Không chỉ là tội bất hiếu

Không ít người được hưởng sự yêu thương, chăm sóc của cha mẹ lại xem đó là điều hiển nhiên, rồi khi trưởng thành bỗng quên hết ân nghĩa, đối xử tệ bạc, thậm chí còn đánh đập, hành hạ cha mẹ.

Đoạn clip dài hơn 7 phút được đăng tải trên mạng xã hội ghi lại hình ảnh cụ Trần Thị Đường, 82 tuổi, ở xã Long Hòa, huyện Cần Đước, tỉnh Long An bị con gái ruột là N.T.H. hành hạ, đánh đập dã man đã khiến dư luận phẫn nộ.

Do tuổi cao, không thể đi lại được, cụ Đường phải sinh hoạt tại chỗ và được đối tượng H. chăm sóc. Hình ảnh trong clip cho thấy H. liên tục quát mắng, dùng từ ngữ dung tục đối với cụ Đường. Không những vậy, H. còn dùng chổi đánh liên tiếp vào người cụ. Cao điểm là H. vừa chửi vừa hót phân từ dưới nền nhà đổ lên đầu cụ. Cụ Đường chỉ còn biết ngồi một chỗ chịu trận.

Hành động của đối tượng H. khiến nhiều người bất bình. Đại diện lãnh đạo UBND huyện Cần Đước, tỉnh Long An cho biết cụ Đường đã mất cách đây vài ngày, chưa rõ nguyên nhân là bị bệnh hay do tuổi cao sức yếu, hay vì một lý do nào khác? Chính quyền địa phương đã yêu cầu cơ quan công an điều tra, thu thập chứng cứ xử lý hành vi “hành hạ người khác” theo đúng quy định của pháp luật.

Vụ việc đối tượng H. ngược đãi, hành hạ mẹ đẻ xảy ra ở Long An không phải là trường hợp hy hữu. Cách đây chưa lâu, sự việc tương tự cũng từng xảy ra với cặp vợ chồng già ở thôn Đồng Lư, xã Đồng Quang, huyện Quốc Oai (Hà Nội). Đó là cụ ông Nguyễn Văn Quý và cụ bà Nguyễn Thị Chén, dù đã ở tuổi xế chiều song ông bà đã bị chính những đứa con đẻ của mình đuổi ra khỏi nhà. Tuổi gần đất xa trời, không còn nơi nương tựa, ông bà phải dọn đến ở nhờ trong một căn nhà gần đình làng. Cụ bà ốm đau liên miên, chân chậm không làm được gì, cụ ông phải đi bắt tôm cá bán lấy tiền sống cho qua ngày trước sự thờ ơ của con cái.

Những vụ việc con cái đối xử bất hiếu với cha mẹ đã khiến nhiều người phẫn nộ, xót xa. Thực tế cho thấy người phải gánh chịu nỗi đau lớn nhất chính là những người trong cuộc. Với bậc sinh thành, họ đã phải chịu nhiều hy sinh vất vả, “chỗ ướt mẹ nằm”, miếng ngon dành phần con, nuôi con khôn lớn trưởng thành, vậy mà khi về già, họ lại phải chịu "trái đắng" từ chính những đứa con mà họ mang nặng đẻ đau.

Có một điểm chung ở những bậc làm cha, làm mẹ, đó chính là tình thương yêu con cái vô bờ bến, không tính toán thiệt hơn, sẵn sàng hy sinh tất cả vì con, chỉ mong sao con cái được nên người. Ở bổn phận con cái, phần lớn dù có nỗ lực đến đâu, nhưng công ơn cha mẹ thật rất khó mà đáp đền.

Thật đáng phải suy nghĩ, có không ít người con được thụ hưởng sự yêu thương, chăm sóc của cha mẹ lại xem đó là điều hiển nhiên, rồi khi trưởng thành bỗng quên hết ân nghĩa, đối xử tệ bạc, thậm chí còn đánh đập, hành hạ cha mẹ. Với những đứa con bất hiếu, không chỉ bị dày vò bởi tòa án lương tâm, họ còn bị xã hội lên án, thậm chí phải chịu hình phạt của pháp luật.

Dưới góc độ luật pháp, hành vi bạo hành đối với cha mẹ luôn được xử nghiêm. Điều 35, Luật Hôn nhân gia đình quy định rõ: “Nghiêm cấm con có hành vi xúc phạm cha mẹ”. Nghị định số 87/CP ngày 21.11.2001 của Chính phủ cũng quy định người nào có hành vi ngược đãi, hành hạ cha mẹ, người có công nuôi dưỡng mình thì dù chưa gây ra hậu quả nghiêm trọng cũng có thể bị xử phạt hành chính.

Còn theo Điều 185, Bộ luật Hình sự 2015 quy định về tội ngược đãi hoặc hành hạ ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con, cháu, người có công nuôi dưỡng mình thì người nào đối xử tồi tệ hoặc có hành vi bạo lực xâm phạm thân thể ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con, cháu hoặc người có công nuôi dưỡng mình thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ hoặc tùy theo tính chất, mức độ hành vi có thể bị phạt tù mức cao nhất là 5 năm. Trong vụ việc này, bà N.T.H. đã có hành vi dùng điếu cày đánh đập mẹ đẻ mình. Đó là hành vi ngược đãi cha mẹ và cần phải bị xử lý nghiêm theo pháp luật.

Dưới góc độ xã hội, việc đánh đập, ngược đãi cha mẹ là hành vi vi phạm nghiêm trọng đạo đức xã hội, đáng bị lên án. Từ xưa tới nay, lòng hiếu thảo đối với cha mẹ luôn được xem là nền tảng đạo đức, tạo nên cốt cách, nền móng vững chắc cho mỗi gia đình, cũng là nền tảng góp phần xây dựng một xã hội văn minh. Con cháu có hiếu với ông bà, cha mẹ, ngoài việc mang lại niềm hạnh phúc cho mỗi gia đình, còn mang đến cho từng cá nhân sự an lạc, bình an trong tâm hồn. Và khi mỗi gia đình trong xã hội, mỗi công dân có được sự bình yên, thì xã hội, quốc gia mới an lạc và bình yên.

Chúng ta đang sống trong một thời đại của văn minh, được hưởng những thành quả mà ông bà, tổ tiên ta gây dựng. Bởi vậy, không thể lấy lý do sống trong xã hội hiện đại mà quên đi truyền thống hiếu thảo đối với cha mẹ, với ông bà được nuôi dưỡng, truyền từ thế hệ này qua thế hệ khác. Trong điều kiện chất lượng cuộc sống và nhận thức của xã hội ngày một nâng cao, mỗi chúng ta càng phải nhận thức sâu sắc sự phụng dưỡng cha mẹ, ông bà không chỉ là trách nhiệm và bổn phận, mà đó là một sứ mệnh thiêng liêng, cao cả.

Những vụ việc ngược đãi cha mẹ đau lòng xảy ra gần đây là bài học đáng phải suy nghĩ về công tác phòng ngừa, trách nhiệm của cộng đồng phát hiện, lên tiếng, tố cáo nhằm ngăn chặn kịp thời hành vi ngược đãi đối với người già, người yếu thế trong xã hội. Việc tạo dư luận xã hội để lên án, ngăn chặn các hành vi bất hiếu của con cái đối với đấng sinh thành là hết sức cần thiết. Đặc biệt, với những trường hợp đối xử với cha mẹ mất hết tính người, không thể chỉ dừng ở việc lên án, phê phán, mà cần phải có những chế tài xử phạt thật nghiêm minh để làm gương.

YẾN NHI

Nguồn Hải Dương: http://baohaiduong.vn/cung-ban-luan/khong-chi-la-toi-bat-hieu-146708