Không chỉ là khoa học công nghệ

Diễn đàn tôm Việt 2022 với chủ đề 'Ứng dụng khoa học công nghệ phát triển bền vững ngành tôm Việt Nam' vừa được tổ chức vào ngày 15-7 tại tỉnh Bạc Liêu đã mang đến nhiều giải pháp khoa học công nghệ tiên tiến, nhưng cũng đặt ra không ít những bất cập trong việc ứng dụng khoa học công nghệ vào nuôi tôm.

Có mặt tại diễn đàn, người viết ghi nhận sự nỗ lực của các doanh nghiệp, cơ quan nghiên cứu thông qua các giải pháp về mô hình, quy trình nuôi, phòng ngừa dịch… trên tôm được giới thiệu tại diễn đàn lần này, như: công nghệ nuôi tôm tuần hoàn 100% nước thải và chất thải của Công ty Haicorp; giải pháp thay thế kháng sinh bằng tăng cường miễn dịch cho tôm nuôi của Tập đoàn Olmix; ứng dụng đèn UV trong nuôi siêu thâm canh tôm thẻ chân trắng của Công ty TNHH Công nghệ UV Best; ứng dụng công nghệ 4.0 trong giám sát môi trường nuôi tôm của Công ty Tép Bạc; một số tiến bộ khoa học kỹ thuật trong nuôi tôm thâm canh tại Việt Nam của Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản II…

Nuôi tôm siêu thâm canh ứng dụng công nghệ cao có nhiều ưu thế nhưng cũng bộc lộ không ít bất cập cần sớm được giải quyết. Ảnh: TÍCH CHU

Nuôi tôm siêu thâm canh ứng dụng công nghệ cao có nhiều ưu thế nhưng cũng bộc lộ không ít bất cập cần sớm được giải quyết. Ảnh: TÍCH CHU

Vụ tôm năm nay gặp khá nhiều bất lợi, nhất là tình hình dịch bệnh EMS, bệnh phân trắng và vi bào tử trùng (EHP), nên mỗi giải pháp phòng trị bệnh hay mô hình nuôi có hiệu quả đều là những vấn đề thu hút sự quan tâm của đông đảo người nuôi tôm có mặt tại diễn đàn. Tiến sĩ Trần Hữu Lộc - Giảng viên Khoa Thủy sản Trường Đại học Nông Lâm TP. Hồ Chí Minh đã phần nào đáp ứng nguyện vọng này khi mang đến diễn đàn những thông tin quý giá làm rõ thêm về nguồn gốc, cơ chế lây lan, các biện pháp phòng, chống các loại bệnh trên cho từng mô hình nuôi tôm cụ thể. Theo Tiến sĩ Lộc, để phòng tốt các bệnh trên, điều cần thiết là người nuôi tôm nên chọn con giống sạch bệnh, cải tạo ao nuôi thật kỹ, sử dụng vi sinh ức chế các loại vi sinh vật có hại, hạn chế tôm bị stress… ngay từ giai đoạn đầu nuôi tôm, nhất là trong mùa mưa như hiện nay.

Đối với Công ty TNHH Công nghệ sinh học Trúc Anh, công ty không chỉ mang đến “Quy trình nuôi tôm thẻ chân trắng siêu thâm canh 2 giai đoạn theo công nghệ Trúc Anh” mà còn kèm theo đó là những chính sách hỗ trợ, chia sẻ cùng người nuôi tôm trong gói hỗ trợ 10 tỷ đồng đã được công ty cam kết trong thời gian qua. Bên cạnh ưu điểm không sử dụng kháng sinh, hóa chất mà chỉ sử dụng vi sinh, chế phẩm sinh học, điểm cộng cho quy trình này là ít thay nước, giúp giảm chi phí xử lý nước và góp phần bảo vệ nguồn tài nguyên nước. Đặc biệt là giảm thiểu hiện tượng tôm chết sớm 25 - 30 ngày tuổi do bệnh hoại tử gan tụy cấp, giá thành mỗi ký tôm loại 50 con/kg chỉ khoảng 65.000 - 72.000 đồng, quy trình nuôi dễ thực hiện, có tính nhân rộng cao, có thể nuôi 3 - 4 vụ/năm với năng suất mỗi năm có thể đạt 80 - 120 tấn/ha (ao nuôi).

Có thể thấy, các giải pháp khoa học công nghệ cho nuôi tôm hiệu quả và bền vững là không thiếu, nhưng việc áp dụng các giải pháp trên vẫn chưa được phổ biến, nên tỷ lệ nuôi tôm thành công chưa cao, khiến giá thành sản xuất tôm còn cao, làm giảm sức cạnh tranh của con tôm Việt trên thị trường. Chưa hết, theo ông Lê Tấn Cận - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu, bất cập lớn nhất trong việc ứng dụng khoa học công nghệ vào nuôi tôm còn do hệ thống cơ sở hạ tầng vùng nuôi, như: thủy lợi phục vụ cấp, thoát nước, điện 3 pha… chưa đồng bộ, quy mô diện tích hộ nuôi còn nhỏ lẻ, trình độ kỹ thuật nuôi còn hạn chế và đặc biệt là chi phí đầu tư nuôi siêu thâm canh ứng dụng công nghệ cao còn rất lớn trong khi người nuôi tôm đa số đều thiếu vốn nhưng không thể tiếp cận nguồn vốn tín dụng ngân hàng.

Trước những bất cập trên, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến đề nghị, các nhà khoa học, doanh nghiệp, người nuôi tôm cần có những chia sẻ, hỗ trợ lẫn nhau nhằm góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất, thúc đẩy ngành tôm phát triển hiệu quả và bền vững. Ông Cận cũng mong muốn, thông qua diễn đàn, các đại biểu, đơn vị, doanh nghiệp sẽ cùng nhau trao đổi, thảo luận về các giải pháp tháo gỡ những bất cập của ngành tôm nhằm thúc đẩy ứng dụng khoa học công nghệ, kinh nghiệm để phát triển ngành tôm theo đúng mục tiêu, kế hoạch đã đề ra.

Đồng tình với những ý kiến trên, ông Tạ Hoàng Nhiệm - Chủ tịch Hiệp hội Tôm Bạc Liêu đề xuất người nuôi tôm cần liên kết, tập hợp lại với nhau để có điều kiện chia sẻ kinh nghiệm, tăng tiềm lực tài chính, năng lực quản lý, giúp tiết giảm được chi phí, giá thành và đặc biệt là dễ ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào nuôi tôm, giúp tăng tỷ lệ thành công và thuận lợi trong việc truy xuất nguồn gốc cũng như nuôi tôm theo chuẩn quốc tế.

Tiến sĩ Trần Đình Luân - Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản đề nghị, các doanh nghiệp chuyển giao khoa học kỹ thuật cần làm rõ hơn các điều kiện cần và đủ để người nuôi có thể chọn lựa cho mình mô hình, quy trình phù hợp, chứ không nên giới thiệu một cách chung chung. Đối với người nuôi tôm, Tiến sĩ Trần Đình Luân gợi ý thêm rằng, người nuôi cần tận dụng ưu thế công nghệ thông tin để lập nhóm chia sẻ lẫn nhau các vấn đề liên quan của nghề nuôi. Tùy điều kiện, khả năng mà quyết định chọn lực quy mô, hình thức đầu tư thế nào cho hợp lý, trên cơ sở phải am hiểu về môi trường, thị trường, khoa học công nghệ, khả năng quản lý… Ngoài ra, người nuôi cần tổ chức lại sản xuất theo hướng liên kết chuỗi để giảm chi phí trung gian và thuận tiện trong truy xuất nguồn gốc sản phẩm.

TÍCH CHU

Nguồn Sóc Trăng: https://baosoctrang.org.vn/kinh-te/khong-chi-la-khoa-hoc-cong-nghe-58403.html