Không chỉ người Hàn hay Nhật, mà dân châu Âu cũng ít biết tới du lịch Việt Nam

Theo EuroCham, ở châu Âu, tin tức về du lịch Việt Nam chưa được phổ biến sâu rộng. Điều này thật đáng tiếc vì Việt Nam là một điểm đến hấp dẫn và nhận được phản hồi tốt từ những người đã từng đến đây.

Số liệu của Tiểu ban Du lịch và Nhà hàng Khách sạn (Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam - EuroCham) cho thấy, cách đây gần một năm, Việt Nam đã đưa ra quyết định mở cửa du lịch quốc tế và cho phép nhập cảnh miễn cách ly vào ngày 15/3/2022. Tổng cộng, Việt Nam đã đón 3,66 triệu lượt khách du lịch nước ngoài vào cuối năm 2022.

EuroCham kiến nghị Chính phủ nên tập trung hơn nữa vào thị trường châu Âu bằng cách sớm cho phép miễn thị thực cho tất cả các nước châu Âu (Ảnh minh họa: Int)

EuroCham kiến nghị Chính phủ nên tập trung hơn nữa vào thị trường châu Âu bằng cách sớm cho phép miễn thị thực cho tất cả các nước châu Âu (Ảnh minh họa: Int)

Dù đây là một kết quả đáng khích lệ, EuroCham tin rằng Việt Nam có tiềm năng để đạt được nhiều thành tựu hơn nữa, đặc biệt là với mục tiêu đầy tham vọng đón 8 triệu lượt khách du lịch nước ngoài vào năm 2023.

Theo đó, Tiểu ban Du lịch và Nhà hàng EuroCham kiến nghị Chính phủ nên tập trung hơn nữa vào thị trường châu Âu bằng cách sớm cho phép miễn thị thực cho tất cả các nước châu Âu.

EuroCham đã báo cáo với Chính phủ trước đó rằng hành vi du lịch của du khách đã thay đổi do đại dịch: họ đi du lịch ít hơn nhưng dành thời gian lâu hơn ở một điểm đến.

“Chúng tôi đánh giá cao dự thảo quyết định gần đây của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng thời hạn miễn thị thực cho khách du lịch nước ngoài từ 15 lên 30 ngày và chúng tôi hy vọng quyết định này sẽ được thực hiện trong thời gian sớm nhất”, đại diện Tiểu ban Du lịch và Nhà hàng khách sạn nêu rõ.

Mặt khác, đại diện EuroCham khuyến nghị Chính phủ Việt Nam xem xét cấp miễn thị thực 3 tháng hoặc 6 tháng cho những người châu Âu thượng lưu muốn có kỳ nghỉ dài ngày tại Việt Nam.

Đáng chú ý, đại diện EuroCham cũng cho rằng ở châu Âu, tin tức về du lịch Việt Nam chưa được phổ biến sâu rộng, điều này thật đáng tiếc vì Việt Nam là một điểm đến hấp dẫn và nhận được phản hồi tốt từ những người đã từng đến đây.

Vì vậy, EuroCham đề nghị Tổng cục Du lịch thành lập các văn phòng ở nước ngoài tại các nước châu Âu để đóng vai trò điều phối viên và đầu mối cho các bên liên quan ở các nước đó để truyền đạt hiệu quả về thành công và những phát triển quan trọng của Việt Nam.

Không chỉ khách châu Âu chưa biết tới nhiều thông tin về du lịch Việt Nam…, khảo sát được Outbox Company - công ty nghiên cứu thị trường du lịch tại Việt Nam mới công bố, cũng cho thấy mức độ nhận biết về hình ảnh điểm đến Việt Nam của khách quốc tế chỉ đạt trên trung bình, với 4,1 điểm trên thang 7. Chỉ 18% khách Hàn Quốc nói rằng "tự tin hiểu biết về Việt Nam"; 62% khách Nhật Bản được hỏi nói rằng họ chỉ "hiểu biết tương đối" và 21% nói rằng "biết ít, hoặc gần như không biết gì". Tương tự, 63% khách Đài Loan (Trung Quốc) nói rằng sự hiểu biết của họ về đối với Việt Nam chỉ ở mức "trung bình - khá".

Hồi cuối tháng 1 vừa qua, Trung Quốc công bố danh sách 20 quốc gia thí điểm mà công dân được đi du lịch theo tour hoặc tự túc từ 6/2, nhưng không có Việt Nam. Đây là những lo ngại đáng báo động với ngành du lịch Việt Nam khi được ví là “đi trước về sau” trong quá trình thu hút khách du lịch quốc tế sau đại dịch COVID-19.

Thy Lê

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//thi-truong/khong-chi-nguoi-han-hay-nhat-ma-dan-chau-au-cung-it-biet-toi-du-lich-viet-nam-1090853.html