Khống chế tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh

Tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh có chiều hướng gia tăng đã gây tác động tiêu cực đến cơ cấu dân số, làm ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế-xã hội. Để từng bước kiểm soát tình trạng này, tỉnh Quảng Trị đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, quyết liệt, góp phần nâng cao nhận thức và chuyển đổi hành vi của người dân về mất cân bằng giới tính khi sinh.

 Khống chế tỉ số giới tính khi sinh sẽ kiểm soát được tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh - Ảnh: T.L

Khống chế tỉ số giới tính khi sinh sẽ kiểm soát được tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh - Ảnh: T.L

Nỗ lực khống chế tốc độ gia tăng tỉ số giới tính khi sinh

Theo quy luật tự nhiên, trung bình cứ sinh 100 bé gái thì tương ứng sinh được khoảng từ 105-107 bé trai. Tuy nhiên, thời gian qua trên địa bàn tỉnh Quảng Trị đã có sự chênh lệch về tỉ số này và có xu hướng tăng dần qua các năm. Để khống chế tốc độ gia tăng tỉ số giới tính khi sinh, tiến tới đưa tỉ số giới tính khi sinh trở lại mức cân bằng tự nhiên, tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 5170/KH-UBND, ngày 5/12/2016 về thực hiện Đề án Kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh (MCBGTKS) giai đoạn 2016-2020.

Khi thực hiện đề án, công tác truyền thông nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi đối với công tác kiểm soát MCBGTKS được tỉnh quan tâm thực hiện. Qua đó, nâng cao hiệu quả các hoạt động vận động về can thiệp giảm thiểu MCBGTKS, nhằm tạo cơ sở pháp lý và môi trường thuận lợi để tổ chức triển khai thực hiện các nội dung hoạt động của đề án. Thông tin về tình trạng MCBGTKS được cung cấp kịp thời thông qua việc tiếp tục đưa chuyên đề kiểm soát MCBGTKS vào giảng dạy cho học viên tại Trường Chính trị Lê Duẩn.

Các hội nghị chuyên đề cung cấp đầy đủ, kịp thời các thông tin về tình trạng MCBGTKS của cả nước, của địa phương cho các cấp, ngành, các cơ quan thông tấn báo chí Trung ương và địa phương được tổ chức. Nội dung MCBGTKS còn được lồng ghép đưa vào quy ước xây dựng mô hình làng không có người sinh con thứ 3 trở lên. Việc nâng cao hiệu quả truyền thông, giáo dục MCBGTKS tại cộng đồng được quan tâm thực hiện nhằm triển khai đồng bộ, có hiệu quả các hoạt động truyền thông, từ đó nâng cao nhận thức, chuyển đổi hành vi của cộng đồng về thực trạng, hệ lụy của MCBGTKS đối với gia đình và xã hội.

 Người dân được cung cấp dịch vụ CSSKSS-KHHGĐ tại trạm y tế - Ảnh: TRẦN TUYỀN

Người dân được cung cấp dịch vụ CSSKSS-KHHGĐ tại trạm y tế - Ảnh: TRẦN TUYỀN

Việc nâng cao hiệu lực thực thi những quy định của pháp luật về kiểm soát MCBGTKS cũng được triển khai, qua đó phát hiện kịp thời và xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm các quy định của pháp luật về lựa chọn giới tính thai nhi; sản xuất, buôn bán và lưu hành các tài liệu phổ biến phương pháp tạo giới tính thai nhi. Bên cạnh đó, việc nâng cao hiệu quả quản lý, giám sát cũng được đẩy mạnh thực hiện. Đã tổ chức hội nghị chuyên đề cung cấp thông tin về thực trạng, nguyên nhân, hệ lụy MCBGTKS và các chính sách của Đảng, Nhà nước về kiểm soát MCBGTKS cho bí thư chi bộ, trưởng thôn, trưởng các ngành, đoàn thể của thôn và những người có uy tín trong cộng đồng làm cơ sở đưa nội dung kiểm soát MCBGTKS vào hương ước, quy ước của thôn, khu phố.

Năm 2020, tỉnh tiếp tục chỉ đạo Sở Y tế tổ chức tập huấn cho 100% viên chức dân số cấp huyện, xã và đội ngũ cộng tác viên dân số về kỹ năng vận động các cấp ủy đảng, chính quyền đưa nội dung kiểm soát MCBGTKS vào mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội của địa phương. Vận động lồng ghép các nội dung bình đẳng giới, không phân biệt vai trò của con trai hay con gái trong việc chăm sóc cha mẹ già, trong công việc gia đình, họ tộc vào tiêu chí “Gia đình văn hóa” trong hương ước, quy ước của thôn, khu phố.

Đưa tỉ số giới tính khi sinh không vượt quá 112,5 trẻ nam/100 trẻ nữ vào năm 2025

Sau 5 năm triển khai thực hiện Đề án Kiểm soát MCBGTKS, nhận thức của các cấp ủy đảng, chính quyền, các ngành, đoàn thể và Nhân dân về thực trạng, nguyên nhân và hệ lụy của vấn đề MCBGTKS đã có chuyển biến tích cực. Từ đó, tạo được sự đồng thuận của xã hội trong việc chấp hành các chủ trương của Đảng; chính sách, pháp luật của Nhà nước đối với vấn đề kiểm soát MCBGTKS. Tuy nhiên, thực tế cho thấy hoạt động kiểm soát MCBGTKS của địa phương vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức. Tỉ số giới tính khi sinh của tỉnh đang ở mức cao, thiếu ổn định và chưa đảm bảo tính bền vững lâu dài.

Cụ thể, tỉ số giới tính khi sinh tăng từ 112,3 trẻ nam/100 trẻ nữ (năm 2016) lên 112,8 trẻ nam/100 trẻ nữ (năm 2018), tăng bình quân 0,25 điểm phần trăm/năm; tiếp đến giảm mạnh xuống còn 110,1 trẻ nam/100 trẻ nữ (năm 2020), giảm bình quân 1,35 điểm phần trăm/năm. Phân tích số liệu thống kê chuyên ngành dân số 6 tháng đầu năm 2021 cũng cho thấy đã có sự chênh lệch đáng kể giữa số trẻ nam/số trẻ nữ, dự báo tỉ số giới tính khi sinh tăng trở lại và ở mức trên 111 trẻ nam/100 trẻ nữ (năm 2021). Trong khi đó tâm lý thích con trai và quan niệm phải có con trai để nối dõi tông đường, chăm sóc, phụng dưỡng cha mẹ khi về già hay thờ cúng tổ tiên vẫn còn nặng nề trong đời sống văn hóa cộng đồng, nhất là ở các vùng nông thôn.

 Cùng chăm ngoan - Ảnh: TRUNG HÒA

Cùng chăm ngoan - Ảnh: TRUNG HÒA

Để tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Quyết định số 468/QĐ-TTg ngày 23/3/2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Kiểm soát MCBGTKS giai đoạn 2016-2020, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch thực hiện Đề án kiểm soát MCBGTKS giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh. Theo đó, tỉnh sẽ triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm khống chế tỉ số giới tính khi sinh không vượt quá 112,5 trẻ nam/100 trẻ nữ vào năm 2025; phấn đấu đưa tỉ số giới tính khi sinh về mức 109 trẻ nam/100 trẻ nữ vào năm 2030.

Để đạt mục tiêu đề ra, nhiều hoạt động sẽ được tỉnh triển khai trong thời gian tới, trong đó chú trọng đẩy mạnh công tác truyền thông nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi đối với công tác kiểm soát MCBGTKS. Quan tâm nâng cao hiệu quả các hoạt động vận động về can thiệp giảm thiểu mất cân bằng giới tính. Đồng thời, nâng cao hiệu quả truyền thông, giáo dục kiểm soát MCBGTKS tại cộng đồng thông qua các hoạt động như lồng ghép đưa các nội dung tuyên truyền về giới, bình đẳng giới, MCBGTKS vào các nội dung hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị-xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp.

Tổ chức truyền thông, tư vấn và phổ biến các quy định của pháp luật về kiểm soát MCBGTKS cho các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ; nam/nữ thanh niên chuẩn bị kết hôn, mới kết hôn, người cung cấp dịch vụ liên quan đến lựa chọn giới tính thai nhi...

Việc biên soạn, cung cấp thông tin, tài liệu, sản phẩm truyền thông về MCBGTKS được quan tâm thực hiện. Đồng thời tiếp tục đưa nội dung về kiểm soát MCBGTKS vào giảng dạy tại Trường Chính trị Lê Duẩn, Trường Cao đẳng Y tế Quảng Trị và các trường THCS, THPT trên địa bàn tỉnh. Chú trọng xây dựng, thử nghiệm và mở rộng triển khai các mô hình như: Mô hình lồng ghép nội dung kiểm soát MCBGTKS vào hương ước, quy ước của thôn, khu phố; Mô hình hỗ trợ phụ nữ và trẻ em gái để tôn vinh, nâng cao vị thế của phụ nữ và trẻ em gái trong gia đình, cộng đồng và xã hội…

Một số nội dung khác như thực hiện các chính sách khuyến khích, hỗ trợ việc thực hiện kiểm soát MCBGTKS tại địa phương; nâng cao hiệu quả, hiệu lực thực thi các quy định của pháp luật về kiểm soát MCBGTKS cũng được tỉnh thực hiện trong thời gian tới nhằm góp phần khống chế tình trạng MCBGTKS tại địa phương.

Thanh Lê

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=73&modid=420&itemid=163511&title=khong-che-tinh-trang-mat-can-bang-gioi-tinh-khi-sinh