Không chỉ dạy luật
Gần đây, tôi có việc thường phải tham gia giao thông trên Đại lộ Thăng Long vào chiều tối cuối tuần. Sau hơn chục năm đưa vào khai thác, có thể thấy đây vẫn là tuyến giao thông đẹp, lượng phương tiện không quá lớn so với nhiều tuyến cao tốc khác.
Đường đẹp, phương tiện không quá lớn là điều kiện lý tưởng cho các bác tài có thể di chuyển thuận lợi, vừa nhanh, đúng quy định lại an toàn. Và cũng có thể đó là nguyên nhân khiến tần suất phương tiện gắn biển “tập lái” xuất hiện khá nhiều trên tuyến này. Thật là điều kiện lý tưởng cho việc học lái xe.
Cũng như nhiều người, khi thấy xe có gắn biển “tập lái”, tôi lập tức chủ động “nhường”, “tránh” để hạn chế nguy cơ tiềm ẩn từ những pha xử lý chưa tốt có thể xảy ra của người đang học lái xe. Mọi chuyện sẽ chẳng có gì để nói nếu các xe “tập lái” tuân thủ các quy định nhằm bảo đảm an toàn cho bản thân và các phương tiện đồng hành.
Thế nhưng, nhiều lần tham gia giao thông trên Đại lộ Thăng Long, tôi thường gặp tình huống sau: Phương tiện gắn biển “tập lái” rất ung dung di chuyển trên làn bên trái hoặc làn giữa, mặc kệ các phương tiện khác bấm còi, nháy đèn xin vượt. Cụ thể, biển báo tốc độ tham gia giao thông trên phần lớn tuyến Đại lộ Thăng Long được quy định cho từng làn, làn ngoài và làn giữa cho phép tốc độ tối đa là 100km/h, nhưng có những xe "tập lái" lò dò ổn định ở mức 50 - 60km/h, khiến các xe đi sau buộc phải giảm tốc độ đột ngột rồi quan sát, nếu đủ điều kiện an toàn thì "đành" vượt phải. Phải chăng do những người trên xe chạy sai làn kia rất yên tâm về “tấm bùa” mang tên “tập lái” gắn trên phương tiện?
Không khó để thấy, hành vi di chuyển không tuân thủ quy định về tốc độ và làn đường khi vào đường cao tốc không chỉ gây ức chế cho những người khác mà còn tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông. Theo Nghị định 100/2019/NĐ-CP, giáo viên thực hành mà để học viên lái xe thực hiện hành vi vi phạm thì sẽ bị xử phạt. Chắc hẳn, các giáo viên đào tạo lái xe phải nắm rất chắc điều này, vậy mà... Hay, phải chăng họ cũng tin tưởng, yên tâm về “tấm bùa” mang tên “tập lái”? Đó là nói về luật. Nói về ứng xử khi tham gia giao thông thì việc để học viên lái xe chạy chậm tại làn bên trái hay làn giữa thể hiện sự thiếu ý thức của người giáo viên dạy lái xe. Đáng nói, hiện tượng phương tiện "đủng đỉnh", đi "nhầm làn" như vậy không chỉ xuất hiện ở các xe "tập lái", mà cũng không chỉ có ở Đại lộ Thăng Long, mà còn khá phổ biến trên nhiều tuyến cao tốc và dễ thấy ở các phương tiện xe tải, xe khách.
Lâu nay, trên các diễn đàn, đã có không ít cuộc tranh luận về việc đi thế nào cho đúng tốc độ, đúng làn đường trên cao tốc để đảm bảo an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông. Kết luận cuối cùng được đưa ra, thống nhất với khuyến cáo được đưa ra trên nhiều tuyến cao tốc là tài xế “đi chậm thì đi làn bên phải”. Đó là cách ứng xử văn minh, thể hiện rõ văn hóa khi tham gia giao thông. Tiếc rằng cách ứng xử văn hóa đó chưa được lan tỏa, thấm sâu trong một bộ phận người điều khiển phương tiện.
Trở lại với câu chuyện đào tạo lái xe. Theo quy định với các giáo viên đào tạo lái xe, ngoài giấy phép lái xe thì còn phải đáp ứng các tiêu chuẩn được quy định tại khoản 5, điều 1, Nghị định 138/2018/NĐ-CP, như phải đáp ứng tiêu chuẩn đối với nhà giáo dạy trình độ sơ cấp theo quy định về giáo dục nghề nghiệp. Giáo viên đã qua tập huấn về nghiệp vụ dạy thực hành lái xe theo chương trình do cơ quan có thẩm quyền ban hành và được cấp Giấy chứng nhận giáo viên thực hành lái xe... Chắc hẳn các giáo viên dạy lái xe ô tô đều có đủ chứng chỉ, đáp ứng các yêu cầu công việc.
Tuy nhiên, giữa việc đáp ứng đủ điều kiện theo yêu cầu và thực hiện tròn trách nhiệm là một khoảng cách không nhỏ. Cách lái xe ứng xử khi tham gia giao thông phụ thuộc vào trình độ văn hóa, cá tính mỗi người, nhưng nếu được chỉ bảo, uốn nắn ngay từ những ngày “chập chững" học lái thì kết quả hẳn sẽ khác.
Và, có lẽ ngoài dạy luật thì giáo viên thực hành còn cần truyền đạt cả văn hóa ứng xử khi tham gia giao thông cho học viên. Khi người thầy làm gương và làm tròn trách nhiệm, có lẽ sẽ hạn chế, giảm thiểu được tình trạng lái xe "nhầm làn", vi phạm tốc độ trên cao tốc, gây nguy cơ ùn tắc, tai nạn giao thông.
Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/khong-chi-day-luat-688223.html