Không cần biết lặn cũng có thể tới bể lặn sâu nhất thế giới

Bất chấp đại dịch Covid-19, từ tháng trước, bể lặn Deepspot đã chính thức mở cửa đón những người yêu thích môn lặn và cả du khách muốn trải nghiệm cảm giác 'đi trong lòng nước'.

Du khách trải nghiệm cảm giác "đi bộ trong nước" (Ảnh: GETTY IMAGE)

Du khách trải nghiệm cảm giác "đi bộ trong nước" (Ảnh: GETTY IMAGE)

Bất chấp đại dịch Covid-19, từ tháng trước, bể lặn Deepspot đã chính thức mở cửa đón những người yêu thích môn lặn và cả du khách muốn trải nghiệm cảm giác “đi trong lòng nước”.

Nằm tại Mszczonow, gần thủ đô Warsaw, bể lặn Deepspot có độ sâu tới 45,5m và chứa tới 8.000 m3 nước, và được coi là “bể lặn sâu nhất thế giới”. Bể lặn được thiết kế như một bể tập luyện cho các thợ lặn với nhiều cấp độ sâu trong nhiều điều kiện khác nhau mà không cần phải ra biển. Bể lặn Deepspot có độ trong suốt như pha lê khiến các thợ lặn “sẽ có ấn tượng như bị ngừng lại trong không gian, như thể chung quanh không có nước”.

Những người đam mê lặn biển có thể thử mọi độ sâu mà không cần ra đại dương (Ảnh: GETTY IMAGE)

Những người đam mê lặn biển có thể thử mọi độ sâu mà không cần ra đại dương (Ảnh: GETTY IMAGE)

Nước trong bể lặn ấm hơn các bể bơi thông thường, do đó các thợ lặn không cần mặc đồ lặn. Bên cạnh đó, các sinh viên sẽ có thể học lặn với hướng dẫn viên và hoàn tất khóa tập luyện lặn toàn diện. Còn các thợ lặn tự do có thể trải nghiệm niềm đam mê trong những điều kiện độc đáo.

(Ảnh: GETTY IMAGE)

(Ảnh: GETTY IMAGE)

Bất cứ ai cũng có thể trải nghiệm cảm giác bơi lặn vào bất cứ ngày nào trong năm mà không lo tới điều kiện thời tiết. Deepspot được thiết kế để người lặn có cảm giác như đang lặn trong đại dương nhưng trong điều kiện môi trường hoàn hảo.

Khu vực khảo cổ nhân tạo trong bể lặn Deepspot (Ảnh: CNN)

Khu vực khảo cổ nhân tạo trong bể lặn Deepspot (Ảnh: CNN)

Thậm chí, bể lặn Deepspot còn có cả xác tàu đắm, khu vực mô phỏng di chỉ của người Mayan để các thợ lặn thám hiểm.

Không chỉ là một bể lặn, Deepspot còn là một điểm thăm quan và khách sạn dưới nước. Deepspot có một đường hầm dưới lòng nước để du khách trải nghiệm cảm giác đi dưới nước. Deepspot cũng bố trí phòng hội thảo, phòng tập và khách sạn nhìn vào bên trong bể lặn.

Sơ đồ mặt cắt của bể lặn Deepspot (Ảnh: GETTY IMAGE)

Sơ đồ mặt cắt của bể lặn Deepspot (Ảnh: GETTY IMAGE)

Để thực hiện một dự án đầy tham vọng như thế này không phải là một công việc dễ dàng. Công ty Deepspot cho biết có những thách thức đối với kế hoạch của họ - ngay cả việc xây dựng một hồ bơi sâu như vậy cũng là một thách thức về công nghệ. Cũng rất khó để giữ cho nước trong bể trong như pha lê và vì vậy hồ bơi yêu cầu một hệ thống lọc nước tiên tiến để làm được điều đó.

Tuy nhiên, bể lặn Deepspot sẽ sớm bị cạnh tranh danh hiệu “bể lặn sâu nhất thế giới” bởi bể lặn Blue Abyss. Blue Abyss dự kiến sẽ mở ở Anh vào năm 2022, đạt độ sâu 50m.

N.T (Theo Lonely Planet)

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.com.vn/tin-tuc-du-lich/khong-can-biet-lan-cung-co-the-toi-be-lan-sau-nhat-the-gioi-627626/