 274 không còn giá trị pháp lý như người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người bị kiện trình bày là có cơ sở. Do đó, UBND huyện Hòa Thành ban hành Quyết định 52 thu hồi Quyết định 274 là có căn cứ.

Mặt khác, tại khoản 1 Điều 75 Luật Đất đai năm 2013 quy định về việc bồi thường về đất khi Nhà nước thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh, phát triển kinh tế - xã hội, ngoài diện tích đất 377,3m2, diện tích đất còn lại bà Lược sử dụng không được cấp giấy CNQSDĐ, là đất giao thông, không thuộc giấy CNQSDĐ bà Lược được cấp nên không thuộc trường hợp phải thu hồi đất.

Do đó, UBND huyện ban hành Quyết định 638, Quyết định 52 là có căn cứ, phù hợp với thực tế sử dụng đất của bà Lược. Chủ tịch UBND huyện ban hành Quyết định 625 và Chủ tịch UBND tỉnh ban hành Quyết định 3035 không chấp nhận khiếu nại của bà Lược đối với Quyết định 638 và Quyết định 625 là có cơ sở, đúng pháp luật.

Trên cơ sở nhận định nêu trên, HĐXX kết luận yêu cầu khởi kiện của bà Lược là không có căn cứ chấp nhận. Vì vậy, HĐXX quyết định bác yêu cầu khởi kiện của bà Cao Thị Lược.

Các hộ dân nên sớm tháo dỡ công trình trên đất giao thông

Ngoài trường hợp bà Lược, một số hộ dân khác cũng có đơn khởi kiện, đang được TAND tỉnh xem xét, giải quyết theo quy định.

Phải khẳng định rằng, theo quy định của pháp luật, khi công dân có đơn khiếu nại, các cấp chính quyền phải có trách nhiệm xem xét thấu tình, đạt lý, trên cơ sở nguồn gốc đất và các căn cứ pháp luật hiện hành để ban hành quyết định giải quyết khiếu nại. Sau khi Chủ tịch UBND huyện, Chủ tịch UBND tỉnh có quyết định giải quyết khiếu nại, theo quy định pháp luật, quyết định giải quyết khiếu nại của Chủ tịch UBND tỉnh có hiệu lực thi hành.

Tuy nhiên, pháp luật cũng quy định, để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình, công dân có quyền kiện quyết định của Chủ tịch UBND huyện, Chủ tịch UBND tỉnh để yêu cầu Tòa án xem xét quyết định của chính quyền đúng hay sai. Khi bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật, chính quyền và người dân phải tuân thủ, chấp hành phán quyết của Tòa án.

Như vậy, liên quan đến dự án nâng cấp, mở rộng đường Lý Thường Kiệt, nhằm phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, các cấp chính quyền đã thực hiện đúng trình tự, thủ tục theo quy định pháp luật để thực hiện dự án. Quá trình triển khai dự án, phần lớn người dân đã chấp hành tháo dỡ công trình, giao mặt bằng cho địa phương để đơn vị thi công thực hiện dự án.

Tuy nhiên, hiện nay còn một số hộ dân cho rằng, khi thực hiện dự án, UBND huyện Hòa Thành không xem xét bồi thường về đất là không đúng quy định pháp luật nên thực hiện quyền khiếu nại theo Luật Khiếu nại. Căn cứ Luật Khiếu nại, Chủ tịch UBND huyện đã xem xét, căn cứ nguồn gốc đất, các căn cứ pháp lý hiện hành để ban hành các quyết định giải quyết khiếu nại.

Không đồng ý, một số hộ dân tiếp tục khiếu nại, Chủ tịch UBND tỉnh cũng đã tổ chức đối thoại, căn cứ nguồn gốc đất, quá trình sử dụng đất của từng hộ dân để xem xét giải quyết khiếu nại thấu tình đạt lý. Kết quả, Chủ tịch UBND tỉnh không chấp nhận đơn khiếu nại của các hộ dân, chấp nhận một phần nội dung khiếu nại đối với trường hợp của ông Di Văn Ngô do quá trình quản lý, UBND huyện Hòa Thành cấp giấy CNQSDĐ sai quy định pháp luật cho cá nhân sử dụng phần đất này, sau đó họ chuyển nhượng lại cho ông Ngô, nên UBND huyện phải bồi thường theo Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước.

Không đồng ý với quyết định giải quyết khiếu nại của Chủ tịch UBND tỉnh, một số hộ dân khởi kiện tại Tòa án để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình và đang được Tòa án xem xét theo quy định. Khi bản án có hiệu lực thi hành, các tổ chức, cá nhân phải chấp hành.

Các phương tiện giao thông qua lại trên đường Lý Thường Kiệt rất khó khăn do đường chưa thi công hoàn tất.

Các phương tiện giao thông qua lại trên đường Lý Thường Kiệt rất khó khăn do đường chưa thi công hoàn tất.

Hiện nay, có ý kiến cho rằng, chính quyền không có quyết định thu hồi đất nên không có quyền cưỡng chế tháo dỡ các công trình mà họ đang có đơn khởi kiện. Tuy nhiên, theo tìm hiểu của chúng tôi, nếu các hộ dân không chấp hành quyết định của Chủ tịch UBND tỉnh, chính quyền địa phương sẽ thực hiện việc cưỡng chế trên cơ sở xử lý vi phạm hành chính về hành vi lấn chiếm đất phi nông nghiệp theo Nghị định số 102/2014/NĐ-CP của Chính phủ về xử phạt hành chính trong lĩnh vực đất đai.

Như vậy, đối với các khiếu nại của các hộ dân, đến thời điểm này, Chủ tịch UBND tỉnh đã ban hành quyết định giải quyết khiếu nại theo quy định. Quyết định của UBND tỉnh đã có hiệu lực pháp luật. Vì vậy, các hộ dân cần chấp hành quyết định của các cấp chính quyền, tháo dỡ những công trình trên đất giao thông để đơn vị thi công hoàn tất dự án, đưa công trình vào sử dụng phục vụ nhu cầu đi lại của người dân và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Quyền lợi của các hộ dân sẽ được Nhà nước bảo vệ và thực hiện theo quy định pháp luật, trên cơ sở phán quyết của Tòa án cấp sơ thẩm và phúc thẩm.

ĐỨC TIẾN

Nguồn Tây Ninh: http://baotayninh.vn/khong-boi-thuong-cho-cac-ho-lan-chiem-dat-giao-thong-la-dung-quy-dinh-phap-luat-ky-2--a113439.html