Không chạy theo thành tích nhưng lại áp chỉ tiêu cao ngất giáo viên phải làm sao
Bệnh ngụy thành tích phải điều trị từ giáo viên đến cán bộ quản lý từ cấp trường đến cấp Bộ mới có hiệu quả.
Ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh vừa kí văn bản chỉ đạo về việc tăng cường quản lý hoạt động dạy thêm, học thêm.
Trong văn bản, Sở cũng yêu cầu tổ chức rà soát, kiểm tra chất lượng học sinh, tuyệt đối không chạy theo thành tích, đảm bảo chất lượng học sinh khi lên lớp.
Ngay 2 yêu cầu này trong cùng một văn bản chỉ đạo của Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Hồ Chí Minh dường như đã có sự mâu thuẫn nhau. Sở yêu cầu giáo viên "tuyệt đối không chạy theo thành tích" nhưng lại phải "đảm bảo chất lượng học sinh khi lên lớp".
Yêu cầu "đảm bảo chất lượng học sinh khi lên lớp" có gắn liền với các chỉ tiêu thi đua cao ngất mỗi đầu năm học, bất chấp các điều kiện thực tế? Khi đánh giá "chất lượng học sinh", Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Hồ Chí Minh có căn cứ vào các chỉ tiêu thi đua đầu năm học hay không?
Lãnh đạo Sở có biết ngay giữa trung tâm vẫn có học sinh ngồi nhầm lớp?
Phóng viên Báo Sài Gòn Giải phóng đã có cuộc thâm nhập thực tế ngay các trường điểm ở những quận nội thành (khảo sát 9 trường ở các quận 6, 7, 8 và huyện Hóc Môn) đã phải thốt lên rằng:
“Chúng tôi đi từ bất ngờ đến sốc, không thể tin được những gì mình chứng kiến” vì không ít học sinh đang học các lớp 3, 4, 5 nhưng khả năng đọc, viết rất kém, thậm chí có những em đánh vần, đọc chậm hơn cả những học sinh lớp 1 bình thường.
Đầu tiên là em N.V.A. (8 tuổi, đang học lớp 3 tại một trường tiểu học ở quận 8), mặc dù học lớp 3, nhưng khả năng đọc và viết của em rất yếu.
Bài thơ Quê hương có tổng cộng 102 chữ, bao gồm cả đọc tựa đề và tên tác giả chỉ mất trung bình từ 40-45 giây với một học sinh bình thường, nhưng với em N.V.A. cùng sự trợ giúp của mẹ phải đọc tới 3 phút 30 giây mới xong.
Tương tự, em N.V.B. (cũng 8 tuổi, học lớp 3 tại một trường tiểu học ở huyện Hóc Môn) đọc rất chậm, đánh vần từng chữ vô cùng vất vả.
Một đoạn văn ngắn tổng cộng 41 chữ, nếu những học sinh đọc lưu loát chỉ mất 15 giây thì em N.V.B. mất gần 3 phút mới đọc xong, nhưng sai rất nhiều.
Mấy quy định này nhất định phải sửa, bởi nó mà học sinh ngồi nhầm lớp
Như em N.V.C. (9 tuổi, học lớp 4 tại một trường tiểu học ở quận 6), khi phóng viên đưa bài thơ “Nếu chúng mình có phép lạ” chỉ với 4 câu thơ có tổng số 24 chữ, em N.V.C. mất 3 phút 20 giây mới đọc xong. [1]
Ngoài những em học sinh được phóng viên Báo Sài Gòn Giải phóng trực tiếp khảo sát được như trên còn bao nhiêu học sinh học lớp 3,4,5 khác trên địa bàn hoặc ở nhiều địa phương khác đọc thua cả học sinh lớp 1?
Rõ ràng chất lượng học tập của học sinh như thế thật sự đáng lo ngại.
Giải pháp của Sở Giáo dục Thành phố Hồ Chí Minh đưa ra có chấm dứt được tình trạng học sinh ngồi nhầm lớp?
Nâng cao chất lượng học tập của học sinh, đặc biệt là học sinh gặp khó khăn trong học tập, Sở Giáo dục Thành phố Hồ Chí Minh đã yêu cầu hiệu trưởng các cơ sở giáo dục tăng cường kiểm tra công tác chuyên môn của giáo viên bằng nhiều hình thức: dự giờ, dự các buổi sinh hoạt chuyên môn, kiểm tra kế hoạch bài học, nhật kí dạy học, hồ sơ đánh giá học sinh,... để hỗ trợ giáo viên nâng cao năng lực chuyên môn, tiến tới nâng cao chất lượng học tập của học sinh.
Với những giải pháp thế này, từ kinh nghiệm thực tế giảng dạy bậc tiểu học của mình và các đồng nghiệp, người viết chắc chắn càng tạo ra áp lực lớn cho giáo viên. Vì, khi thầy cô giáo lo chăm chút cho bộ hồ sơ sổ sách thật đẹp, khi thầy cô dành thời gian đầu tư cho tiết dạy dự giờ được hoàn hảo, hay khi thầy cô luôn có tâm lý phập phồng lo nghĩ không biết họ dự giờ đột xuất lúc nào thì những em học sinh sẽ ít được chăm lo chu đáo.
Điều này, sẽ làm “đẹp hình thức mà rỗng nội dung” và dẫn đến hệ lụy chất lượng học tập của học sinh đã thấp lại càng thấp hơn.
Học sinh ngồi nhầm lớp có đến từ giáo viên?
Người trong nghề như chúng tôi mới hiểu, học sinh ngồi nhầm lớp lỗi không hoàn toàn đến từ phía giáo viên.
Học sinh ngồi nhầm lớp, nếu hỏi cấp trên, lỗi sẽ là của ...giáo viên
Vì thế, để phải đưa giải pháp nâng cao chất lượng dạy học tập trung vào giáo viên như Sở Giáo dục và Đào tạo Thành Phố Hồ Chí Minh cũng chẳng thể giải quyết được gì.
Có tổ chức kiểm tra hồ sơ sổ sách, có dự giờ thăm lớp đột xuất, bất ngờ, có kêu gọi giáo viên đổi mới phương pháp dạy học, có bắt buộc thầy cô lên kế hoạch phụ đạo hay đưa ra giải pháp dạy phân hóa trong tiết học…thì tình trạng học sinh ngồi nhầm lớp vẫn sẽ còn.
Nhưng nói giáo viên không có lỗi trong chuyện này cũng không đúng. Lỗi không thuộc về năng lực của nhà giáo, không phải giáo viên dạy dở, dạy kém là có học sinh ngồi nhầm lớp. Giáo viên dạy giỏi, dạy tốt là không có hiện tượng này.
Giáo viên có lỗi khi đã thỏa hiệp với các chỉ tiêu từ nhà trường đưa xuống ngay từ đầu năm, lỗi do không cương quyết để học sinh yếu ở lại, lỗi cũng sợ vì bị cắt thi đua của bản thân.
Học sinh ngồi nhầm lớp không đến từ giáo viên mà đến từ những chỉ tiêu từ bên trên áp xuống
Ngay từ đầu năm học, trong hội nghị công nhân viên chức, các chỉ tiêu về lên lớp thẳng, chỉ tiêu về phổ cập đúng độ tuổi, về hiệu quả 5 năm đào tạo, hoàn thành chương trình cấp tiểu học, tỉ lệ học sinh khá giỏi, tỉ lệ tốt nghiệp, chỉ tiêu chất lượng môn học…đã được áp xuống.
Và, bao giờ cũng thế chỉ tiêu năm sau phải cao hơn năm trước. Chỉ tiêu đưa ra, chỉ được phép đưa lên chứ tuyệt nhiên không có chuyện hạ xuống.
Nhà trường cũng bị áp lực chỉ tiêu khi đầu năm phòng giáo dục cũng họp mặt hiệu trưởng các trường để ký cam kết về thi đua. Những chỉ tiêu được giao cứ cao ngất ngưỡng, hiệu trưởng cũng không thể chối từ.
Và, phòng cũng chịu áp lực về chỉ tiêu của huyện thị. Ví như chỉ một trường học số lượng học sinh lưu ban vượt quá chỉ tiêu quy định sẽ ảnh hưởng đến chỉ tiêu phổ cập. Một trường không đạt dẫn theo cả xã phường không đạt. Xã phường không đạt thì huyện thị cũng không đạt, mà huyện thị không đạt thì tỉnh sao có thể đạt?
Có thể nói, chỉ tiêu là của cấp trên áp xuống cấp dưới dù không muốn thì cũng phải cố gắng để cho đạt. Học sinh ngồi nhầm lớp từ đây mà ra.
Các chỉ tiêu lại nằm trong nhiều thông tư do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành.
Vì thế, bệnh thành tích phải điều trị từ giáo viên đến cán bộ quản lý từ cấp trường đến cấp Bộ mới có hiệu quả.
Tài liệu tham khảo:
https://www.sggp.org.vn/hay-tra-em-ve-dung-lop-703385.html?fbclid=IwAR0wgHR_IzqHuMi7eHUsEvPzTDcMhJtgBewRO1RJPDY3imNsa2Dk6piFewc{1}
https://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/goc-phu-huynh/tp-hcm-yeu-cau-xu-ly-nghiem-giao-vien-ep-hoc-them-699309.html?fbclid=IwAR32YZOrqPg3XLripeW0hht1IeqkmOVSYjBm_qHstBG18ZPRcFoVn1YRP3s{2}